Sống khổ, công nhân ngại lập gia đình

Thu nhập thấp và áp lực công việc là những rào cản khiến số đông công nhân tại các KCN không dám lập gia đình và sinh con

Sống khổ, công nhân ngại lập gia đình

Sáng 24-5, Ban Nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức hội thảo “Vấn đề đời sống hôn nhân, gia đình của công nhân (CN) trong các KCN hiện nay”. Đây là đề tài được triển khai từ tháng 6-2015 và đến tháng 6-2016 thì hoàn tất. Nhóm nghiên cứu đã khảo sát 1.500 CN đang làm việc ở các KCN tại 9 tỉnh, thành phố: Đồng Nai, TP HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc.

Thiếu thốn vật chất, tình cảm

Tính đến cuối năm 2015, cả nước có 212 KCN đang hoạt động với hơn 2,4 triệu CN, trong đó 60%-70% là lao động nữ nhập cư. Qua khảo sát, tiền lương và thu nhập thấp dẫn đến áp lực về đời sống vật chất khiến một bộ phận lớn CN chưa lập gia đình khó khăn trong tìm bạn đời; riêng số CN đã có gia đình (bạn đời cũng là CN) cũng phải tằn tiện chi tiêu mới đủ sống.

Thu nhập bấp bênh khiến nhiều nữ công nhân gặp khó khăn trong việc chăm sóc con cái Ảnh: NGUYỄN LUÂN
Thu nhập bấp bênh khiến nhiều nữ công nhân gặp khó khăn trong việc chăm sóc con cái Ảnh: NGUYỄN LUÂN

Theo các đại biểu, chính chất lượng sống thấp đã ảnh hưởng đến sức khỏe của CN, đặc biệt là chất lượng giống nòi khi họ sinh con. Phân tích nguyên nhân, nhiều ý kiến cho rằng ngoài quy hoạch các KCN không đồng bộ, tách biệt với môi trường bên ngoài, tình trạng mất cân bằng giới tính tại nơi làm việc khiến cơ hội tìm kiếm bạn đời của lao động nữ càng bị thu hẹp. Chưa hết, điều kiện sống, cơ sở hạ tầng phục vụ cho đời sống, sinh hoạt của CN nói chung, CN nữ nói riêng và trẻ em còn khó khăn, thiếu thốn. Số liệu khảo sát do Ban Nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam trình bày tại hội thảo đã phác họa bức tranh toàn cảnh về đời sống hiện nay của CN các KCN: 79,1% không có tích lũy; 69,7% không có nhà cửa ổn định; 38,2% sợ ốm đau không có tiền chữa bệnh; 29,2% lo lắng công việc không ổn định; 47,5% cho rằng không đủ điều kiện chăm sóc, nuôi con và 21,8% phải gửi con về quê nhờ ông bà trông giúp.

Xu hướng quan hệ tình dục trước hôn nhân, tình trạng nạo phá thai trước hôn nhân trong CN rất đáng báo động. Có 24,6% CN cho rằng có tình trạng cưới rồi không dám sinh con vì kinh tế khó khăn; 19,3% cho rằng tình trạng sống độc thân ngày càng nhiều; 20,2% cho rằng có tình trạng lao động nữ sinh con và nuôi con một mình; 11,7% cho rằng có con nhưng không đăng ký kết hôn. “Qua khảo sát, phần lớn CN không đòi hỏi quá nhiều vào người bạn đời của mình bởi 73,8% mong muốn người bạn đời có trách nhiệm với gia đình, con cái” - bà Bùi Phương Chi, Trưởng Phòng Công tác giới Ban Nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam, thông tin.

Yêu vội, ngại cưới

Bà Trần Thu Phương, đại diện Công đoàn KCN Hà Nội, cho biết thu nhập bình quân CN hiện tại dao động từ 4-5 triệu đồng/tháng. Do phần lớn là lao động nhập cư, phải thuê nhà trọ để ở nên phải chịu giá cả sinh hoạt như điện, nước, gửi trẻ giá cao hơn người dân địa phương. Ngoài ra, sự phân bổ lao động không đồng đều giữa nam và nữ tại các KCN (nữ chiếm 60%-70%) nên nhiều lao động nữ khó lập gia đình.

Theo Ban Nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam, tiền lương, thu nhập thực tế của đa số CN hiện nay mới chỉ đáp ứng được từ 68%-72% so với mức sống tối thiểu. Lương thấp nên gần 90% CN phải làm thêm giờ để tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống. Nhiều CN thích làm tăng ca không phải để tích lũy mà chỉ mong đủ sống. “Tăng ca đồng nghĩa sẽ có thêm bữa ăn chiều tại công ty, được thêm tiền tăng ca và bớt thời gian sử dụng điện, nước ở nhà trọ” - bà Chi nói. Do phải tăng ca thường xuyên nên 37,8% CN được hỏi cho biết thỉnh thoảng hoặc rất hiếm khi cả gia đình đông đủ các thành viên trong bữa cơm gia đình.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hồng - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam - yêu, tiến tới hôn nhân và xây dựng gia đình hạnh phúc là quyền của mỗi người, là nhu cầu tự nhiên, khát vọng cuộc sống nhưng cũng rất giản dị, đời thường. Thế nhưng, ước mong giản dị đó với đa phần CN lao động ở KCN, KCX không hề dễ dàng. Từng không ít lần lặn lội đến thăm CN nhà trọ, bà Hồng cho biết nhiều CN tâm sự rằng họ rất muốn yêu nhưng không dám cưới. Khi đã lập gia đình, họ cũng không dám sinh con vì sợ không đủ khả năng nuôi dưỡng. Thực tế, nhiều nữ CN sau khi sinh con buộc phải gửi về quê cho ba mẹ trông giúp. Bản thân người mẹ không được gần con, con không được bú mẹ. Tất cả điều đó dẫn đến những hệ lụy về đời sống tinh thần lẫn tình cảm. “Thật đau lòng khi đâu đó trên báo chí đưa tin hình ảnh em bé bị bỏ rơi, các sinh linh nằm trong sọt rác ở KCN. Là bậc cha mẹ, khi đọc những tin tức đó, chúng ta rất xót xa” - bà Hồng chia sẻ.

Thường xuyên bị quấy rối tình dục

44,7% CN được khảo sát cho rằng bị quấy rối tại khu nhà trọ hoặc gần nơi ở; 20,2% bị quấy rối tình dục ở nơi làm việc; 50,9% cho rằng bị quấy rối tình dục ở nơi khác. Hình thức quấy rối tình dục nhiều nhất: gạ gẫm qua tin nhắn, chat (38,1%); hứa hẹn để có những lời đề nghị khiếm nhã (15,8%); có những lời nói kích động tình dục (10,3%) hay những hành động như: mất trộm đồ lót, rình mò khi tắm, khi đi vệ sinh; khoe bộ phận nhạy cảm cũng đã diễn ra (chiếm 16,1%). Nguồn: Ban Nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam

Theo nld.com.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