Không báo cáo khi súc rửa đường ống
Chiều 25.4, làm việc với PV Báo Lao Động, ông Hoàng Giật Thuyên - GĐ Phòng An toàn Vệ sinh môi trường của Tập đoàn FHS ở Việt Nam - cho biết, Cty có nhập 296 tấn hóa chất. Việc này được Bộ Công Thương cấp phép nhập, sau đó mới được thông quan qua Hải quan.
Tuy nhiên, ông Thuyên cũng thông tin, không phải toàn bộ 296 tấn hóa chất nhập về đó đều được Cty dùng vào việc súc rửa đường ống, mà thực tế, chỉ sử dụng một phần rất nhỏ. Bởi, việc súc rửa có 4 phương pháp, có thể tẩy rửa bằng không khí, nước sạch, hơi nước, hóa chất (HCL, NaOH). “Trong 296 tấn hóa chất đó, gồm 45 loại. Nhưng việc tẩy rửa chỉ lấy một phần ít trong đó. Việc cho rằng Cty dùng toàn bộ hóa chất đó cho việc tẩy rửa đường ống là sai” - ông Thuyên khẳng định.
Trước câu hỏi, khi tẩy rửa đường ống, Cty có báo cáo với Sở TNMT không, ông Thuyên cho biết, Cty không biết có quy định này nên không báo cáo. “Chúng tôi đã được Bộ TNMT cấp phép cho xả thải nên không biết mỗi khi súc rửa đường ống phải báo cáo” - ông Thuyên lý giải.
Theo giấy phép cho xả thải mà Bộ TNMT cấp phép cho Cty FHS, Cty này được xả thải từ ngày 11.12.2015 với công suất xả thải sau khi đã xử lý là 45.000m3/ngày đêm.
Chưa đấu nối giám sát xả thải
Theo ông Thuyên, việc xả nước thải của Cty FHS được thực hiện qua 4 lần giám sát, gồm: Quan trắc tự động; lấy mẫu phân tích thủ công đối chiếu với tự động; hợp đồng với Cty quan trắc môi trường - Sở TNMT kiểm tra định kỳ 3 tháng/lần; Tổ an toàn vệ sinh môi trường của Tập đoàn Formosa kiểm tra.
Ngoài ra, Sở TNMT có thể kiểm tra đột xuất việc xả thải bất cứ lúc nào. Về quy trình xả: Nước thải được truyền về trạm xử lý, sau đó truyền về Trạm quan trắc tự động. Tại đây, sau khi tự động kiểm tra, nếu các thông số đảm bảo an toàn thì mới thải ra biển. Do đó, ông Thuyên khẳng định, việc cá chết ngoài biển vừa qua, không liên quan đến nước thải của Cty, vì tất cả đã được xử lý đúng quy trình, đảm bảo thông số an toàn
mới xả.
Trước câu hỏi, nước thải của Cty khi đến trạm quan trắc có thực hiện việc truyền dữ liệu về Sở TNMT Hà Tĩnh giám sát trước khi xả ra biển hay không, đại diện FHS thông tin, Hà Tĩnh chưa có thiết bị đấu nối, nên thời gian qua chưa thực hiện việc này.
Về nghi vấn có đường ống khác xả thải “chui” ngoài ống được cấp phép, ông Thuyên khẳng định “Hoàn toàn không hề có điều này. Bởi, Cty chúng tôi đã đầu tư 10,5 tỉ USD vào đây, chẳng dại gì mà vi phạm xả thải để ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong khi, lộ trình trong giai đoạn 2, chúng tôi còn đầu tư thêm 14 tỉ USD nữa”.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Phan Lam Sơn - PGĐ Sở TNMT Hà Tĩnh - khẳng định Cty FHS làm quan trắc tự động nhưng chưa đấu nối với Sở TNMT Hà Tĩnh. “Toàn quốc hiện nay chưa có đơn vị nào kết nối từ dự án đơn vị đến quốc gia được. Vì điều kiện hạ tầng của chúng ta chưa làm được” - ông Sơn nói.