Sớm cụ thể hóa nghề Công tác xã hội bằng luật pháp

Sớm cụ thể hóa nghề Công tác xã hội bằng luật pháp
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phát biểu tại buổi lễ
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phát biểu tại buổi lễ

(GD&TĐ) - Làm thế nào để nghề Công tác xã hội sớm được cụ thể hóa bằng luật pháp. Đó là đề nghị của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tại Lễ kỷ niệm Ngày Công tác xã hội lần thứ 16 do Trường ĐHSP Hà Nội chủ trì tổ chức sáng nay (8/11).

Tham dự buổi lễ còn có Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền; các Thứ trưởng: Phạm Mạnh Hùng (Bộ GD&ĐT), Nguyễn Trọng Đàm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Nguyễn Thị Minh (Bộ Tài chính), Bí thư T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh - Nguyễn Long Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban TNTNNĐ Quốc hội - Lê Như Tiến và đại diện các tổ chức quốc tế...

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, hiện nay, số người cần trợ giúp xã hội trên cả nước khá lớn. Trong đó có 9,6% hộ nghèo, 6,57% hộ cận nghèo, 8,6 triệu người cao tuổi, 6,7 triệu người khuyết tật, khoảng 1,4 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, gần 2,6 triệu người hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng và hàng ngàn xã đặc biệt khó khăn... Do vậy, để bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nền an sinh xã hội tiên tiến, việc phát triển nghề công tác xã hội đóng vai trò rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam.

Ở nước ta, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010 - 2020. Cho đến nay, các Bộ, ngành, địa phương, các trường ĐH, CĐ và các tổ chức xã hội nghề nghiệp đã tích cực triển khai Đề án phát triển nghề công tác xã hội và đã đạt được những kết quả bước đầu khá ấn tượng

Cụ thể, các Bộ, ngành đã chủ động xây dựng và hoàn thiện cơ chế, khuôn khổ pháp lý phát triển nghề công tác xã hội; bố trí nguồn lực, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện. Nhiều địa phương đã bước đầu thí điểm xây dựng, vận hành Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội, đổi mới các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội; thiết lập mạng lưới cộng tác viên công tác xã hội; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội. Các trường ĐH, CĐ đã tổ chức đào tạo, cung cấp hàng nghìn sinh viên tốt nghiệp cử nhân, cao đẳng, trung cấp công tác xã hội trên phạm vi cả nước.

Tuy nhiên, quán trình phát triển nghề công tác xã hội ở nước ta còn nhiều khó khăn, thách thức. Đó là, nhận thức, hiểu biết người dân và nhiều cán bộ, công chức về nghề công tác còn hạn chế. Khuôn khổ pháp lý phát triển nghề công tác xã hội còn chưa đầy đủ, đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện.

Mạng lưới các cơ sở, tổ chức cung cấp dịch vụ và mạng lưới nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội còn thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng. Đội ngũ cán bộ, nhân viên, cộng tác viên làm công tác xã hội chưa được đào tạo chuyên nghiệp về công tác xã hội.  Việc huy động nguồn lực của xã hội để trợ giúp và cung cấp các dịch vụ xã hội cho người dân có vấn đề xã hội chưa hiệu quả.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đề nghị các cơ sở đào tạo ngành Công tác xã hội cần rà soát lại nội dung chương trình đào tạo, đổi mới nội dung PPDH; quan tâm bồi dưỡng, nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên.

Đồng thời, quan tâm, tập trung nghiên cứu khoa học để tìm ra mô hình mới về Công tác xã hội, nghiên cứu tìm ra hình thức chăm sóc tốt; qua đó vận dụng vào công tác đào tạo và để tham mưu cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Phó Chủ tịch nước cũng đề nghị, cần tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục, vận động cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức toàn xã hội về vai trò, nhu cầu cũng như ý nghĩa chiến lược của toàn xã hội về nghề này. Bên cạnh đó, sớm hoàn thiện mạng lưới công tác xã hội; tăng cường hợp tác, tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế...

“Tôi đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội quan tâm hơn nữa đến công tác xã hội và nghề công tác xã hội, làm thế nào đầu tư thích đáng cho công tác này. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến những người làm công tác xã hội. Cùng đó, cần có chính sách để làm thế nào nghề công tác xã hội sớm được cụ thể hóa bằng luật pháp” – Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Một số hình ảnh do PV báo Giáo dục và Thời đại ghi lại tại buổi lễ:

cxcx
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại buổi lễ
Chủ tịch Hiệp hội dạy nghề và nghề CTXH Việt Nam Nguyễn Thị Hằng trao biểu trưng quyền đăng cai tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày CTXH lần thứ 17 cho Học viện Thanh thiếu niên VN
Chủ tịch Hiệp hội dạy nghề và nghề CTXH Việt Nam Nguyễn Thị Hằng trao biểu trưng quyền đăng cai tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày CTXH lần thứ 17 cho Học viện Thanh thiếu niên VN
hghg
Sinh viên Trường ĐHSP Hà Nội chào mừng Ngày Công tác XH thế giới
Ngày Công tác xã hội
Hoạt động kỷ niệm Ngày Công tác xã hội thế giới  tại Trường ĐHSP Hà Nội sẽ kết thúc vào ngày 9/11/2013

Hiếu Nguyễn

TIN LIÊN QUAN
 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.