Stanisław Szukalski: Thiên tài trong bóng tối

Stanisław Szukalski: Thiên tài trong bóng tối

Nhân ngày mất của ông, hãy cùng điểm lại cuộc đời nhiều thăng trầm của một thiên tài bị lãng quên..

Sự nghiệp sáng chói

Stanislaw Szukalski sinh ngày 13/12/1893 tại thị trấn Warta, Ba Lan. Từ nhỏ, Szukalski đã có năng khiếu điêu khắc. Lên 7 tuổi, ông đã biết đẽo gọt những bức tượng nhỏ dành tặng cho các bạn của mình. Năm 12 tuổi, ông theo chân mẹ và chị gái tới Chicago hội ngộ cùng cha. Tại đây, Szukalski ngay lập tức được nhận vào Viện Mỹ thuật của thành phố. Một năm sau, được sự đồng ý của gia đình, Szukalski quay lại Ba Lan ghi danh tại Học viện Mỹ thuật nổi tiếng Kraków, trước khi bỏ học và trở lại Chicago vào năm 1913.

Với tài năng của mình, Szukalski trở thành một phần quan trọng của phong trào “Phục hưng Chicago”. Ngoài việc được tham gia các triển lãm thường niên của Viện Mỹ thuật, ông cũng có hội trưng bày các tác phẩm của mình tại hai triển lãm cá nhân vào năm 1916 và 1917, cùng với các sự kiện của CLB Nghệ thuật Tiến bộ vào năm 1919. Nhưng phải tới năm 1925, tác phẩm của Szukalski mới được biết đến bởi giới phê bình quốc tế, khi ông đạt nhiều giải thưởng tại Triển lãm Quốc tế về Nghệ thuật Trang trí và Hiện đại ở Paris.

Sau khi giới thiệu các tác phẩm tại Châu Âu, Szukalski tổ chức buổi triển lãm hồi tưởng tại Kraków, Ba Lan vào năm 1929. Ông trở thành người đồng sáng lập phong trào Horned Heart, tập trung tìm kiếm cảm hứng từ văn hóa Slave và thời kỳ tiền Kitô giáo của quốc gia Trung Âu. Năm 1935, Szukalski quay trở về Ba Lan. Dưới sự tài trợ của Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông được toàn quyền sử dụng phòng trưng bày lớn nhất Warsaw lúc bấy giờ, nơi sau đó được đặt tên là Bảo tàng Quốc gia Szukalski.

Chính phủ Ba Lan còn thể hiện sự ưu ái hơn nữa, khi vinh danh điêu khắc gia 43 tuổi là “nghệ sĩ đương thời vĩ đại nhất” của đất nước. Đáng tiếc thay, phòng trưng bày của Szukalski đã bị phá hủy hoàn toàn trong Thế chiến 2, song song với đó là hầu hết các tác phẩm để đời của ông. Cùng với vợ mình, Szukalski tháo chạy khỏi Châu Âu và quay trở lại Mỹ vào năm 1940.

Nhà điêu khắc Stanislaw Szukalski khi còn trẻ. 	Ảnh: Wikipedia
Nhà điêu khắc Stanislaw Szukalski khi còn trẻ. Ảnh: Wikipedia
Một trong nhiều tác phẩm của Stanislaw Szukalski. 
Ảnh: Wikipedia
Một trong nhiều tác phẩm của Stanislaw Szukalski. Ảnh: Wikipedia
Tác phẩm Remussolini - Ca ngợi nhà độc tài người Ý (Theo pinimg)
Tác phẩm Remussolini - Ca ngợi nhà độc tài người Ý (Theo pinimg)

Quá khứ đen tối

Bên cạnh tài năng, Szukalski cũng được biết đến bởi tính cách có phần kiêu ngạo và những hành động khác thường. Ben Hecht, nhà biên kịch nổi tiếng của thế kỷ trước, mô tả người bạn Ba Lan của mình là một chàng trai trẻ với chính kiến đanh thép, người sẵn sàng nhịn đói nhiều ngày chứ không tìm kiếm sự giúp đỡ từ bạn bè. Tại một buổi triển lãm, khi được yêu cầu dỡ bỏ các tác phẩm mang đậm thông điệp chính trị của mình, Szukalski đã không ngần ngại phá tan phòng trưng bày. Và cuối cùng, khi được hỏi về kỹ năng giải phẫu học, ông không ngần ngại kể lại câu chuyện đã tự tay mổ xác người cha mà ông luôn kính trọng. “Cha tôi đã dạy tôi” - Szukalski chia sẻ đầy tự hào.

Trước khi Thế chiến 2 bùng nổ, các nước Châu Âu nằm dưới sự ảnh hưởng mạnh mẽ của quá trình quân sự hóa và chủ nghĩa dân tộc. Tại Ba Lan, chính phủ ban hành các chính sách bất lợi nhắm tới tầng lớp nhập cư, đặc biệt là người Do Thái. Lợi dụng tình hình đó, Szukalski xây dựng hình ảnh bản thân thành một biểu tượng của làn sóng thuần chủng tại quê nhà.

