Sinh viên mất tích hàng loạt: Nhân chứng lên tiếng

Hai nhân chứng sống sót sau vụ thảm sát qui mô lớn tại bang Guerrero (Mexico) hồi tháng 9 năm ngoái vừa lên tiếng tố cáo hành vi thảm sát của lực lượng an ninh liên bang.

Uriel Alonso Solis, nhân chứng sống sót sau vụ tấn công sinh viên tại bang Guerrero (ảnh: Observer)
Uriel Alonso Solis, nhân chứng sống sót sau vụ tấn công sinh viên tại bang Guerrero (ảnh: Observer)

Uriel Alonso Solis, một thanh niên 19 tuổi có lối cư xử nhã nhặn, là người anh cả sinh trưởng trong một gia đình nông dân nghèo. Nhưng không phải vì thế mà Alonso mất đi vẻ cứng cỏi thường thấy khi anh kể lại cái đêm định mệnh chứng kiến bạn bè sinh viên và cũng là bạn thuở thiếu thời trải qua giờ khắc dã man của vụ xả súng. Đây là sự kiện đẫm máu gây chấn động tại Mexico.

Theo The Guardian, Alonso là một trong những nhân chứng ít ỏi còn sống sau vụ tấn công thảm khốc nhằm vào nhóm sinh viên không khí giới bởi các lực lượng an ninh liên bang lẫn bọn mafia. Vụ việc đã diễn ra vào tháng 9 năm ngoái khu phía nam bang Guerrero, khiến sáu người chết, 25 người bị thương và gần như 43 giái viên thực tập bị mất tích bí ẩn.

“Năm xe tải lớn chở một toán cảnh sát đeo mặt nạ bao vây ba xe buýt, và chừng khi chúng tôi kịp ra ngoài xem họ muốn gì thì họ đã nổ súng”, Alonso nhớ lại. “Tôi thấy một người bạn cùng lớp chạy xuống. Cậu ấy bị bắn ngay đầu, mọi người thì đang khóc và hét tán loạn, nhưng riêng tôi thì lại trấn tĩnh đến ngạc nhiên. Tôi cố gọi điện cầu cứu”.

Omar Garcia, 24 tuổi, sống sót sau vụ thảm sát và cũng là người Alonso gọi đến khi bị binh lính “mai phục”. Được tin, Garcia đã lao ngay đến hiện trường, nhanh chóng thu thập chứng cứ có sẵn như vài mẩu đạn còn vương vãi và gọi ngay cho giới truyền thông. Bản thân Garcia đoán rằng “sẽ không có chuyện gì xảy ra trước mặt những phóng viên tác nghiệp”. Tuy nhiên, dự trù không được như mong đợi khi cảnh sát tiếp tục nả đạn và bắn giết những người không khí giới.
“Hai xe tải lớn chở đạo quân trực chiến từ tiểu đoàn quân khu 27 có căn cứ gần đó chạy đến. Bọn họ bắt đầu vu cho chúng tôi trọng tội và bạo động như thể chúng tôi là phiến quân, chứ không phải sinh viên”, Garcia cho biết.
Vụ giết chóc hồi tháng 9 đã khiến cả đất nước Mexico, vốn khét tiếng có tội phạm lộng quyền cùng quan tham khắp nơi, phải rung chuyển. Hàng trăm ngàn người đã xuống đường yêu cầu tổng thống đương nhiệm Enrique Pena Nieto phải từ chức. Báo cáo của tổ chức Nhân quyền cho biết đây được xem là sự kiện xâm phạm nhân quyền tồi tệ, nhức nhối nhất của nước này kể từ năm 1969 khi sinh viên bang Tiatelolco từng trở thành nạn nhân của bi kịch thảm sát tương tự. Hiện 97 người bị bắt do tình nghi có liên quan đến vụ án, bao gồm hàng tá quan chức cảnh sát, thành viên thuộc hội kinh tế Guerreros Unidos (United Warriors) và vợ chồng thị trưởng địa phương.
Chính phủ Mexico sau đó cũng lên tiếng chỉ trích vụ án nhưng bác bỏ toàn bộ các cáo buộc liên quan đến quan chức quân đội có tội từ nhân chứng, gia đình nhóm sinh viên mất tích, các nhà báo lẫn học giả nghiên cứu.

