ST25 của Việt Nam đoạt giải “gạo vương” 2019

GD&TĐ - Gạo ST25 của Việt Nam vừa được chính thức công nhận là giống ngon nhất thế giới 2019. Theo các chuyên gia, Việt Nam có nhiều giống gạo đặc sản, chất lượng tuyệt phẩm. Chỉ có điều công nghệ sau chế biến chưa phát triển. Chính nó khiến Việt Nam từ trước đến nay chỉ được biết đến như quốc gia sản xuất nhiều gạo nhất chứ không phải ngon nhất.

KS Hồ Quang Cua (thứ 2 từ phải sang) cùng nhóm tác giả tại lễ trao giải.
KS Hồ Quang Cua (thứ 2 từ phải sang) cùng nhóm tác giả tại lễ trao giải.

Việt Nam có 2 loại gạo ngon nhất thế giới 2019?

Hội nghị Thương mại Gạo Thế giới lần thứ 11 tại Manila, Philippines từ ngày 10 – 13/11, ST25 của Việt Nam được công nhận “Gạo ngon nhất thế giới năm 2019”. Gạo Thái Lan đoạt hạng Nhì. Hội nghị năm nay quy tụ hơn 20 công ty kinh doanh gạo quốc tế, hơn 100 thương gia xuất nhập khẩu và 20 nhà khoa học các châu lục.

Giống lúa ST25 của Việt Nam do nhóm kỹ sư Hồ Quang Cua, Nguyễn Thị Thu Hương và Tiến sỹ Trần Tấn Phương lai tạo. Đây là giống lúa cao sản có thể trồng 2 - 3 vụ/năm (gạo thơm Thái Lan là lúa mùa dài ngày, chỉ trồng được 1 vụ/năm).

Thông tin gạo ST25 đoạt giải Nhất được nhiều cơ quan báo chí trong nước đăng tải, nhưng có phần trái ngược. Một số báo đăng giống ST24 đoạt giải Nhất. Có báo đăng ST25 mới là loại số 1. Vậy ST24 hay ST25 mới là giống gạo được công nhận ngon nhất thế giới tại cuộc thi lần này?

Thông tin này được chính KS Hồ Quang Cua, Trưởng nhóm nghiên cứu giống lúa ST chia sẻ. Anh cho biết, tại hội thi lần này, ST24 và ST25 được chấm đồng điểm. Ban giám khảo có đôi chút phân vân nên ngay trong sáng 12/11 (giờ Việt Nam) Ban giám khảo đã công bố giống ST24 là giống gạo ngon nhất thế giới năm 2019.

Tuy nhiên, đến tối 12/11, không hiểu sao Ban giám khảo lại có quyết định thay đổi, chọn giống ST25 là gạo ngon nhất và công bố chính thức trên trang thông tin của mình (trtworldrice.com).

Gạo ST25 được sản xuất theo quy trình gạo sạch và chế biến theo dây chuyền hiện đại với công nghệ của Thụy Sĩ, với mục tiêu 3 không: Không hàm lượng: Cadimi, aflatoxin, không dư lượng thuốc trừ sâu, diệt cỏ, không dùng hóa chất tạo mùi. Hiện nay, gạo ST25 đang tạo sức hút mạnh tại trong thị trường trong nước với giá từ 30.000 - 35.000 đồng/kg.

Theo KS Hồ Quang Cua, với kết quả dự thi lần này, rất đáng tự hào vì cả 2 giống ST24 và ST25 đều được đánh giá là những loại gạo ngon nhất thế giới năm 2019. Do vậy, dù ST24 có nhiều điểm với giống ST25, nhưng giống ST25 mới là giống được công nhận đoạt giải Nhất Hội thi gạo ngon thế giới năm 2019.

Mua gạo ngon nhất thế giới ở đâu?

PGS.TS Nguyễn Văn Hoan cho biết, các giống gạo ST hiện đang được bán trên thị trường trong nước với giá cao hơn gạo bình thường do có chất lượng rất cao. Loại gạo ST25 là loại gạo đặc sản ở Sóc Trăng, được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Gạo ST25 thuộc dòng lúa thơm ST gồm nhiều giống khác nhau do kỹ sư Hồ Quang Cua (DNTN Hồ Quang Trí, Sóc Trăng) lai tạo.

