Đây cũng là lúc, nhiều người nhận ra, thấu hiểu hơn những giá trị mà bấy lâu nay, cuộc sống lo toan bộn bề khiến ta có phần lãng quên.
Nhờ “sống chậm” trong mùa dịch, nhiều người trẻ đã nhận ra và tìm được nhiều điều ý nghĩa vốn khó có thể cảm nhận trong nhịp sống hối hả trước đây.
Nguyễn Vũ Bảo (Quận 9, TPHCM) cho biết, phải thay đổi lịch sinh hoạt thường nhật của mình. Vũ Bảo hạn chế ra quán cà phê làm việc, tạm nghỉ đến phòng tập. Mùa dịch này lấy đi nhiều thứ, nhưng chính Vũ Bảo và gia đình đã cẩn trọng hơn trong việc sinh hoạt, đi lại cũng như lao động. Việc đeo khẩu trang cũng như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng được ghi nhớ tốt hơn.
Huỳnh Thị Ngọc Vy, sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM cho biết, dịch bệnh Covid-19 khiến cho cuộc sống sinh hoạt hằng ngày bị xáo trộn. Lúc trước, Vy thường dành thời gian để tham gia những hoạt động được tổ chức trong và ngoài trường, thường đi dạo chơi loanh quanh thành phố. Nhưng từ khi dịch bệnh bùng phát, Vy có nhiều thời gian ở cạnh ba mẹ, phụ giúp việc nhà thấy gia đình ngày càng ấm cúng hơn.
Huỳnh Thị Ngọc Vy thổ lộ: “Thật sự thì mình không làm gì nhiều trong những ngày nghỉ tránh dịch. Mình có thời gian dành cho bản thân và gia đình nhiều hơn. Điều đặc biệt khiến mình không khỏi xúc động là khoảnh khắc được đón tuổi 21 cùng gia đình. Trước đây, ngày sinh nhật của mình hầu như đều rơi vào mùa thi, nên lo ôn chuẩn bị cho thi cử không đón được ngày sinh nhật trọn vẹn”.
Không chờ đến khi Thủ tướng Chính phủ kêu gọi người dân ở nhà, hạn chế ra đường bởi diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, từ trước đó, nhiều gia đình cùng với lý do khác nhau đã ở nhà hoặc chọn giải pháp làm việc online. Không cảm thấy khó chịu hoặc bức bối, nhiều người đã biến khoảng thời gian nghỉ kéo dài này để nhìn nhận lại những giá trị thực sự của gia đình, vun đắp lại tình yêu thương và xiết chặt lại tình thân.
Là một người kinh doanh hoa cho các đám cưới, sự kiện, dịp này anh Phạm Hà Phú (31 tuổi, trú Q. Thủ Đức, TPHCM) gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, lúc rảnh rỗi nhất trong suốt nhiều năm làm nghề của mình, anh Phú chọn cách suy nghĩ tích cực hơn, dành thời gian sống chậm cho mình và người thân. “Ngoài những lúc nấu nướng, tôi có thời gian trồng thêm mấy thùng rau ở sân thượng. Coi vậy mà hay bởi chăm sóc, tưới rau hằng ngày cũng để thời gian trôi qua ý nghĩa, lại có rau sạch để ăn”, anh Phú chia sẻ.
Chị Phan Thị Hồng Huệ (28 tuổi, nhân viên Ngân hàng ACB, chi nhánh Q.5, TPHCM) cho hay, hết giờ làm việc ở văn phòng, thay vì đi cà phê với bạn bè, cùng ăn uống bên ngoài, dạo phố, chị và em gái ở nhà nhiều hơn, mọi người cũng chăm chỉ nấu nướng hơn và sau đó cùng pha trà, đọc sách.
“Ở nhà tôi có cả tủ sách. Những dạng sách như hạt giống tâm hồn, chữa lành tổn thương tôi thích đọc hơn cả. Trong mỗi sự kiện xảy đến với mình, mình đọc được một cuốn sách đúng thời điểm cảm giác rất quý. Nó khiến mình thấy dịu lòng hơn”, chị Huệ nói.
Gia đình anh Chính mới có một con trai chuẩn bị vào lớp 1. Từ Tết đến giờ trường học đóng cửa, thời gian đầu bé chủ yếu ở nhà với bà, nhưng rồi đến lúc diễn biến dịch căng thẳng, vợ anh quyết định ở nhà với con, sau đó đến cơ quan anh cho phép nhân viên làm việc online, anh cũng ở nhà luôn cùng con.
