Sinh viên ĐH cũng cần được chú trọng học Đạo đức

Sinh viên ĐH cũng cần được chú trọng học Đạo đức

(GD&TĐ)- "Trước thực trạng ý thức đạo đức, lối sống của một bộ phận học sinh, sinh viên còn kém như hiện nay, lỗi không phải hoàn toàn do giáo dục đạo đức của nhà trường. Nhưng, nếu trong các trường đại học, cao đẳng môn học này được mở rộng, được đề cao, được quan tâm đúng mức chắc sẽ góp phần to lớn hạn chế thực trạng này" – Nhận định của TS.Nguyễn Thị Thọ - Khoa Triết học – Trường ĐHSP Hà Nội.

ccxcxc
Trường sư phạm, nơi đào tạo ra những giáo viên tương lai, việc giáo dục đạo đức cho sinh viên càng cần thiết. Ảnh: gdtd.vn

Đạo đức học trong trường ĐH có vai trò quan trọng

PV: Theo TS, vai trò của việc giảng dạy đạo đức trong giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên trong trường ĐH hiện nay như thế nào? Đặc biệt trong trường sư phạm, nơi đào tạo ra những người sẽ thực hiện việc “trồng người” trong tương lai?

TS.Nguyễn Thị Thọ:
Đạo đức là quan trọng, giáo dục đạo đức là cần thiết và suốt đời. Vì vậy, việc giảng dạy đạo đức trong giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên trong các trường đại học hiện nay là hết sức cần thiết. Bởi, thứ nhất, sinh viên – tầng lớp thanh niên trí thức, đang học tập và rèn luyện trên giảng đường của các trường đại học, cao đẳng, sau này ra trường  các em sẽ là những người sẽ gánh vác trọng trách cao cả  kế tục sự nghiệp cách mạng vẻ vang của thế hệ cha ông đi trước, chèo lái con thuyền cách mạng nước nhà. Đất nước có thực sự phát triển vững mạnh hay không  phần lớn tùy thuộc vào họ.

Thứ hai, Hiện nay, quá trình toàn cầu hóa, giao lưu hội nhập quốc tế đang diễn ra rất mạnh mẽ, tạo ra nhiều cơ hội cũng như thách thức đối với sự phát triển của mỗi quốc gia. Quá trình toàn cầu hóa đã góp phần tích cực trong việc tăng trưởng kinh tế và khả năng giúp các nước kém phát triển thoát khỏi tình trạng nghèo đói. Nhu cầu vật chất của con người đang ngày càng được thỏa mãn…

Tuy nhiên, trước cơn lốc của toàn cầu hóa, của giao lưu, hội nhập cũng có những tác động ngược chiều đến sự phát triển của mỗi nước, tác động đến truyền thống đạo đức, văn hóa, đời sống tinh thần của con người Việt Nam nói chung và thế hệ trẻ nói riêng. Cùng với đó, Việt Nam đang chuyển đổi nền kinh tế từ cơ chế tập trung, bao cấp sang kinh tế thị trường, dưới tác động hai mặt của kinh tế thị trường đang làm thay đổi nhiều chuẩn mực đạo đức điều chỉnh các hành vi cá nhân, đặc biệt là thế hệ trẻ, nhiều biểu hiện của sự xuống cấp về mặt đạo đức đang diễn ra trong gia đình, nhà trường và xã hội. Nhiều học sinh, sinh viên có lối sống buông thả, ăn chơi, đua đòi, không quan tâm đến trách nhiệm của bản thân đối với gia đình và xã hội, sống ít ước mơ, hoài bão.

Thứ ba, Trong chiến lược đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước nhà, Đảng ta cũng đã khẳng định “Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, coi trọng giáo dục đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành; … nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đặc biệt coi trọng giáo dục lý tưởng, giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, cho thế hệ trẻ” .

Đặc biệt trong trường sư phạm, nơi đào tạo ra những người sẽ thực hiện việc “trồng người” trong tương lai thì việc giáo dục đạo đức cho sinh viên lại càng cần thiết. Bởi vì, khi còn ngồi trên giảng đường của trường đại học họ được rèn đức, luyện tài, được giáo dục đạo đức một cách cẩn thận thì không những cho họ, mà sau này ra trường, trở thành những thầy, cô giáo họ còn có trách nhiệm trao truyền lại những tri thức, những hiểu biết đó cho thế hệ tương lại. Nghề nghiệp mà họ thực hiện sau này sẽ là lấy nhân cách giáo dục nhân cách. Và đặc biệt nữa, trong giáo dục đạo đức cho sinh viên sư phạm cần chú ý đến giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho họ - đạo đức nhà giáo.