ST25 là loại gạo thuộc nhóm hảo hạng trong thị trường gạo hiện nay. Gạo hạt dài, trong, không bạc bụng. Cơm khi nấu dẻo, thơm, hương vị ngọt dẻo đặc biệt rất thu hút. Gạo thuộc loại dẻo thơm nên nấu ít nước, cơm vẫn dẻo dù không xới khi nấu.

Đặc biệt, loại gạo này có hàm lượng đạm cao nên phù hợp với người mắc bệnh đái tháo đường, cả người già và trẻ em. Đây cũng là loại đặc sản nổi tiếng ở Sóc Trăng. Nó sánh ngang với loại gạo Nàng thơm chợ Đào. Người tiêu dùng rất ưa chuộng ST25.

Tuy vậy, điểm bán gạo ST25 trên thị trường không nhiều. Ở TPHCM có một cửa hàng chuyên bán các sản phẩm của DNTN Hồ Quang Trí ở số 12 đường Rạch Bùng Binh (quận 3), trong đó các loại gạo thuộc dòng ST như ST20, ST24 và gạo ST25 (số lượng rất ít, chủ yếu để giới thiệu).

Giá bán khoảng 26.000 đồng/kg. Đơn vị này cũng đại diện DNTN Hồ Quang Trí đưa các loại gạo ST vào bán tại Phiên chợ xanh tử tế của TPHCM thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần. Một cửa hàng quận Gò Vấp xác nhận có kinh doanh mặt hàng gạo ST25. Giá bán khoảng 35.000 đồng/kg, tương đương với các loại gạo cao cấp đang có trên thị trường.

Ngoài gạo ST25 thì giống gạo ST24 từng được xếp trong top 3 gạo ngon nhất thế giới tại Hội nghị quốc tế lần thứ 9 về thương mại gạo được tổ chức tại Macau, Trung Quốc vào tháng 11/2017.

Giống gạo ST25
 Giống gạo ST25

Những ưu điểm vượt trội của “gạo vương”

Kỹ sư Hồ Quang Cua cho biết, gạo thơm ST25 được nghiên cứu lai tạo từ năm 2008. Năm 2016, ST25 bắt đầu nổi tiếng tại các thị trường tiêu thụ gạo mạnh như: Chợ gạo Tân Trụ (tỉnh Long An), chợ gạo Bà Đắc (tỉnh Tiền Giang). Gạo ST25 Việt Nam được bình chọn là gạo đạt chuẩn hạt dài, trắng trong, cơm dẻo vừa và có hương thơm mùi lá dứa. Đặc biệt, khi để nguội cơm vẫn ngon, không bị cứng.

Về đặc tính, ST25 là giống lúa cứng và cao cây (110 – 115 cm), lá xanh bền, lâu tàn nên nuôi hạt tốt, thân cứng nếu bón phân cân đối không đổ ngã. Nó chịu phèn, mặn tốt nên có thể trồng ở đất đồng hoặc luân canh lúa – tôm. Giống lúa này không nhiễm bệnh sọc trong, đạo ôn lá và khoan cổ bông... Trong điều kiện thời tiết tốt, năng suất ST25 có thể đạt 8,5 tấn/ha, trung bình khoảng 6 - 7 tấn/ha.

Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho biết, để hạt gạo Việt giành giải Nhất phải qua nhiều vòng chấm điểm, từ đánh giá cảm quan “ngoại hình”, mùi, vị hạt gạo, chất lượng, dư lượng... Sau đó, các đầu bếp quốc tế, chuyên gia trong ngành lúa gạo thế giới sẽ chấm điểm cho hạt gạo sau khi nấu, cơm ngon, thơm, dẻo theo các thang điểm tiêu chuẩn.

Việc được vinh danh đứng đầu thế giới lần này khẳng định vị thế chất lượng gạo Việt Nam không thua kém gì các nước khác. Thậm chí có nhiều ưu điểm hơn như năng suất cao hơn, chống chịu với điều kiện khí hậu khắc nghiệt, canh tác được nhiều vụ trong năm…

Biểu trưng chứng nhận dành cho giống gạo ST25 của nhóm tác giả, KS Hồ Quang Cua.
 Biểu trưng chứng nhận dành cho giống gạo ST25 của nhóm tác giả, KS Hồ Quang Cua.

