Soạn "giáo án" cho tư vấn hướng nghiệp

GD&TĐ - Gần gũi nhất với học sinh, là người “nằm lòng” học lực cũng như sở trường, sở đoản, ước mơ nghề nghiệp và cả hoàn cảnh gia đình, giáo viên chủ nhiệm chính là người bạn đồng hành tận tụy trong giai đoạn HS bối rối chọn trường, chọn nghề.

Phân luồng và tư vấn giúp học sinh lựa chọn khối ngành dự thi đúng lực
Phân luồng và tư vấn giúp học sinh lựa chọn khối ngành dự thi đúng lực

Đường dài

Thầy Văn Tấn - giáo viên Trung tâm GDTX B (Ý Yên - Nam Định) - cho biết: Phần đông học sinh khối GDTX không suy nghĩ nhiều về vấn đề chọn nghề trong tương lai. Nhiều em lại rất thiếu sự định hướng từ gia đình. Đó là lý do khiến công tác hướng nghiệp gặp khó khăn và rất thiệt thòi cho các em nếu giáo viên thiếu sự quan tâm cần thiết.

Thầy Tấn cùng các đồng nghiệp cho rằng để làm được công tác hướng nghiệp trong trường THPT và đặc biệt là môi trường GDTX, việc đầu tiên, các giáo viên phải suy nghĩ: Mỗi người, mỗi học sinh đều có năng lực riêng cần được phát hiện và định hướng. Tuyệt đối không nên có tư tưởng học sinh GDTX yếu kém, thiếu động cơ chí hướng, sức ỳ lớn.... Chính những suy nghĩ tiêu cực đó sẽ cản trở con đường làm hướng nghiệp.

“Giáo án” tư vấn

Nhiều giáo viên lớp 12 thường có những bí quyết riêng trong hướng nghiệp cho học sinh, có người tiết lộ “giáo án hướng nghiệp” như sau: Đầu lớp 12, tôi thường cho học sinh trả lời hệ thống câu hỏi khảo sát hướng nghiệp của tiến sĩ Jonh Holland để giúp các em thấy được khả năng tiềm ẩn của mình, cũng như xu hướng công việc phù hợp với khả năng của các em.

Đến các học sinh yếu, trước hết cần định hướng cho em thấy giáo viên thực sự muốn giúp và những gì các em nói sẽ được tôn trọng - điều này thực sự khá vất vả và tốn thời gian.

Trong quá trình phỏng vấn, tôi thường chú trọng vào việc phân tích ba vấn đề: Sở thích cũng như sở trường của học sinh; điều kiện gia đình; phân tích về công việc hay nhóm công việc mà các em hướng đến.

Song song với hai bước trên, giáo viên chủ nhiệm cần thường xuyên trao đổi với học sinh và cha mẹ học sinh. Nên có một cuốn sổ ghi lại những nhận xét để phục vụ cho công tác hướng nghiệp lâu dài

Theo sát

“Thuộc” từng thói quen, sở thích, lực học, điều kiện hoàn cảnh gia đình của học sinh, liên hệ với cha mẹ học sinh thường xuyên, liên tục…, đó là lợi thế vô cùng lớn của các giáo viên chủ nhiệm để hoàn thành xuất sắc công tác hướng nghiệp cho học sinh.

Giai đoạn tháng 3, 4, 5, một số trường tổ chức các kỳ thi thử tốt nghiệp THPT, thi thử ĐH. Cùng với kết quả thi 2 tháng/lần trong năm học cho học sinh lớp 12, giáo viên có căn cứ để hướng học sinh chọn trường, chọn nghề.

Cô Nguyễn Kiều Liên - Trường THPT Đông Đô (Hà Nội) - “bật mí”: “Nếu học lực của học sinh vào khoảng 14 điểm 3 môn, mình có thể tư vấn cho các em đăng ký vào các trường vừa phải, không nên kiễng chân với các trường lấy điểm cao. Ví dụ, các em chọn ngành Kế toán, nhưng điểm thi vào ngành này mỗi trường lại khác nhau, đây chính là điều học sinh cần tư vấn.” - cô Liên cho biết.

Với cô giáo Nguyễn Thị Thúy - giáo viên Trường THPT Nguyễn Du (Bà Rịa - Vũng Tàu), công tác hướng nghiệp cho học sinh được tích hợp trong từng bài dạy. 

Ví dụ, khi dạy phần động cơ đốt trong, sẽ diễn giải luôn cho học sinh biết muốn theo ngành này, học sinh cần những tố chất về khoa học, sự tỉ mỉ, sáng tạo...; những trường ĐH, CĐ nào có giảng dạy ngành học này và ra trường cơ hội nghề nghiệp như thế nào?... 

Những thông tin đó không chỉ giúp bài học thêm hấp dẫn mà sẽ bước đầu định hướng cho học sinh lựa chọn ngành học trong tương lai.

“Tuy nhiên, để làm được điều đó, giáo viên cần thực sự có tinh thần trách nhiệm và lòng say nghề. Bởi với công việc chuyên môn vất vả, việc phải thường xuyên cập nhật những thông tin như vậy với giáo viên quả không dễ dàng” - cô Thúy cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.