PV. Việc dạy đạo đức trong nhà trường phổ thông và giảng đường ĐH khác nhau như thế nào, thưa TS?

TS.Nguyễn Thị Thọ: Có khác nhau, trước hết là khác về đối tượng, về đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi của người học. Thứ hai là khác về tính đặc thù của môn học. Nếu trong chương trình THPT nội dung giảng dạy về đạo đức chỉ tập trung vào một phần của chương trình Giáo dục công dân lớp 10 – Phần Công dân với đạo đức, thì ở đại học nội dung giảng dạy đạo đức trở thành một môn khoa học – Đạo đức học, có đối tượng nghiên cứu, lịch sử nghiên cứu rõ rệt. Hơn nữa, dạy đạo đức trong trường đại học ngoài những vấn đề chung như trên đã nêu thì thường phải gắn với giáo dục đạo đức nghề nghiệp theo đặc thù của từng trường.

TS.Nguyễn Thị Thọ. Ảnh: gdtd.vn
TS.Nguyễn Thị Thọ. Ảnh: gdtd.vn

Chưa được quan tâm đúng mức

PV. TS đánh giá thế nào về thực trạng dạy học đạo đức trong các cơ sở giáo dục ĐH hiện nay? Môn Đạo đức học trong những năm gần đây đã thực sự được quan tâm đúng mức chưa?

TS.Nguyễn Thị Thọ: Hiện nay, nhìn chung công tác giáo dục đạo đức ở nước ta qua các cấp học đã có những bước chuyển biến khá tốt. Tuy nhiên, vẫn đang còn nhiều bất cập, chưa thực sự đáp ứng được đầy đủ yêu cầu của chiến lược xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới.

Một thực tế cho thấy, quá trình giáo dục đạo đức ở các bậc học như Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông được thực hiện khá tốt thông qua các môn học, đặc biệt ở môn Đạo đức, môn Giáo dục công dân. Nhưng lên những cấp học cao hơn như trung cấp, cao đẳng, đại học (đặc biệt là đại học) thì quá trình giáo dục đạo đức đôi khi được hiểu là chỉ cần lồng ghép qua nội dung một số môn học nào đó, hoặc người học tự lĩnh hội, tự giáo dục.      

PV. Hiện có mấy trường ĐH có dạy môn học này trong nhà trường, sự quan tâm của nhà trường và sinh viên đối với môn học này như thế nào?

TS.Nguyễn Thị Thọ: Tôi không có con số thống kê cụ thể, nhưng qua tìm hiểu tôi nhận thấy:

Ở một số trường đại học, giáo dục đạo đức đã có những chỗ đứng nhất định trong chương trình học, trở thành môn học bắt buộc với số đơn vị học trình khá cao, nhưng quá trình giáo dục đạo đức thường được thực hiện gắn với tính đặc thù nghề nghiệp của từng trường, từng ngành học (ít chú ý đến giáo dục đạo đức truyền thống, đạo đức trong xã hội hiện đại).

Ví dụ, ở Trường ĐH Quản trị kinh doanh, sinh viên được học Đạo đức kinh doanh; Trường ĐH Y, sinh viên được học Đạo đức của ngành Y (y đức của người bác sĩ); ĐH An Ninh, Học viện cảnh sát nhân dân, sinh viên học đạo đức nghề nghiệp – đạo đức của người công an...

Nhưng ở khá nhiều trường đại học môn học này chưa được coi trọng đúng mức, có những trường trong chương trình không có môn Đạo đức học (thường là những trường đại học thiên về khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật).

