Sơ bộ có 17 người thiệt mạng và 2 người mất tích do bão số 2

Sơ bộ có 17 người thiệt mạng và 2 người mất tích do bão số 2

(GD&TD)-Thống kê ban đầu cho thấy đã có 17 người thiệt mạng và 2 người mất tích, hàng nghìn ngôi nhà và tài sản của người dân hư hại do ảnh hưởng của bão số 2.

Cây đổ do lốc xoáy
Cây đổ do lốc xoáy (ảnh báo Hải Phòng)

Tính từ chiều qua đến chiều nay (24/6), toàn thành phố Hải Phòng có 7 người ở các huyện Thủy Nguyên, An Dương, Tiên Lãng, An Lão bị thiệt mạng do bão số 2; trong đó, 5 người bị sét đánh, 2 người chết do lốc. Cụ thể, lốc xoáy xảy ra chiều qua tại xã An Lư và xã Trung Hà, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng làm 2 người chết, hơn 80 người bị thương nặng, hơn 1.000 ngôi nhà bị tốc mái, trong đó có 27 nhà bị sập hoàn toàn. Ươc tính thiệt hại khoảng 50 tỷ đồng.

Tại Nghệ An mưa giông chiều qua (23/6) gây ra 6 vụ chìm tàu trên biển làm 6 tàu cá và 1 tàu chở hàng hóa bị chìm, hiện 1 người đang bị mất tích, 3 trẻ em bị đuối nước do sóng đánh chìm lúc đang tắm trên sông Cấm. Bên cạnh đó lốc xoáy trên đất liền cũng làm 2 ngôi nhà ở huyện Diễn Châu bị sập hoàn toàn, làm hàng chục ngôi nhà khác ở huyện Quỳnh Lưu và Diễn Châu bị tốc mái. Gần 500 ha hoa màu và lúa bị thiệt hại.

Tại Nam Định chiều qua lốc xoáy và mưa lớn kèm giông sét làm chết 2 người và làm hư hỏng 17 căn nhà.

Mưa giông lớn kèm sét tối 23/6 đã làm chị Nguyễn Thị Vân (45 tuổi), Chi hội trưởng Chi hội nông dân thôn Niên Ổn, xã Quang Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa bị thiệt mạng. Người nhà nạn nhân cho biết, trong lúc tránh mưa giông chị Vân đã bị sét đánh chết.

Do ảnh hưởng của bão số 2, từ tối 23/6, toàn tỉnh Hải Dương đã có mưa trên diện rộng. Đến 13h ngày 24/6, lượng mưa trung bình trên địa bàn tỉnh đo được là 45mm. Một số địa phương như huyện Kinh Môn và Thanh Hà lượng mưa đạt gần 70 mm.

Để chủ động đối phó tình trạng mưa úng, ngay sau khi có tin về bão số 2, Công ty khai thác công trình thủy lợi tỉnh đã chỉ đạo các xí nghiệp trực thuộc bơm gạn tháo nước đệm trong đồng theo phương châm: “Đảm bảo an toàn cho sản xuất và đối phó với mọi tình huống do mưa bão xảy ra”.

Do sớm chủ động công tác bơm gạn tháo nước đệm trong đồng nên toàn tỉnh không có điểm nào bị ngập úng, làm ảnh hướng đến sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, ảnh hưởng bão số 2 cũng là thời điểm các địa phương trong tỉnh đang tập trung thu hoạch lúa chiêm xuân và sản xuất vụ mùa. Do vậy, ngay sau khi bão tan, các địa phương cần huy động mọi nguồn lực thu hoạch nhanh gọn các trà lúa chiêm xuân theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Đối với những diện tích lúa chưa đến thời kì thu hoạch bị ngã đổ, bà con nông dân phải tiến hành dựng lại gốc để tránh thất thoát hoặc nảy mầm.

Tại Thái Bình có mưa to kéo dài và diễn ra trên diện rộng lượng nước mưa đo được hơn 100 mm nước. Ông Nguyễn Phú Nhuận, Chi Cục trưởng hòng chống lụt bão và quản lý đê điều tỉnh Thái Bình cho biết: Trước tình hình trên, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh đã đi kiểm tra các địa phương ven biển, đến giờ đã kêu gọi được 100% các tàu thuyền về nơi trú ẩn an toàn theo đúng quy cách; các đơn vị trực 24/24 để theo dõi diễn biến của bão; thường xuyên theo dõi các kè, các cống đê xung yếu, thực hiện phương án bảo vệ người, vật tư, hoa màu, tổ chức thu hoạch gặt lúa chín… để tránh bão gây thiệt hại.

Do ảnh hưởng của bão số 2, từ chiều 23/6 ở Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to. Đến 14h ngày 24/6, lượng mưa ở các địa phương trong tỉnh phổ biến từ 60 - 90 mm, một số nơi có mưa lớn như: Lý Nhân (Yên Định) 135,2mm, Bát Mọt (Thường Xuân) 113,4mm, thành phố Thanh Hóa 106,9mm.

Các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hoá đã thông báo diễn biến của mưa lũ để nhân dân ở những vùng trũng thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất biết để chủ động và sẵn sàng sơ tán người, tài sản đến nơi an toàn.

Ngọc Lan

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