(GD&TĐ) – Năm nay, con số kỷ lục 147 quốc gia và vùng lãnh thổ đã chuẩn bị gửi một thông điệp chung rằng đã đến lúc chúng ta phải hành động vì hành tinh của chúng ta. Hàng trăm danh thắng của hơn 5.000 thành phố, thị trấn sẽ tắt điện vào lúc 8:30 tối hôm nay (31.3), giờ địa phương, trong đó Libya, Bhutan, Guinea (Pháp) nằm trong số những nơi đầu tiên hưởng ứng.
Liên hợp quốc sẽ thực hiện Giờ Trái đất hôm nay bằng cách tắt điện một giờ liền tại các trụ sở của mình ở New York (Mỹ) và các chi nhánh khác trên thế giới. Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nói rằng Liên hợp quốc tắt điện “cùng với nam, nữ và trẻ em – chiếm 20% nhân loại – đang sống mà không có điện”. Gọi Giờ Trái đất là “một biểu tượng về sự cam kết với năng lượng bền vững cho tất cả mọi người”, ông Ban nói: “Chúng ta cần nhiên liệu cho tương lai với một năng lượng sạch, hiệu quả và chi phí khả thi”. “Bằng cách hành động cùng nhau ngày hôm nay, chúng ta sẽ có thể đủ năng lượng cho một ngày mai tươi sáng hơn”.
Cùng nhau hưởng ứng "Giờ Trái đất" |
Giờ Trái đất lần đầu tiên được Quỹ Động vật hoang dã Thế giới (WWF) thực hiện ở Australia năm 2007, họ đã kêu gọi người dân, các tổ chức và thành phố tắt bóng đèn không cần thiết trong một giờ liền từ 8:30 tối, giờ địa phương.
Đây là lần thứ 3 Liên hợp quốc cùng với hàng trăm triệu người trên thế giới tắt bóng đèn.
Sha Zukang, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc về các vấn đề kinh tế xã hội và là tổng thư ký của Hội thảo Rio+20 cho rằng Giờ Trái đất là sự kiện ý nghĩa giúp mọi người nghĩ về nhu cầu hành động để có được một tương lai bền vững. “Chúng ta không thể công việc như bình thường. Chúng ta cần xem lại cách chúng ta sử dụng các nguồn nhiên liệu, cách chúng ta tăng cường phúc lợi và bảo vệ môi trường. Chúng cần theo đuổi những ý tưởng mới” – ông nói.
Sự kiện Giờ Trái đất diễn ra khoảng 1 tuần sau xuân phân – thời điểm mà ngày và đêm đều dài như nhau cả ở 2 bán cầu, để đảm bảo rằng trời sẽ tối ở mọi nơi trên thế giới vào lúc 8:30 tối.
Năm 2011, hơn 5.200 thành phố, thị trấn ở 135 quốc gia trên thế giới đã tắt đèn hưởng ứng Giờ Trái đất, ủng hộ hành động vì biến đổi khí hậu.
Phương Hà (Theo WWF, China.org)