Muôn vàn công việc làm thêm
Đối với nhiều sinh viên, tết chính là cơ hội cho những ai thích thú với việc làm thời vụ. Có rất nhiều công việc được các bạn lựa chọn như bán hàng, dọn dẹp nhà của, làm mứt…
Những công việc này thường chỉ làm trong những ngày đông khách, gấp rút giao hàng và lương gấp 2, 3 lần so với thông thường.
Bạn Ngọc, sinh viên năm thứ nhất trường Đại học Mở Hà Nội, sau nhiều ngày tìm việc đã chọn cho mình được công việc bán hàng.
Ngọc cho biết vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha mẹ rất vất vả nuôi ăn học nên mình muốn tìm được việc làm thêm, mong có thêm thu nhập trang trải được phần nào cho cuộc sống sinh viên xa nhà. Ngọc bán hàng theo ca, nên cũng không mất quá nhiều thời gian, vẫn có thể tập trung cho việc học.
Ngọc chia sẻ thêm về công việc: “Mình mới xin được vào đây. Công việc cũng không quá vất vả nhưng cũng phải chịu nhiều áp lực. Mức lương mà mình nhận được là 50 nghìn đồng/buổi. Nếu những ngày nghỉ mình làm thêm thì có thêm thu nhập”.
Khi được hỏi bao giờ thì nghỉ làm về quê Ngọc chỉ cười và bảo : “Mình chắc là phải 28 mới về, ở đây làm thêm để còn có tiền đi tàu xe và mua quà cho mấy đứa em nhỏ nữa”.
Có những trường hợp vì hoàn cảnh khó khăn, mà sinh viên phải ở lại Hà Nội làm thêm trong dịp Tết, cũng có những sinh viên đam mê kinh doanh nên không bỏ lỡ cơ hội kiếm tiền vào dịp cuối năm này.
Nắm bắt nhu cầu về bánh kẹo, mứt trong dịp Tết, Đặng Giang, sinh viên năm cuối một trường ĐH tại Hà Nội đã mở “gian hàng” trên Facebook, với đồ bán chủ yếu là mứt tự làm.
Giang cho biết, cô đã nhận được nhiều đơn đặt hàng với số lượng vài chục kg. “Giá nguyên vật liệu khá đắt, lại làm kỳ công nên với giá bán 200.000 đồng/kg, mỗi kg mình chỉ lãi được 30.000 đồng - 40.000 đồng.
Vì vẫn phải đi học nên mình tranh thủ làm tối, có hôm thức đến gần 1 giờ sáng mới làm xong 2kg, nhưng mình thích làm việc này và cũng tranh thủ kiếm chút tiền sắm Tết cho gia đình”.
Cũng là đi làm thêm trong dịp Tết, nhưng Nguyễn Anh (sinh viên trường Đại học Văn Hoá) lại được một công ty du lịch lựa chọn vào đội hướng dẫn viên du lịch cho các khách đi tham quan.
Anh chia sẻ: “Mình thi xong rồi giờ học trên lớp cũng không áp lực nhiều nữa, nên mình đi tìm việc để làm thêm, vừa có thêm thu nhập, lại vừa có thêm kinh nghiệm vì công việc hiện tại đang làm đúng với ngành mà mình theo học”.
Nhiều bạn khéo tay tự làm ra các sản phẩm phục vụ nhu cầu cho mọi người.
Nguyễn Thị Nhàn, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, sau khi tìm hiểu nhu cầu của các bạn sinh viên vào dịp Tết đã quyết định làm lịch tết bán cho các bạn có nhu cầu mua. Công việc này giúp Nhàn có thêm một khoản thu nhập.
Công việc vất vả lại nhiều rủi ro
Bên cạnh những mặt tích cực, việc sinh viên đi làm thêm cũng nảy sinh nhiều hệ luỵ rủi ro. Không phải sinh viên nào cũng may mắn tìm được công việc thời vụ phù hợp với mình.
Với nhiều người, cuối năm là cơ hội để kiếm được nhiều tiền, nhưng cũng có người bị lợi dụng, lừa đảo.
Các cửa hàng thời trang, nhà hàng quán ăn, quán nước hiểu được tâm lý muốn tìm việc của sinh viên đều đồng loạt treo bảng “cần tuyển nhân viên bán hàng cận Tết”.
Mức lương trả cho mỗi người theo ca chỉ có vài chục nghìn, không bao cơm, làm xong đến giờ dọn hàng là phải đi về. Có nhiều chủ còn ép giá, không thanh toán đủ tiền lương như đã thoả thuận.
Trên các con đường, cột điện luôn có thông báo tuyển dụng, những lời mời chào cực kỳ hấp dẫn vào dịp tết. Trên các bến xe, cổng các trường Đại học những nơi đông người qua lại có rất nhiều người phát tờ rơi với công việc và mức lương hấp dẫn làm theo ca trả tiền sau giờ làm.
Tuy nhiên, không phải thông báo tuyển dụng nào cũng giúp các bạn tìm được công việc như ý và được thanh toán lương như đã giới thiệu, nhiều bạn sinh viên đã gặp phải những trường hợp tiền mất tật mang khi tìm đến các tờ thông báo này.
Nhu cầu tìm kiếm việc làm thêm của sinh viên mùa tết là chính đáng, thiết thực. Nhưng trước khi có ý định đi làm thêm, hãy suy nghĩ thật kỹ, bởi lựa chọn nơi nào để gửi gắm tìm việc giúp mình là điều quan trọng, nếu không lại mất tiền oan và mất thời gian.