Thậm chí ở những trường ĐH lớn như Trường ĐH sư phạm Hà Nội hay ĐH khoa học xã hội và nhân văn môn Đạo đức học cũng chưa được quan tâm đúng mức, không phải sinh viên tất cả các khoa đều được học môn Đạo đức học. Ví dụ, ở Trường ĐH Sư phạm Hà Nội hiện nay, có một số khoa môn học này được học  một cách bài bản, chương trình được xây dựng thống nhất, như: Khoa Giáo dục chính trị, Khoa Triết học, Khoa Giáo dục chính trị - Giáo dục quốc phòng. Ở những khoa này sinh viên được học theo một chương trình chung, thống nhất, đi từ kiến thức cơ bản về đạo đức, đạo đức học, đến các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc, đến những vấn đề đạo đức của xã hội hiện đại. Giảng viên giảng dạy môn này là những người được đào tạo đúng chuyên ngành Đạo đức học, đã bảo vệ thành công luận văn, luận án về lĩnh vực này.

Tuy nhiên, thời lượng dành cho môn học chỉ có 2 tín chỉ (quá ít) nên cũng chỉ dừng lại ở những nội dung cơ bản chứ không đủ để đào sâu kiến thức, chưa đi được vào đạo đức nghề nghiệp. Một số khoa khác cũng có môn học này nhưng chương trình được xây dựng riêng, đội ngũ giảng dạy môn Đạo đức học được đào tạo đúng chuyên ngành là không nhiều, chỉ là kiêm nhiệm hoặc chuyển từ những chuyên ngành khác sang. Trong khi đó môn Đạo đức học là một khoa học, có lịch sử hình thành, có đối tượng nghiên cứu rất rõ rệt, đòi hỏi phải có những nghiên cứu chuyên sâu để khai thác hết những nội dung của môn học, để truyền tải cho các thế hệ học sinh.

Qua thực tế giảng dạy môn này ở Trường ĐH sư phạm Hà Nội, tôi thấy rằng, khi được học môn Đạo đức học sinh viên rất thích thú, có nhiều sinh viên thông qua bài học, thông qua mỗi phạm trù, mỗi nguyên tắc đạo đức đã có những suy tư, những trăn trở, suy nghĩ về gia đình, quê hương, đất nước, về trách nhiệm của bản thân rất tích cực. Có những giờ học, thông qua những hình ảnh, những câu chuyện đạo đức, những hiện tượng đạo đức trong xã hội đã thực sự có tác động đến thế giới quan, nhân sinh quan của sinh viên, đã tạo ra những giờ học có ý nghĩa “đức dục” rất lớn, nhiều sinh viên mong muốn được học nhiều hơn nữa những giờ học Đạo đức học để hiểu thêm về luân thường đạo lý, đạo nghĩa ở đời, hiểu thêm về những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc và cả những vấn đề đạo đức đang đặt ra trong xã hội hiện đại.

Về phía nhà trường đã có những quan tâm nhất định đối với môn học trực tiếp giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên, nhưng theo tôi cần có sự quan tâm sâu sắc và toàn diện hơn nữa. Như: Thứ nhất, nên đưa môn học này vào chương trình chung, bắt buộc đối với sinh viên tất cả các khoa. Thứ hai, nên có sự thống nhất chung về nội dung, Thứ ba, quan tâm đào tạo, sử dụng đội ngũ cán bộ giảng dạy môn học đúng chuyên ngành.

PV: Một trong những vấn đề dư luận xã hội hết sức quan tâm gần đây là sự xuống cấp về đạo đức, lối sống của một bộ phận học sinh, sinh viên. Trước thực trạng này, theo chị, việc giảng dạy môn Đạo đức có nên mở rộng hơn trong các trường ĐH, CĐ?

TS.Nguyễn Thị Thọ: Không chỉ bây giờ mà từ xưa giảng dạy đạo đức đã rất cần, bây giờ càng cần hơn. Theo tôi, trước thực trạng ý thức đạo đức và lối sống của một bộ phận học sinh, sinh viên còn kém như hiện nay lỗi không phải hoàn toàn do giáo dục đạo đức của nhà trường. Nhưng, nếu trong các trường đại học, cao đẳng môn học này được mở rộng, được đề cao, được quan tâm đúng mức chắc sẽ góp phần to lớn hạn chế thực trạng này.

Cũng không phải đến bây giờ, mà đã từ lâu chúng tôi rất mong muốn môn học này được mở rộng, để sinh viên được trang bị thêm những nội dung cơ bản của môn đạo đức học với tư cách là một khoa học độc lập (chứ không phải chỉ lồng ghép qua các môn học khác), góp thêm vào hành trang cho các em ở đời và làm người.

Hiếu Nguyễn (thực hiện)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