Mặc dù, cơ quan chức năng đã vào cuộc và có kết luận sai phạm nhưng nhiều tháng qua sự việc vẫn chưa được giải quyết.
Đeo khẩu trang khi… ngủ
Phản ánh với Báo Giáo dục và Thời đại, ông Nguyễn Hồng Đức (trú tại thôn Ngoại Độ, xã Đội Bình, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) cho biết, từ hơn 1 năm nay, Công ty Xi măng Tiên Sơn (địa chỉ tại xã Hồng Quang, huyện Ứng Hòa) đã cho ông Vũ Văn Tính thuê mặt bằng rộng hàng nghìn mét vuông tại thôn Phú Dư (xã Hồng Quang) để làm bãi chứa tập kết rác thải, tiến hành sản xuất phân vi sinh.
Theo nội dung ông Đức phản ánh, đây là việc làm trái pháp luật vì bãi tập kết chưa được cơ quan chức năng cho phép.
“Cơ sở sản xuất phân vi sinh này nằm sát thôn Phú Dư. Khu sản xuất kinh doanh gồm 1 dãy nhà xưởng lợp tôn, bãi rác thải lớn bốc mùi hôi thối, khét lẹt, tra tấn người dân suốt ngày đêm. Lúc nào người dân cũng phải đeo khẩu trang, kể cả khi ngủ nhưng vẫn không thể nào chịu được. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, tôi lo lắng người dân sẽ bị ung thư và mắc nhiều bệnh khác nữa”, ông Đức cho biết.
Cũng theo ông Đức chia sẻ, bản thân ông là thương binh và hiện là Giám đốc Công ty CPĐT Tình nghĩa Trường Sơn. Thành viên của công ty là tập hợp của những thương, bệnh binh trên địa bàn huyện Ứng Hòa.
Mặc dù nhà ông ở khác xã, khác thôn nhưng khi biết hàng trăm hộ dân thuộc thôn Phú Dư đang từng ngày phải sống trong “địa ngục” nên ông đã đứng ra làm đơn tố cáo. Theo ông Đức, ông và người dân đã có 17 lần đơn thư đến các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, đến giờ sự việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
“Họ chở thải về tập kết từng đống cao như núi để làm phân vi sinh. Tôi không biết quy trình hoạt động của họ như thế nào, có sử dụng hóa chất gì không nhưng cứ mỗi khi cơ sở hoạt động là mùi hôi thối kèm theo mùi hắc theo gió bay vào khu dân cư chúng tôi sinh sống. Mùi này khi hít vào cảm thấy rất tức ngực và rất khó thở”, bà Kiều Thị Lý, một người dân địa phương thông tin.
“Nhà tôi kế bên cơ sở sản xuất của ông Tính, mùi khó chịu bốc ra từ đây khiến gia đình tôi không còn cách nào khác phải đóng thật kín cửa để hạn chế mùi. Thậm chí có hôm, vợ chồng tôi phải đưa con nhỏ sang ở nhờ gia đình người khác vì mùi như vậy, đến người lớn còn không chịu được nói gì đến con trẻ”, một người dân khác ở thôn Phú Dư chia sẻ.
Ở vào cái tuổi chỉ mong con cái về thăm nom nhưng từ nhiều tháng nay, bà Trịnh Thị Nguyên đều xua tay từ chối mỗi khi con cháu ngỏ ý muốn về thăm bà. “Tôi 80 tuổi rồi, không biết gặp con cháu được bao lần nữa nhưng chúng về chơi, hít phải mùi hôi thối này rồi cũng đâm mắc bệnh, khổ chúng nó ra”, bà Nguyên nói.
Là một trong những hộ dân bị ảnh hưởng từ khi cơ sở sản xuất phân vi sinh của gia đình ông Tính đi vào hoạt động, bà Nguyễn Thị Hà, Trưởng thôn Phú Dư cho biết: “Quá trình kiểm tra, chủ cơ sở nói chỉ dùng phèn chua phun, ủ trong quá trình làm phân vi sinh, thực tế chúng tôi không biết họ làm như thế nào nhưng mùi kinh khủng, dân làng rất nhiều hộ dân đã lên tiếng nhưng sự việc vẫn chưa đi đến đâu”.
Góc cơ sở sản xuất phân vi sinh không phép của ông Vũ Văn Tính |
Người dân lo sợ, chính quyền bảo “chưa thấm vào đâu”
Như để minh chứng cho những phản ánh của mình về cơ sở sản xuất phân vi sinh gây ô nhiễm môi trường là thật, ngay giữa trưa nắng, hàng chục người dân thôn Phú Dư cùng đại diện chính quyền thôn là bà Nguyễn Thị Hà đã đưa PV “mục sở thị” cơ sở sản xuất phân vi sinh gây ô nhiễm này.
