(GD&TĐ) – Liên hợp quốc vừa chính thức tuyên bố một số nơi ở Somalia đã rơi vào nạn đói sau khi trải qua hạn hán tồi tệ nhất 60 năm.
Một phụ nữ Somali đang giữ đứa con trai bị suy dinh dưỡng nặng nề ở trại tị nạn Dagahaley, Kenya. |
Hàng chục ngàn người đã chết ở Somalia do các nguyên nhân liên quan tới suy dinh dưỡng và khoảng 5.000 người đang chạy trối qua biên giới tới các trại tị nạn ở Kenya và Ethiopia hàng tuần.
Somali đang phải chịu hạn hán, kết hợp với chiến tranh và giá cả leo thang mất kiểm soát. Mark BoWden, một điều phối viên nhân đạo của Liên hợp quốc tại Somali nói: “Gần một nửa dân dố Somali là 3,7 triệu người đang trong cuộc khủng hoảng, trong số đó 2,8 triệu người ở miền nam”. Ông cho rằng các tổ chức hỗ trợ cần 300 triệu đô la trong vòng 2 tháng nữa để đối phó với nạn đói.
Những người tị nạn xếp hàng để nhận lương thực tại một trung tâm chuyển giao ở miền nam Ethiopia. |
Năm 1992, tình trạng tương tự đã xảy ra khi hàng trăm ngàn người Somali đã bị đói đến chết.
Ông Bowden nói thêm rằng: “Somali đang đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực tồi tệ nhất trong vòng 20 năm qua. Tình hình nghiêm trọng này đòi hỏi cần có hành động nhanh chóng để cứu những mạng người”.
Tình trạng nạn đói được xác định khi 2 người lớn hoặc 4 trẻ em trong số 10.000 người chết vì đói hàng ngày và 1/3 số trẻ bị suy dinh dưỡng nặng.
Ở một số nơi tại Somali, 6 người đang chết mỗi ngày và hơn một nửa trẻ em đang suy dinh dưỡng. Thêm vào đó, giá thực phẩm cũng tăng lên 270% trong năm ngoái.
Phụ nữ và trẻ em ẩn dưới một tấm chăn trong trời nắng như đổ lửa |
Theo ông Bowden, nếu không hành động ngay, nạn đói sẽ lây lan tới tất cả 8 khu vực phía nam Somali trong vòng 2 tháng do mùa màng kém và các bệnh lây nhiễm. “Chúng tôi vẫn không có tất cả các nguồn thức ăn, nước sạch, nơi trú ẩn và dịch vụ y tế để cứu hàng trăm ngàn mạng người ở Somalia”.
Hạn hán cũng đã giết tới 90% gia súc ở một số khu vực – Tổ chức Oxfam cho biết.
Hầu hết Somalia đều bị tàn phá bởi cuộc nội chiến kể từ khi chính phủ cuối cùng bị sụp đổ năm 1990. Những kẻ nổi dậy Hồi giáo nắm giữ hầu hết phía nam Somalia, họ cấm gần như tất cả các tổ chức hỗ trợ làm việc ở đây nhưng đã bớt nghiêm khắc trong tháng này.
Một số quốc gia đã tuyên bố những khoản tiền hỗ trợ như: Mỹ: 28 triệu USD, Anh: 145 triệu, EU: 8 triệu, Tây Ban Nha: 10 triệu USD, Đức: 8,5 triệu USD..
Hà Châu (Theo Mail Online)