Ngoài những tác phẩm ca ngợi chiến công của các Đức Vua Ba Lan (Boleslaw Dũng Cảm, Boleslaw II Hào Phóng) hay những thành tựu lao động của dân tộc (Tượng Đài Người Thợ Mỏ), một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Szukalski chính là bức tượng Mussolini, người chỉ vài năm sau đó bắt tay với Hitler, tạo nên cơn ác mộng cho toàn thế giới. Chính Đức Quốc Xã cũng đã ngỏ lời mời điêu khắc gia người Ba Lan xây dựng các tác phẩm để ca ngợi nhà lãnh đạo của mình.

Dù cho thời điểm đó, chủ nghĩa Phát xít chưa cho thấy mối nguy hại rõ ràng, nhưng việc thời kì huy hoàng nhất trong sự nghiệp của Szukalski lại gắn với hình ảnh của bạo lực và sự kỳ thị, là một lý do lớn khiến cho tài năng của thiên tài người Ba Lan bị rơi vào quên lãng.

Một số tác phẩm của nhà điêu khắc Stanislaw Szukalski. Ảnh: Stanisław Szukalski @artofszukalski

Cái kết và di sản

Trốn chạy khỏi chiến tranh, Szukalski bỏ lại tất cả các tác phẩm quan trọng nhất của mình tại Warsaw. Đa số chúng đã bị tàn phá bởi các cuộc ném bom dữ dội, số còn lại bị phá hủy bởi Phát xít Đức. Năm 1940, Szukalski và vợ chuyển tới Los Angeles. Từ một điêu khắc gia với nguồn tài trợ hào phóng, Szukalski giờ phải trang trải thông qua các công việc thiết kế cảnh quan, vẽ bản đồ, hay phụ trợ xưởng phim. Dù vậy, thiên tài người Ba Lan vẫn không từ bỏ đam mê mỹ thuật của mình.

Các tác phẩm sau này của ông mang đậm sự ảnh hưởng của cuộc chiến. Từ những chủ đề mang đầy hào khí dân tộc, Szukalski giờ đây chuyển sang khai thác các hình mẫu đề cao tính nhân văn, cũng diễn tả sự bi thương của chiến tranh. Trong số các phẩm ấy, phải kể đến Trận Lụt Lớn, mô tả những bước chuyển mình của thế kỷ 20, hay Katyn, một tượng đài tưởng niệm cái chết của hơn 20.000 sĩ quan và trí thức Ba Lan bị thảm sát trong Thế chiến 2.

Thời ấy, ngoại trừ những người bạn thân thiết như nhà sưu tầm truyện tranh Glenn Bray, người tình cờ “phát hiện” ra Szukalski vào năm 1971, sau khi nhìn thấy một bức tranh của ông tại cửa hàng truyện tranh, thì rất ít người có cơ hội được tận mắt nhìn thấy những tác phẩm kể trên.

Việc phải chứng kiến những mất mát của chiến tranh đã biến Szukalski thành một con người hoàn toàn đối lập. Dù vậy, phong cách sáng tác của ông vẫn mang đậm những nét đặc trưng từ nghệ thuật bản địa Mỹ. Tiến sĩ mỹ thuật Piotr Rypson cho rằng, Szukalski luôn tôn thờ hình mẫu mỹ thuật từ Châu Mỹ là bởi nó đề cao tính tự do và không chịu ảnh hưởng bởi các nền văn minh khác. Khả năng kết hợp nhiều phong cách của các nền văn hóa khác nhau, cùng với đó là những một ý thức nghệ thuật mạnh mẽ, chính là những yếu tố giúp các tác phẩm của Szukalski trở thành di sản mỹ thuật đối với những người mến mộ ông.

Một di sản khác, thể hiện rõ hơn tính khác người của điêu khắc gia người Ba Lan, là công trình nghiên cứu cá nhân mang tên Protong. Ông dành 40 năm cuối đời để phát triển một lý thuyết tự tạo, cho rằng mọi nền văn minh trên Trái đất đều xuất phát tại đảo Phục Sinh, nay thuộc Chile. Công trình này đồ sộ này bao gồm một bản thảo dài 42 tập, tổng cộng hơn 25.000 trang, với 14.000 hình minh họa.

Stanislaw Szukalski trút hơi thở cuối cùng vào ngày 19/5/1987 tại California, Mỹ. Bộ phim tài liệu Đấu Tranh: Cuộc đời và Nghệ Thuật Bị Mất của Szukalski do Netflix sản xuất năm 2018 đã mang các tác phẩm và câu chuyện của một thiên tài bị vùi sâu trong bóng tối đến gần hơn với công chúng.

Theo Wikipedia, Struggle: The Life and Lost Arts of Szukalski, Observer

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Khơi nước gần dập lửa xa

GD&TĐ - Iran đã bước vào giai đoạn xung khắc mang bản chất mới với Mỹ và Israel nên càng cần yên bình ở phía biên giới chung với Pakistan.
Minh họa/INT

Khai mở động lực tăng trưởng mới

GD&TĐ - Về tổng thể, kết thúc quý I/2024, kinh tế Việt Nam được đánh giá là có nhiều điểm sáng nhưng thực tế, các doanh nghiệp vẫn đang gặp khá nhiều khó khăn.