Không chấp nhận tình trạng mất tích bí ẩn của bạn bè đồng trang lứa, Garcia tiếp tục lên đường tìm kiếm bằng chứng bất chấp mắt trái bị thương khi đang trên đường đến căn cứ quân đội địa phương để tìm đầu mối.

Song đến nơi Garcia chỉ nhận vỏn vẹn nguồn tin đáng ngờ rằng 43 sinh viên mất tích đã bị giết và thi thể đã được thiêu tại lò rác trong đêm xảy ra vụ việc. Tổng chưởng lý cũng quả quyết do bàn tay của đám sát thủ do Guerreros Unido chủ mưu, vốn cũng là tay chân của vợ chồng thị trưởng địa phương.

The Guardian dẫn lời ghi nhận từ Garcia cho thấy chính phủ đứng đằng sau điều khiển băng nhóm tội phạm trong nhiều năm. Trong khi cung cách trả lời của đại diện chính phủ thì rất ra vẻ như “không liên can” và để mặc băng nhóm lộng hành. Anh cho rằng điện thoại của một người trong nhóm sinh viên mất tích đang ở tại khu tiểu đoàn quân khu 27.

Garcia nói thêm: “Lịch sử của chúng tôi đã cho chúng tôi thấy rằng (chính quyền - NV) liên bang gây ra sự “mất tích” của các lãnh đạo cộng đồng và nhà hoạt động xã hội, và đó là những gì đã diễn ra trong ngày 26-9.” Không một ai trong chính phủ từng đứng ra bảo vệ quyền lợi cho những người bị hại.

Mục tiêu tấn công đều nhằm vào các sinh viên theo học tại trường Ayotzinapa, một trường làng bang Guerrero. Một số nguồn tin cho biết đây còn nằm trong nhóm 16 trường sư phạm đi lên từ Cách mạng Mexico.

Nhóm trường này luôn là cái gai trong mắt các chính khách đứng đầu đất nước. Các ngôi trường như Ayotzinapa luôn bị xem là “pháo đài của nền chính trị theo cánh tả”. Chừng hai chục năm trước, nơi đây được nhà nước xem là “lò” huấn luyện du kích và nhóm li khai chống nhà nước.

Sau vụ việc kể trên, uy tín của tổng thống Mexico Pena Nieto giảm sút đáng kể. Ông không nhận được sự ủng hộ của cả cộng đồng quốc tế, đặc biệt là nhiều cuộc biểu tình trên thế giới đã diễn ra trong chuyến thăm đầy sóng gió của ông đến Nhà Trắng. Không những vậy, sự kiện diễn ra hồi tháng 9-2014 còn dấy lên sự bế tắc chính trị nội tại Mexico.

Bản thân Tống thống Mexico trong tuần qua cũng dính líu đến nghi án "bất chính" về khối tài sản được gia đình ông mua được từ công ty liên doanh với chính phủ trong giai đoạn ông Nieto còn giữ chức thống đốc liên bang.

Trong diễn biến khác, hôm nay (26-1), hàng trăm ngàn người dự kiến sẽ xuống đường tuần hành để tưởng niệm 4 tháng về sự kiện sinh viên mất tích.
Mới đây, nạn nhân của vụ mất tích Alexander Mora Venancio, 21 tuổi, vừa được các điều tra viên giám định pháp y. Bạn bè và người thân của số người mất tích nói rằng họ vẫn hi vọng những nạn nhân vẫn còn sống.

Khi được hỏi về khả năng tiếp tục tìm kiếm những người mất tích sau vụ tấn công, Alonso trả lời chắc nịch rằng anh chưa bao giờ có ý định từ bỏ việc tìm kiếm bất chấp sự can ngăn và lo lắng của gia đình.

“Tôi nghĩ nếu chuyện xảy ra tương tự với tôi thì bạn tôi cũng sẽ tìm tôi “như tôi” đã tìm như bây giờ”, Alonso cho biết.

Theo PLO

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