Việt Nam có nhiều giống gạo ngon tuyệt phẩm

PGS.TS Nguyễn Văn Hoan, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lúa, Học viện Nông nghiệp cho biết, thực tế Việt Nam có rất nhiều giống gạo ngon ở mức đứng đầu thế giới. Từ năm 1939, Việt Nam đã xuất khẩu đến 3 triệu tấn gạo Sóc Trăng ra thế giới, chứng tỏ đây là cái nôi gạo ngon. Chúng ta cũng có đầy đủ các giống gạo ngon nhất thế giới. Những giống này tập trung chủ yếu ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Ngoài ra cũng có những giống gạo đặc sản nằm rải rác ở các tỉnh, thành khắp cả nước như gạo Séng Cù, gạo Hương Việt Ba, gạo tám Điện Biên… đều đạt chất lượng rất ngon. Điều mà nhiều người thắc mắc từ xưa đến nay là vì sao Việt Nam sản xuất nhiều gạo thế mà không có những giống gạo ngon có giá trị kinh tế cao như Thái Lan hay Campuchia.

“Mọi người không hiểu rõ vấn đề. Việt Nam thừa khả năng sản xuất những giống gạo ngon nhất thế giới. Nhưng chúng ta khác các nước bạn ở chỗ ta không thể quy hoạch thành các vùng trồng lúa xuất khẩu bởi đất đai có hạn. Trong khi Thái Lan họ quy hoạch riêng các vùng trồng, Campuchia thì có đến 15 triệu ha lúa trong khi dân số thì lại rất thấp, diện tích trồng rất nhiều.

Còn ở ta, tình trạng nhập khẩu lương thực, ngô, bột mì ở mức rất cao. Chúng ta thậm chí phụ thuộc vào việc nhập khẩu lương thực. Ví dụ năm 2017, chúng ta nhập khẩu đến 7,8 triệu tấn ngô. Năm 2018 nhập 7,6 triệu tấn ngô, 1,2 triệu tấn bột mì. Theo tỷ lệ quy đổi thì 1 kg ngô – 0,9 kg gạo, 1 kg bột mì bằng 1,1 kg gạo. Vậy tính ra năm 2018, chúng ta nhập khẩu hơn 8 triệu tấn gạo, trong khi xuất khẩu chỉ có hơn 6 triệu tấn.

Đưa ra con số đó để thấy chúng ta không phải là nước an ninh lương thực. Việc nhập khẩu lớn như vậy chứng tỏ chúng ta vẫn phụ thuộc nhiều vào lương thực nhập từ nước ngoài. Việc xuất khẩu gạo chỉ dựa trên còn thừa thì mới xuất khẩu, nên không thể tập trung phát triển quy hoạch riêng gạo để xuất khẩu như ở các nước khác”, PGS.TS Nguyễn Văn Hoan cho biết.

Còn về giá trị, điểm đặc biệt của các giống lúa đặc sản của Việt Nam là có thể sản xuất được 2 - 3 vụ/năm. Những giống đặc sản ở Campuchia, Thái Lan hay Philippines chỉ có thể sản xuất 1 vụ/năm. Năng suất trung bình của các giống lúa đặc sản ở các nước chỉ vào khoảng 2,5 tấn/ha thì năng suất của giống ST 24 là 6 tấn/ha. Do vậy, dù các nước có bán với giá thành cao hơn, thì tính trung bình trên hiệu quả sản xuất của giống lúa, giá trị các giống lúa đặc sản của Việt Nam vẫn cao hơn nhiều.

PGS.TS Nguyễn Văn Hoan cho biết, ông và kỹ sư Hồ Quang Cua luôn có sự trao đổi liên tục, trợ giúp nhau để đưa thương hiệu lúa gạo Việt ra thế giới. Hiện giống gạo ST24 được kỹ sư Hồ Quang Cua bán ở thị trường trong nước với giá 35.000 đồng/kg và chưa xuất khẩu. Tới đây, sẽ còn rất nhiều giống gạo ngon được cho ra thị trường.

“Tôi và KS Hồ Quang Cua mong muốn, dự tính thời gian tới đây sẽ cố gắng đưa khoảng 800.000 – 1.000.000 tấn gạo ngon nhất thế giới ra thị trường quốc tế để khẳng định vị thế thương hiệu của gạo Việt. Bởi bấy lâu nay, chúng ta có rất nhiều giống gạo đặc sản ngon, quý, nhưng lại ít được biết đến và vẫn bị coi là nước có giá trị gạo xuất khẩu thấp. Đã đến lúc phải để thế giới biết đến chúng ta và thay đổi quan niệm đó”.
PGS.TS Nguyễn Văn Hoan
 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