SMS lừa đảo bùng phát trở lại trong Tết

Dịp Tết 2014, các trò lừa bằng tin nhắn rác lại bùng phát trở lại, lợi dụng tâm lý cả tin của người dùng lầm tưởng có người thân gửi lời chúc Tết hoặc may mắn trúng thưởng khuyến mãi đón xuân.

SMS lừa đảo bùng phát trở lại trong Tết

Lợi dụng tâm lý ngày Tết

Bản chất của các tin nhắn SMS lừa đảo này là nhằm câu cước điện thoại của người dùng di động, thông báo họ là người may mắn áp chót (thứ 86 hoặc 96…) trong số 100 thuê bao trúng thưởng, được nhận quà đặc biệt. Để nhận quà, khách hàng phải gọi điện tới số 1900xxxx để liên hệ.

Tuy nhiên, nếu người dùng cả tin gọi điện vào các tổng đài này thì sẽ được nghe nhạc chờ hoặc các thông báo hướng dẫn lòng vòng về các nội dung giải trí, thông tin tốn khá nhiều thời gian. 

Mỗi phút của cuộc gọi tới các tổng đài dạng 1900xxxx (nhóm đầu số tư vấn khách hàng có thu phí), thuê bao di động bị nhà mạng tính cước hơn 3.000 đồng, và nhà mạng phải chia lại phần trăm dịch vụ nội dung cho chủ sở hữu đầu số 1900xxxx.

Để tăng tính thuyết phục và khiến người dùng dễ “cắn câu” hơn trong dịp Tết Nguyên đán, nội dung các tin nhắn rác lừa đảo còn có dạng “Chào bạn! Một người bạn ở phương xa đã nhờ Tổng đài gửi tặng Cậu 1 món quà TẾT rất giá trị kèm lời chúc Tết. Để biết tên người ấy, hãy gọi 1900xxxx và nhận quà nhé”. 

Nếu người dùng tò mò muốn biết người bạn nào đã gửi tặng quà cho mình và gọi vào đầu số này, họ sẽ bị tính cước dịch vụ để nghe các nội dung hướng dẫn lòng vòng câu giờ vô tích sự.

Một số tin nhắn rác lừa đảo còn giả cả tin nhắn của người thân quen theo dạng “Gọi lại cho em vào số này ngay nhé. Có việc gấp lắm. 1900xxxx”, kèm theo cả đường link tải video hài Tết. 

Tuy nhiên đường link này sẽ dẫn tới các trang wap mời download game, hình ảnh khêu gợi và âm thầm trừ tiền trong tài khoản của thuê bao di động.

Trò lừa “bình mới rượu cũ”

Chỉ cần người dùng di động có kinh nghiệm và để ý tới số điện thoại gửi SMS đến, sẽ thấy đây đều là các số di động "sim rác" 11 số, chứ không phải từ một tổng đài nào của mạng di động. 

Nếu là chương trình của nhà mạng, các thuê bao sẽ được tổng đài thông báo từ trước qua tin nhắn hoặc các phương tiện truyền thông đại chúng, chứ không thể bất ngờ trúng thưởng.

Ngoài ra, người dùng cũng cần ý thức việc nhắn tin hay gọi điện tới bất kỳ một số điện thoại lạ nào cũng có thể khiến tài khoản di động bị trừ tiền cước cao hơn mức thông thường nhiều lần. Nghe một bản nhạc qua đầu số dạng 1900xxxx cũng có thể tiêu tốn 15.000 - 30.000 đồng cước dịch vụ.

Một chiêu lừa đảo tinh vi hơn là dùng số di động thông thường nháy máy tới các thuê bao người dùng, nhưng khi nạn nhân gọi lại thì sẽ bị chuyển hướng thành gọi tới các đầu số dạng 1900xxxx hoặc thậm chí cả các đầu số điện thoại vệ tinh với cước cuộc gọi tới hàng trăm ngàn đồng mỗi phút.

Hiện các trò lừa bằng tin nhắn rác như trên được phát tán trên cả các mạng di động của VinaPhone, MobiFone và Viettel, do kẻ phát tán sử dụng sim rác cắm vào một thiết bị gửi tin nhắn hàng loạt, khi nhắn hết tài khoản trong sim rác sẽ lập tức vứt sim đi nên rất khó xác định thủ phạm phát tán.

tin nhắn, rác, lừa đảo, SMS, bùng phát, Tết, Giáp Ngọ,
 

Cần xử phạt nghiêm để răn đe

Nếu truy theo đầu số 1900xxxx, cơ quan chức năng có thể xác định được chủ sở hữu đầu số và nhà cung cấp dịch vụ nội dung (CP) thu lợi bất chính nếu người dùng cả tin và mất tiền vì trò lừa này. 

Nhưng các chủ đầu số hoặc CP hưởng lợi từ các tin nhắn rác lừa đảo này thường sử dụng chiêu bài “kêu oan” rằng họ bị các đối thủ cạnh tranh chơi xấu, phát tán tin nhắn rác để triệt hạ.

Tuy nhiên, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Thanh tra Bộ TT&TT cùng các cơ quan chức năng đã theo dõi và bắt quả tang được khá nhiều vụ sử dụng thiết bị chuyên dụng để phát tán tin nhắn rác lừa đảo trong thời gian qua. 

Nhưng tất cả các trường hợp bị bắt này đều là tự phát tán tin nhắn rác có nội dung trục lợi trực tiếp, dụ người dùng sử dụng dịch vụ của kẻ phát tán, chứ chưa hề có trường hợp nào là cố tình quảng cáo đầu số của đối thủ nhằm mục đích bôi xấu và triệt hạ.

Như vậy, lý lẽ “bị đối thủ chơi xấu, triệt hạ” của các CP có đầu số trong nội dung lừa đảo rõ ràng chỉ là “lý sự cùn”. Kẻ phát tán tin nhắn rác cũng phải tốn chi phí mua thiết bị, sim rác, nhiều rủi ro nếu bị bắt, nên rất khó có thể đầu tư tiền chỉ để đi triệt hạ đối thủ bằng cách mang lại lợi nhuận trực tiếp cho dịch vụ của đối thủ.

Với quy mô phát tán tin nhắn rác lừa đảo cùng lúc trên nhiều thuê bao của cả 3 mạng di động trong dịp Tết Giáp Ngọ 2014 như dạng “Chúc mừng Tbao 09xxxxxxxx là TB thứ x6 nhận trong 100 TB may mắn…”, CP sở hữu đầu số 1900xxxx trong nội dung tin nhắn lừa đảo cần bị xử phạt nghiêm để răn đe và phải hoàn trả mọi cước phí cho người dùng bị lừa.

Các mạng di động hoàn toàn có thể thống kê những thuê bao nào trong mạng của họ đã nhận phải tin nhắn rác lừa đảo như trong dịp Tết, và có bao nhiêu thuê bao sau đó đã cả tin gọi tới đầu số được nêu trong tin nhắn rác để bị mất tiền oan. Vấn đề còn lại là các nhà mạng có muốn làm nghiêm để loại bỏ tin nhắn rác lừa đảo hay không mà thôi.

Theo Vietnamnet

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