“Sổ đỏ” Hoàng Sa trên tờ bản đồ Partie de la Cochinchine

Thư viện Quốc gia Pháp mang tên Francois-Mitterrand nằm ở quận 13, Paris. Đây là một trong những nơi đầu tiên được các nhà nghiên cứu Việt Nam phát hiện ra bộ Atlas thế giới của Philipe Vandemaelen. Nhờ bộ Atlas này, suốt 187 năm qua, các nhà địa lý của cả thế giới đã biết rõ "Parasels thuộc về đế chế An Nam".

“Sổ đỏ” Hoàng Sa trên tờ bản đồ Partie de la Cochinchine

Địa cầu thế giới

Thư viện Quốc gia Pháp được đánh dấu mốc là đã đi vào hoạt động từ năm 1368. Đến ngày hôm nay, tại thư viện này còn lưu 13 triệu cuốn sách, 250 nghìn tập bản thảo, 350 nghìn tựa báo và tạp chí, 12 triệu bản in cùng nhiều tài liệu khác được viết bằng nhiều ngôn ngữ. Trong số đó có những tài liệu quý như bản Kinh thánh cổ, sách in kim loại đầu tiên thực hiện năm 1377...

Và trong số các tài liệu đó có bộ Atlas thế giới do nhà địa lý kiệt xuất người Bỉ là Philipe Vandemaelen vẽ hoàn thành vào năm 1827. Trên tấm bản đồ này, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được ghi rõ là thuộc về "Đế chế An Nam".

Vậy là suốt 187 năm qua, các nhà địa lý trên thế giới đã hiểu rõ về chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tài liệu này trở thành nguồn chứng cứ quý giá để Việt Nam bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo.

Tấm bản đồ số 106 vẽ quần đảo Hoàng Sa.
Tấm bản đồ số 106 vẽ quần đảo Hoàng Sa.

Vào thời đó, Philipe Vandemaelen đã vận chuyển hàng ngàn phiến đá lớn từ Đức vào Bỉ để áp dụng kỹ thuật in li tô để sản xuất bản đồ. 

Dựa trên những tấm bản đồ tốt nhất của thế giới, cộng với kết quả nghiên cứu từ quan sát thiên văn, bản đồ từ các chuyến du hành, ông vẽ thống nhất thành tờ bản đồ có tỷ lệ 1/1641836, kích thước 53,5 x 37cm. Những bản đồ này có thể được ghép lại thành một quả địa cầu có đường kính 7,755m. Năm 1827, bộ Atlas thế giới hoàn thành và trở nên nổi tiếng.

Bộ Atlas này gồm 6 tập với 7 bản đồ chung của 5 châu lục, 381 bản đồ chi tiết, 40 trang bảng thống kê và nhiều thông tin về địa lý tự nhiên, chính trị, khoáng sản.

Trong số đó, bản đồ các nước châu Á được vẽ 111 tấm và nằm ở tập 2 của bộ Atlas, còn các đảo chủ yếu nằm ở tập 6. Đế chế An Nam (Empire d"Annam) được Philip Vandemaelen vẽ trên các tấm bản đồ số 97 mang tên Tonquin, trong đó vẽ các địa phương thuộc Bắc Kỳ, tờ số 110 mang tên Partie de Camboge vẽ khu vực Nam kỳ và tờ 105 mang tên Campoge et Annam, trong đó phần phía Đông của tờ này chủ yếu là khu vực Trung kỳ đất liền và tờ số 106 mang tên Partie de la Cochinchine là khu vực Trung kỳ duyên hải, biển và hải đảo.

Tấm bản đồ 106

Những năm trước đây, tờ An Nam đại quốc họa đồ của Giám mục Jean Louis Taberd 1838 thường được nhắc đến là một trong những nguồn tài liệu có giá trị góp phần chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đảo Paracels hay Cát Vàng đã được Giám mục Taberd đánh dấu bằng 8 dấu chấm nhỏ tượng trưng cho quần đảo đá san hô.

Bên cạnh đó, Giám mục Taberd còn có bài luận viết về Paracels vào năm 1837 đã góp phần minh chứng thêm cho việc khẳng định chủ quyền của An Nam thời đó đối với quần đảo san hô này. 

Nếu xét về mặt học thuật cũng như giá trị ứng dụng trên thực tế, bộ Atlas thế giới của Phillippe Vandermaelen có giá trị vượt trội. Bộ Atlas này vẽ đầy đủ và tuyệt đối chính xác vị trí kinh độ, vĩ độ, đặc điểm địa lý, tên gọi và đặt Paracels vào khu vực thuộc Cochinchine (Đàng Trong) và là một bộ phận không thể tách rời.

Bằng phương pháp vẽ bản đồ một cách khoa học, Phillippe Vandermaelen đã chấm tọa độ và vẽ chính xác các đảo ven bờ ở miền Trung Việt Nam hiện nay như: Canton ou Cachitam tức Cù Lao Ré (đảo Lý Sơn), Cham Collac ou tức Cù Lao Chàm. 

