Smartphone giá rẻ cản đường Apple tại Trung Quốc

So với trước đây, các sản phẩm của Apple đã không còn nhiều sức hút tại Trung Quốc do vấp phải sự cạnh tranh của các hãng trong nước với mẫu mã đa dạng, cấu hình mạnh, nhiều tính năng và hơn hết là giá bán rẻ hơn nhiều lần.

Smartphone giá rẻ cản đường Apple tại Trung Quốc

Nie Miao, 29 tuổi, sống tại Bắc Kinh, vốn từng là một người mê iPhone của Apple. Anh từng bỏ ra hơn 5.000 Nhân dân tệ (749 USD) để sở hữu chiếc iPhone 6s khi nó mới ra mắt.

Với thu nhập hàng tháng chỉ khoảng 7.000 Nhân dân tệ (1.048 USD), tất nhiên, anh phải chi tiêu cực kỳ tiết kiệm trong nhiều tháng mới có thể mua được chiếc iPhone này. Nhưng hiện tại, anh đã bán nó và hài lòng với chiếc smartphone giá 2.000 Nhân dân tệ (300 USD) của nhà sản xuất địa phương Huawei.

Miao là một trong những người đại diện cho xu thế mới tại Trung Quốc: sử dụng các sản phẩm trong nước với cấu hình mạnh, tính năng không thua kém iPhone và thậm chí thiết kế cũng có thể "nhái" theo được nhưng giá bán chỉ chưa bằng một nửa. Đây cũng là thách thức mà Apple đang đón nhận, bên cạnh việc bị “làm khó” về mặt pháp lý và các vấn đề khác.

Sức ảnh hưởng mà nó gây ra cho hãng điện tử Cupertino (Mỹ) là rất lớn, bởi đây là thị trường lớn thứ hai của hãng. Điều đó đang phần nào thể hiện qua báo cáo doanh thu quý II và quý III/2016. Nếu như trong quý II, doanh thu giảm 13% (lần đầu tiên sau 13 năm) thì đến quý III, mức giảm đã lên tới 15%, lợi nhuận giảm tới 27% so với cùng kỳ năm trước. Thậm chí, chính Apple cũng tự dự đoán sự suy giảm sẽ tiếp tục trong những quý tới.

Quả thực, sự trỗi dậy của các hãng điện thoại giá phải chăng đã ảnh hưởng rất lớn đến việc kinh doanh của Apple tại Trung Quốc. Theo thống kê của Kantar Group công bố trong tháng 7, rất nhiều hãng điện thoại Trung Quốc liên tiếp "đẻ" thêm sản phẩm mới. Huawei là trường hợp điển hình khi tung ra tới 4 smartphone mới trong 3 tháng gần nhất. Hãng này cũng nhanh chóng vượt qua Apple để trở thành nhà cung cấp điện thoại thông minh lớn nhất đại lục.

"Rõ ràng, người dùng có xu hướng sẽ mua một chiếc Huawei P9 với cảm biến vân tay, camera do Leica phát triển, bộ nhớ trong 64GB và nguồn pin 3.000 mAh với giá 3.668 Nhân dân tệ (549 USD), hơn là iPhone 6s với bộ nhớ chỉ 16GB, pin 1.715 mAh nhưng có giá lên tới 5.288 Nhân dân tệ (792 USD) ở thời điểm hiện tại.

Sức hấp dẫn của một chiếc điện thoại giờ đây đã không còn đến từ thương hiệu mà thay vào đó là chức năng của nó. Nếu thiết bị đó có nhiều chức năng đáp ứng đủ nhu cầu người dùng với giá bán rẻ hơn, họ sẽ lựa chọn.

Apple đã làm tốt về vấn đề tính năng và thương hiệu nhưng giá bán thì không. Đó là lý do vì sao hãng không giữ được sự tăng trưởng trên thị trường", nhà phân tích Abhey Lamba của Mizuho Securities (San Francisco, Mỹ) nhận định.

Theo Bloomberg, kể từ khi iPhone đầu tiên ra đời vào năm 2007, Apple đã nhanh chóng biến thiết bị này không đơn thuần là một chiếc điện thoại mà là một phụ kiện thời trang, một thiết bị chứng tỏ sự đẳng cấp và sang trọng, thậm chí là biến nó thành "phong cách sống" của nhiều người. Thế nhưng, kể từ khi điện thoại giá rẻ phổ biến, người dùng Trung Quốc dần nhận ra đâu là thứ mình đang cần.

"Nếu nhìn vào các sản phẩm của Xiaomi, Oppo hay Huawei và so sánh với iPhone, có thể bạn phải thốt lên bởi chúng "ăn đứt" thiết bị của Apple về nhiều thứ, đặc biệt là thời lượng pin, màn hình sắc nét và rất nhiều tính năng mới đáng trải nghiệm", John Butler, một nhà phân tích của Bloomberg Intelligence cho biết.

Cũng theo Butler, Apple có thể đã nhạy bén khi tung ra mẫu smartphone "giá rẻ" iPhone SE cho phân khúc phổ thông. Thế nhưng, dù đã có hơn 3,4 triệu iPhone SE đã được đặt hàng tại thị trường đông dân nhất thế giới, doanh số bán hàng của thiết bị "vỏ 5s, ruột 6s" này vẫn chưa như mong đợi, nếu không nói là đã thất bại.

"Apple đang kỳ vọng mức tăng trưởng sẽ đến từ việc mở rộng phân khúc tầm trung, nhưng có thể họ đã nhầm vì ở đó có rất nhiều hãng điện thoại trong nước chiếm giữ. Thậm chí, họ đang giành thị phần một cách quyết liệt và tất nhiên là giành cả khách hàng Apple", Nicole Peng, một nhà phân tích của Canalys ở Thượng Hải, đưa ra nhận định.

Bên cạnh iPhone, Apple cũng cần phải làm nhiều điều hơn nữa nếu muốn tồn tại tại Trung Quốc, trong đó có iOS. "iOS là nền tảng khép kín và khá cứng nhắc. Tôi cần nhiều tùy biến linh hoạt hơn nữa như tự chỉnh phông chữ hay giao diện... Rất khó có thể chấp nhận việc sở hữu một chiếc điện thoại mà dấu ấn cá nhân của mình rất ít trong đó. Đó là lý do vì sao tôi đã từ bỏ chiếc iPhone 5s và không quay lại sử dụng iPhone lần nào nữa", Zhang Bin, một người dùng điện thoại tại Bắc Kinh, chia sẻ.

Trong giai đoạn 2013 – 2015, doanh thu của Apple tăng gấp đôi tại thị trường Trung Quốc (59 tỷ USD), đồng thời số lượng cửa hàng đã tăng từ 21 lên 35 tính đến hết tháng 3/2016. Hãng cũng đã nỗ lực duy trì mối quan hệ tốt với chính phủ nước này. Thế nhưng, khó khăn liên tục khi hãng vấp phải những tranh chấp pháp lý, trong đó buộc phải đóng cửa dịch vụ iTunes và iBooks vào tháng 6 cũng như đối mặt với nhiều vụ kiện liên quan đến thương hiệu khác.

Apple sẽ còn phải làm rất nhiều điều nếu muốn thành công ở thị trường có tính cạnh tranh hết sức khắc nghiệt như Trung Quốc.

Theo VnExpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