Sinh viên quốc tế trĩu nặng nỗi lo vay nợ

GD&TĐ - Nợ sinh viên đã trở thành nỗi ám ảnh với nhiều sinh viên ở cả những nước phát triển lẫn những nước đang phát triển. Chi phí học đại học tăng lên và nợ sinh viên cũng đạt tới mức cao kỉ lục đáng lo ngại với cả sinh viên và chính phủ.  

Sinh viên quốc tế trĩu nặng nỗi lo vay nợ

Nỗi lo ở nhiều quốc gia

Vay nợ sinh viên đã trở thành gánh nặng nhiều năm và nhiều cử nhân rơi vào tình cảnh nợ quá hạn. Ví dụ tại Mỹ, khoảng 7 triệu người vay, tương đương 14%, bị vỡ nợ, tức đã quá ít nhất 1 năm không trả tiền vay.

Theo chiếc đồng hồ được trang Market Watch đăng tải, cứ mỗi giây trôi qua, tổng khoản nợ của sinh viên Mỹ lại tăng thêm hơn 2,7 USD.

Theo tạp chí Forbes, hiện có hơn 40 triệu người Mỹ đang phải gánh trên vai những khoản nợ từ thời sinh viên để lại; trung bình mỗi sinh viên ra trường, phải mất tới 20 năm, mới có thể trả hết nợ.

Một trong 4 công dân EU theo học tại Anh trở về nước mà không hoàn trả tiền vay trong thời gian học đại học.

Cử nhân tại Anh, ước tính mang khoản nợ trung bình 55.000 USD, so với trung bình 20.000 USD 5 năm trước. Tổng nợ sinh viên tại Vương quốc Anh đã lên tới gần 100 tỉ USD.

Năm 2016, cử nhân Mỹ nợ trung bình 37.000 USD/người, tăng 6% so với năm trước đó – và hiện tổng nợ vay sinh viên đứng ở mức 1,3 nghìn tỉ USD, gấp 3 lần so với 1 thập kỉ trước. Tình trạng sinh viên mắc nợ đầm đìa cũng tương tự tại Australia, Canada, Nauy và Thụy Điển.

Tại khoảng 40 nước, trong đó hơn một nửa thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD, các trường công lập không thu học phí. Với các nước còn lại, mức thu học phí chênh lệch lớn từ vài trăm USD/tháng như Bỉ, Colombia và Pháp – nhưng lên tới hàng nghìn USD tại Nhật, Anh và Mỹ.

Học phí cao là nguyên nhân chính gây nợ sinh viên, tuy nhiên miễn học phí không có nghĩa là sinh viên không mắc nợ. Tại những nước miễn học phí, sinh viên vẫn phải tự trang trải sinh hoạt phí với mức vô cùng đắt đỏ.

Ví dụ, tại quốc gia miễn học phí Thụy Điển, sinh viên vay tiền phổ biến như tại Mỹ - khoảng 70% sinh viên vay nợ chính phủ - và cử nhân tại Thụy Điển mang gánh nợ trung bình 20.000 USD.

Gánh nặng kéo dài

Chi phí học đại học tại các nước đang phát triển có thể không đáng kể so với phương Tây nhưng lại rất lớn với nhiều người, đặc biệt là sinh viên khu vực nông thôn.

Chẳng hạn tại Trung Quốc, một nông dân phải làm việc khoảng 14 năm để tích cóp đủ học phí cho con học một trường đại học Trung Quốc, còn với cư dân tại khu vực đô thị khấm khá hơn cũng phải chi ra mức trung bình tương đương 4 năm thu nhập cá nhân. Vay nợ sinh viên vì thế không thể tránh khỏi với những sinh viên hoàn cảnh khó khăn.

Gánh nợ sinh viên kéo dài tới nhiều năm sau khi ra trường. Ở Mỹ, kế hoạch trả nợ theo “chuẩn” là 10 năm nhưng thu nhập thấp và viễn cảnh việc làm mờ mịt buộc người vay phải tìm đến những lựa chọn trả tiền vay khác, trong đó có kéo dài thời gian trả lên tới 25 năm.

Ám ảnh nợ sinh viên khiến sinh viên và cử nhân tại nhiều quốc gia lo ngại mang nợ tới khi về già và đề nghị chính phủ xóa nợ. Trong khi đó việc thu hồi khoản nợ hàng trăm tỉ USD cũng như bong bóng nợ sinh viên đang tiếp tục phình to khiến chính phủ đau đầu trong việc cân đối ngân sách.

Nhiều phụ huynh Mỹ cũng lâm cảnh nợ nần vì con đường đại học của con cái. Số người Mỹ 60 tuổi trở lên vay nợ sinh viên phần lớn cho việc học của con đã tăng gấp 4 lần từ năm 2005 - 2015 - tăng trung bình từ 12.000 lên 23.500 USD.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Nên hay không?

GD&TĐ - Trong xu thế tự chủ đại học, nhiều cơ sở đào tạo đã chủ động xét tuyển sớm.