Đồng thời bản đồ cũng phân biệt rạch ròi quần đảo Parasels giữa Biển Đông. Tiếp liền Partie de la Cochinchine ở phía trên là tấm bản đồ số 98 mang tên Partie de la Chine trong khoảng vĩ độ 18-21 và kinh độ 106-114. 

Tấm bản đồ này thể hiện khu vực Quảng Đông và đảo Hải Nam của Trung Quốc. Trên bản đồ thể hiện rõ biên giới cực Nam của Trung Quốc chưa chạm đến vĩ độ 18.

Phía ngoài khơi, quần đảo Hoàng Sa (Paracels) được vẽ khá chi tiết và chuẩn xác từ vĩ độ 16 đến 17 và kinh độ từ 109 đến 111. Quần đảo Hoàng Sa trong bản đồ có các đảo Pattles, Duncan ở phía Tây; đảo Tree, Lihncon, Rocher au desus de leau (bãi đá ngầm) ở phía Đông và đảo Triton ở phía Tây Nam, ngay dưới vĩ độ 16.

Theo các nhà nghiên cứu, hiện nay, bộ Atlas này được phổ biến tại nhiều thư viện, viện nghiên cứu, trường đại học của rất nhiều nước châu Âu, châu Á, châu Mỹ. 

Tháng 4/2014, GS Tạ Quang Ngọc đã đến nghiên cứu một bộ Atlas tại Thư viện Quốc gia Paris, ông đã bồi hồi xúc động khi nhìn thấy tài liệu có giá trị đã ngủ yên trong thư viện suốt 187 năm qua. 

GS Ngọc còn đến nghiên cứu bộ Atlas thế giới lưu trữ tại thư viện Viện địa lý Hoàng gia gồm 1 rời và 1 bộ đóng thành 6 tập. Tại hiệu sách cổ Sanderus ở số 32 Nederkouter, thành phố Gent, nước Bỉ và chứng kiến tập Atlas thế giới được lưu giữ cẩn thận. Hiện nay, thư viện Đại học Princeston của Mỹ đã triển khai dự án số hóa bộ Atlas thế giới và đưa lên mạng internet để cả thế giới truy cập.

Phillippe Vandermaelen sinh ra trong một gia đình giàu có, bố hành nghề y và có cơ sở sản xuất xà phòng rất lớn. Nhưng từ nhỏ, Phillippe Vandermaelen không thích y học lẫn sản xuất xà phòng mà lại đam mê vẽ bản đồ. 

Bộ Atlas thế giới do ông vẽ được hoàn thành vào năm 1827 và 2 năm sau, ông trở thành thành viên của Viện Hàn lâm Hoàng gia các nhà Khoa học. Đến năm 1830, ông sáng lập Viện Địa lý Hoàng gia Bruxelles. Năm 1836, ông được tặng Huân chương Lesopold của Hoàng gia Bỉ.

Theo các nhà nghiên cứu, nếu so với bản đồ thế giới hiện nay thì đường vĩ tuyến trong bộ Atlas thế giới hoàn toàn trùng khít. Còn đường kinh tuyến lệch khoảng 2 độ (ví dụ, Hải khẩu, đảo Hải Nam của Trung Quốc trong bản đồ hiện nay là 110 độ, nhưng trong bộ Atlas thế giới là 108 độ). 

Sự sai lệch này chứng minh tính nguyên gốc của Atlas thế giới, vì thời đó, Phillippe Vandermaelen lấy kinh tuyến Paris làm chuẩn. Còn đường kinh tuyến Greenwich của nước Anh lần đầu tiên được dùng để vẽ bản đồ biển vào năm 1871 và đã được thống nhất để vẽ bản đồ thế giới từ năm 1884, hai hệ thống kinh tuyến này lệch nhau 2 độ 20 phút 14 giây.

Từ thế kỷ XVI, một số bản đồ phương Tây vẽ khu vực Đông Ấn có đánh dấu địa danh Paracels (Hoàng Sa) ở giữa Biển Đông và bờ biển phía Tây Paracels (bờ biển miền Trung Việt Nam) được ghi là Costa de Paracels (bờ biển Hoàng Sa). 

Sang thế kỷ XVII và XVIII, nhiều bản đồ đã thể hiện rõ ràng hơn về quần đảo Hoàng Sa, trong đó, thể hiện rõ ràng, chính xác nhất về quần đảo Hoàng Sa thuộc về An Nam là bộ Atlas thế giới của Phillippe Vandermaelen.

Theo bienphong.com.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đây là lần thứ hai NHNN hủy đấu thầu vàng miếng.

Tiếp tục huỷ phiên đấu thầu vàng

GD&TĐ - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa gửi đi thông báo hủy bỏ cuộc đấu thầu vàng miếng ngày 25/4 đến các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp.