(GD&TĐ) - Liên đoàn Báo chí Khoa học Quốc tế (WFSJ) chính thức khởi động dự án đào tạo báo chí khoa học trong khuôn khổ Chương trình Báo chí Khoa học (SjCOOP) cho các nước châu Á, trong đó có Việt Nam.
SjCOOP (Science Journalism Cooperation) sẽ kết hợp chặt chẽ các nhà báo khoa học dày dạn kinh nghiệm (mentor) với các nhà báo mới vào nghề (mentee). Sẽ có ba nhóm nhà báo mới vào nghề - hay tạm gọi là nhà báo học viên - gồm nhóm nói tiếng Việt, nhóm nói tiếng Bahasa Indonesia và nhóm nói tiếng Anh.
Nhóm Việt Nam do nhà báo Hoàng Quốc Dũng - Trưởng ban Khoa giáo (Báo Tiền Phong) - phụ trách. Ông Dũng còn là Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Diễn đàn Nhà báo Môi trường Việt Nam (VFEJ), từng giành giải thưởng tiên phong truyền thông năm 2008 do Internews có trụ sở ở Washinton DC, Mỹ, trao tặng. Cùng năm đó, ông Dũng còn nhận giải thưởng báo chí Môi trường Xuất sắc về loạt bài “Lật tẩy Đường dây Buôn bán Thú hoang xuyên Biên giới” do Reuters Foundation và Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) trao tặng.
Mỗi nhóm sẽ có hai nhà báo kỳ cựu đóng vai trò giảng viên và từ 8 - 10 nhà báo mới vào nghề đóng vai trò học viên. Quá trình đào tạo được thực hiện bằng ngôn ngữ thích hợp của từng nhóm, suốt 18 tháng của một dự án kéo dài 2 năm, nghĩa là từ tháng 7/2013 đến tháng 12/2014.
Cứ 6 tháng một lần, thành viên của các nhóm sẽ được mời tham dự một cuộc gặp mặt trực tiếp kéo dài 5 ngày. Cuộc gặp mặt giữa các giảng viên và học viên đó sẽ kết hợp với một chuyến điền dã hay hội nghị báo chí khoa học ở Châu Á.
SjCOOP được Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Quốc tế của Canada và Hiệp hội Hòa bình Sasakawa của Nhật Bản tài trợ.
Báo chí khoa học là một loại hình báo chí đòi hỏi tính chuyên môn rất cao. SjCOOP sẽ đào tạo cho các học viên về tất cả các lĩnh vực chuyên môn, tạo cơ hội cho các nhà báo kiến tạo nghề nghiệp của bản thân thông qua việc cung cấp các lý lẽ và kiến thức khoa học cho các cuộc tranh luận chung trong xã hội. Tại Việt Nam, SjCOOP sẽ được thực hiện với sự hợp tác chặt chẽ của Hội Nhà báo Việt Nam (VJA). |
PV