Sông nước biên thùy

GD&TĐ - Năm nào cũng vậy, cứ thấy mưa nhiều, nghe loáng thoáng trên đài, báo nói mùa nước nổi đang về là tôi lại nôn nao tìm về miền biên giới phía Tây Nam tổ quốc, đi dọc những con đường đất đỏ để đắm chìm hồn mình trong mênh mang sông nước…

Nơi sông Tiền đổ về Việt Nam, xa xa là những cụm cây cối, phum sóc của Campuchia
Nơi sông Tiền đổ về Việt Nam, xa xa là những cụm cây cối, phum sóc của Campuchia

Nhịp sống nơi thượng nguồn

Nếu sông nước ở bất cứ nơi đâu cũng đều dễ gieo vào lòng người một cảm giác yên bình, mênh mang diệu vợi thì sông nước miền biên thùy còn khiến cho người ta cảm thấy thân thương, gần gụi, linh thiêng và trân quý biết bao. Nhưng không chỉ sông nước, ngay cả con người của vùng biên giới xa xôi này cũng thật đặc biệt, luôn hồn hậu, chân thành với bất cứ ai, dù người đó xa lạ lần đầu đặt chân tới.

Với người dân dọc biên giới phía Tây Nam này, mùa nước nổi là một trong hai mùa quan trọng của họ. Mặc dù chỉ kéo dài chừng vài ba tháng nhưng mùa nước nổi thực sự đem đến sự đổi thay không chỉ của con người, mà còn là của trời đất, thiên nhiên, xứ sở này, theo đó, những cánh đồng được nước nổi đem về phù sa màu mỡ, rửa trôi đi phèn mặn và vô vàn các sản vật như cá tôm cua ốc, chim trời, giang sen...

Mùa nước nổi không chỉ là mùa đánh bắt, thu hoạch mà nó còn là một nhịp sống quen thuộc, kéo theo vô vàn những tập quán sinh hoạt khác, được vun đắp suốt bao đời.

Thậm chí như ông Nguyễn Văn Bảy (77 tuổi) một lão ngư ở thị trấn Sa Rài (Tân Hồng, Đồng Tháp)... ông đếm tuổi của đời mình, đếm những thời khắc quan trọng, những sinh tử biệt ly của vùng đất này đều qua những mùa nước nổi.

Từ chuyện lấy vợ, sinh đứa con đầu lòng hay cất cái nhà, đóng chiếc ghe cho tới chuyện vỡ đê, chia ruộng, cha mẹ mất... đều được ông tính bằng những mùa con nước lên và xuống. Những mùa con nước nổi (mà thực chất là nước lũ) thân thương như một nhịp điệu quen thuộc gắn kết trời đất, thiên nhiên và những con người nhỏ bé nơi đây.

Bây giờ, hầu hết các thị trấn, thị tứ vùng biên giới xa xôi này đều khá khang trang và sầm uất. Kinh tế vùng biên cùng những cung đường nối thẳng tới các trung tâm thành phố lớn đã biến những thị trấn, thị xã nằm sâu trong hun hút “rốn” Đồng Tháp Mười như Vĩnh Hưng, Tân Hưng, Thạnh Hóa, Kiến Tường (tỉnh Long An) hay Sa Rài, Dinh Bà (tỉnh Đồng Tháp) trở nên gần gũi và thân quen hơn.

Mặc dù vậy, phần lớn vùng biên giới nơi này vẫn là những cánh đồng, khi mùa nước nổi tràn về, trở thành mênh mông con nước. Trên những cánh đồng nước đó, những chiếc vỏ lãi chạy lướt bên những mái nhà, cây cổ thụ mọc hiên ngang giữa đồng nước. Rồi sau một hai tháng nữa, nơi đó lại trở về là những cánh đồng trù phú.