Ngoài giờ làm việc, anh có nhiều thời gian hơn để chơi cùng con. “Tìm kiếm trò cho con, bỗng dưng như quay lại tuổi thơ của mình. Đó là những trò chơi rất xưa cũ, là trò thả diều, đánh đáo, là những lần lang thang triền đê để bắt chim, câu cá… Tất nhiên trong hoàn cảnh dịch bệnh này, con không thể ra ngoài thả diều hay câu cá nhưng hai bố con có thể đọc sách, chơi trò chơi cùng nhau. Những giờ như thế khiến con gần gũi, tin tưởng và yêu thương bố hơn. Cũng qua đó, tôi hiểu con mình hơn, biết con cần gì, muốn gì. Có những ước muốn của con trẻ rất đơn giản mà nhiều khi trong ngày thường người lớn không có thời gian để hiểu”, anh Chính tâm sự.
Anh Hải có 3 đứa con sàn sàn bằng nhau, đứa lớn nhất mới 7 tuổi nên sau khi có lịch nghỉ học, anh đã đưa cả 3 con về quê với ông bà. Dần dà, anh và chị cũng về cùng các cháu. “Yêu thương hơn thì… chưa thấy. Nhưng sống chậm thì rõ rồi, mỗi ngày bây giờ mẹ chúng có thời gian ngồi cạnh chúng để cùng học tiếng Anh, chia sẻ những câu chuyện. Và các con tôi cũng phải… động não để nghĩ mỗi ngày một câu hỏi để hỏi bố. Đó là “luật” chơi của mấy bố con trong đợt nghỉ”. Đơn giản thế thôi, nhưng “mỗi ngày một câu hỏi” là để kích thích tư duy, tránh cho bọn trẻ thụ động quá. “Nhiều khi có những câu hỏi của chúng hóc búa lắm đấy. Nhưng đó cũng là cái để chính mình phải học hỏi, tìm tòi cho kịp sự phát triển của con”, anh Hải nói.
Chị Bích Ngọc tâm sự: “Con tôi mới gần 2 tuổi, mọi khi công việc cứ cuốn mình đi từ sáng đến tối, mọi việc chăm sóc con giao hết cho giúp việc, mẹ con chỉ gần gũi nhau một chút lúc tối muộn trước giờ đi ngủ. Đợt này nghỉ ở nhà, nhìn lại mới thấy thương con. Thôi thì tiếp tục tranh thủ thời gian nghỉ ở nhà mà gần gũi con bé. Quay đi quay lại mới thấy thời gian trôi đi nhanh lắm, tuổi thơ của con cũng chẳng có bao nhiêu”. Với chị Ngọc, khoảng thời gian nghỉ không còn nặng nề, mà đôi khi đó lại là sự may mắn.
“Ở nhà là yêu nước”. Những ngày này, người dân triệt để thực hiện lời kêu gọi của Chính phủ. Phố vắng nhưng sau mỗi ô cửa sổ lại ấm áp hơn. Vợ chồng con cái có nhiều thời gian cho nhau hơn, cùng vào bếp với những bữa cơm gia đình.
Học trực tuyến, làm việc trực tuyến nhiều hơn. Giao thông trở nên thông thoáng. Những thói quen bắt tay hay thú vui tụ tập ăn nhậu, cafe, trà đá hạn chế hẳn. Mọi người có nhiều thời gian cho gia đình và những sở thích cá nhân. Covid-19 như một phép thử tự nhiên, bộc lộ ra nhiều điều khiến chúng ta phải suy nghĩ. Cả nước đang thay đổi thói quen, sinh hoạt để cùng chống dịch.
Trong dịch bệnh, chúng ta thêm hiểu tài sản quý giá nhất là sức khỏe, thể chất và tinh thần, điều tưởng chừng như chân lý muôn thuở nhưng có lúc ta bị lãng quên. Điều mà nhiều người trẻ vẫn nói chỉ người già mới quan tâm. Ai cũng mong dịch bệnh sớm qua nhanh, gia đình, người thân và cộng đồng mạnh khỏe, an toàn. Trong dịch bệnh, nhiều người nhận ra, thấu hiểu hơn những giá trị mà bấy lâu nay, cuộc sống lo toan bộn bề khiến ta có phần lãng quên.
Khảo sát của Niesel cho thấy, 47% số người Việt Nam được hỏi đã thay đổi thói quen ăn uống; 60% thay đổi các hoạt động giải trí, vui chơi; hạn chế tới chỗ đông người và chỉ mua nhu yếu phẩm. Ai cũng sống chậm lại, tối giản hơn để khỏe mạnh hơn cả thể chất và tinh thần.