Cơ sở sản xuất phân vi sinh được phản ánh gây ô nhiễm môi trường nằm bên trong diện tích đất được Công ty Xi măng Tiên Sơn thuê lại từ UBND tỉnh Hà Tây (cũ). Công ty Xi măng Tiên Sơn sau đó đã cho ông Vũ Văn Tính thuê lại diện tích rộng hàng nghìn mét vuông để phục vụ cho việc sản xuất phân vi sinh.
Quan sát thì thấy có hàng trăm khối nguyên liệu được chất thành đống, cao như núi. Phía trong góc cơ sở là một máy sản xuất phân và nhiều tải lớn thành phẩm đang chờ xuất đi.
Điểm sản xuất này nằm sát khu dân cư, chỉ cách một bức tường. Theo phản ánh của người dân thì hiên tại, cơ sở sản xuất đã bị chính quyền yêu cầu dừng hoạt động. Tuy nhiên, nhiều thời điểm, cơ sở vẫn hoạt động chui. Những lúc như vậy, mùi hôi thôi, hắc đến khó thở sẽ lại bốc lên ngột ngạt.
Trao đổi với PV, ông Vũ Văn Tính, chủ cơ sở sản xuất này cho biết, cơ sở sản xuất của ông bắt đầu làm tại đây từ cuối năm 2021. Hoạt động sản xuất này là tự phát và chưa được sự cho phép của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, ông cho rằng việc sản xuất phân không đến mức… hôi thối như người dân phản ánh.
“Tôi chỉ phun phèn nên có mùi chua và hắc, tuyệt nhiên không dùng hóa chất độc hại”, ông Tính quả quyết. Tuy nhiên, ý kiến này vấp phải sự phản ứng rất quyết liệt của hàng chục người dân có mặt tại đó.
Người dân thôn Phú Dư bày tỏ sự bức xúc về hoạt động của cơ sở sản xuất phân vi sinh không phép. |
Ông Vũ Văn Tính sau đó đã xin người dân “cho làm hết số thải này rồi đóng cửa” vì bản thân ông đã đầu tư “tiền tỷ” để mua thải về tập kết tại thôn Phú Dư. Tuy nhiên, không một người dân nào đồng ý mong muốn này và yêu cầu ông Tính phải chấm dứt ngay việc sản xuất, chuyển cả nghìn tấn nguyên liệu đi nơi khác.
Liên quan đến vụ việc trên, bà Hoàng Thị Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Quang cũng xác nhận thông tin về phản ánh của người dân. Bà Tâm cho biết, từ khi có kết luận của UBND huyện Ứng Hòa, chính quyền xã Hồng Quang vẫn thường xuyên kiểm tra, tuần 2 lần nhưng không phát hiện cơ sở của ông Tính hoạt động sản xuất. “Đúng là bãi thải có mùi hắc nhưng... so với mấy trại lợn cũng trên địa bàn xã thì chưa thấm vào đâu”, bà Tâm nói.
Được biết, vào tháng 1/2022, người dân thôn Phú Dư đã có đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng về vụ việc trên. Phòng Tài nguyên và Môi trường và Công an huyện Ứng Hòa cùng UBND xã Hồng Quang đã tiến hành kiểm tra hoạt động của cơ sở sản xuất này.
UBND huyện Ứng Hòa sau đó đã ra văn bản yêu cầu “Dừng ngay hoạt động của xưởng sản xuất phụ gia ngành phân bón, xi măng cho đến khi được cấp có thẩm quyền kiểm tra, chấp thuận, cho phép hoạt động bảo đảm các yếu tố về bảo vệ môi trường và quản lý sử dụng đất”.
Tuy nhiên, từ khi có yêu cầu đó đến nay đã 8 tháng nhưng bãi thải để sản xuất phân vi sinh của ông Tính vẫn ngang nhiên tồn tại và hoạt động.
Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Đỗ Mạnh Hà (Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ứng Hòa) cho biết, việc này phải quan trắc, kiểm tra bằng máy móc mới biết chính xác nhưng điều đó nằm ngoài khả năng của phòng.
Ông Hà cũng cho biết, ngày 19/1/2022, UBND huyện Ứng Hòa đã có báo cáo gửi Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội đề xuất kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, đất đai đối với Công ty xi măng Tiên Sơn và kiến nghị kiểm tra, xử lý các sai phạm (nếu có) đối với việc quản lý sử dụng đất thuê của Công ty xi măng Tiên Sơn, việc đánh giá tác động môi trường được phê duyệt theo quy định. Thế nhưng, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội sau 8 tháng vẫn chưa có phản hồi.