Con người, nếu biết dựa vào thiên nhiên, thuận theo thiên nhiên thì cuộc sống của họ sẽ bền vững và yên bình hơn. Với những cư dân vùng biên giới Long An, Đồng Tháp, An Giang... này cũng vậy. Cứ trước khi mùa nước nổi về, những xưởng đóng ghe, đan lưới, đan lọp, sửa máy... lại nhộn nhịp hẳn lên.

Rồi khi nước tràn đến đâu, đồng bãi xuất hiện vô vàn người đi bắt cá, bắt cua, bắt ếch rắn chuột. Rồi người đi lấy bông sen bông súng, lấy điên điển, so đũa... Ngày nay, nguồn lợi tự nhiên đã khan hiếm hơn, nhưng mùa nước nổi vẫn mang đến vô vàn sinh kế khác như nuôi tôm, nuôi cá, ếch... hay trồng sen, trồng khóm vào mùa nước. Nghĩa là, dù có thay đổi bao nhiêu, thì cái nhịp sống quen thuộc của trời đất và con người nơi biên giới này vẫn vậy, vẫn quen thuộc như xưa.

Cuộc sống người dân mùa nước nổi
 Cuộc sống người dân mùa nước nổi

Những cung đường nước nổi

Ngày nay, những con đường, bờ đê, cây cầu cùng vô vàn các công trình dân sinh khác đã biến nơi thượng nguồn xa xôi này thành những không gian đô thị nho nhỏ. Và tất nhiên, những khung cảnh trời đất mênh mông mùa nước nổi không còn nhiều, hoặc nó chỉ còn ở một số ít nơi mà phải cất công tìm kiếm mới có, chứ không tràn trề, bất tận như vài chục năm trước nữa.

Ở đó, những con đường biên nhỏ bé biến mình trở thành cô độc nhưng cũng mang đến cho mình những cảm giác khác lạ. Cảm giác chỉ có mênh mang trời đất, chỉ có bạt ngàn nước và nước, chỉ có loáng thoáng những chiếc ghe bầu mỏng mảnh lướt nhẹ trên nền nước bất tận. Dường như ở đây chỉ có trời và nước.

Trên là trời, dưới là nước, bao trùm lên tất thảy. Vẫn biết, nước thì nơi nào cũng có nhưng chỉ đến khi rong ruổi trên vùng đất này, tôi mới hiểu rằng, nước không chỉ mang đến vô vàn sinh kế mà còn kết nối tất thảy mọi thứ. Khi đó, nước bao trùm và kéo con người, vạn vật lại với nhau.

Trên mặt nước ấy, những ghe thuyền chạy đi khắp nơi, thậm chí xóa nhòa cả ranh giới đường biên trong cuộc mưu sinh bé nhỏ kia. Nhiều người dân ở vùng Hồng Ngự, Tân Hội (Đồng Tháp) nói với tôi rằng, mặc dù mùa nước nổi bao trùm khắp hàng chục tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nhưng ngày nay, để tìm được những cung đường nước nổi bất tận như ở đây là khá hiếm.

Ở đó, không chỉ có cuộc mưu sinh vất vả mà còn như một bức tranh êm đềm mà thiên nhiên, sông nước đã mang đến cho con người. Ngày nay, khi mà nguồn nước ở phía thượng nguồn bên kia biên giới ngày một ít đi, những cung đường nước nổi vùng Long An, Đồng Tháp... ngày càng hiếm. Nước đang ngày một cạn kiệt, không đủ để bao trùm và mênh mang như xưa nữa.

Bây giờ mùa nước nổi và những cung đường nước nổi với hình ảnh những chiếc ghe bầu nhỏ bé, nhẹ nhàng, mỏng mảnh cũng đang trở thành một thứ “đặc sản” của vùng châu thổ đồng bằng sông Cửu Long rộng lớn. Người ta chỉ có thể tìm thấy nó ở một số nơi, như những cung đường biên giới bạt ngàn phía Tây Nam mà thôi.

 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.