(GD&TĐ) - "Trong cơn bão số 11 vừa qua, nếu nước dâng lên khoảng trên 1 mét nữa thì có lẽ trong 331 hộ dân thôn Đông Bình ni cũng rất nhiều người chết. Vì không chạy đi mô được. Cây cối gãy hết. Nhà cửa tốc mái hết. Cây cầu phao là con đường độc đạo vượt ra khỏi biển nước cũng bị cắt đứt" - Lời tâm sự của ông trưởng thôn Đông Bình, xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) Võ Đức Cương làm chúng tôi càng thấy hiện hữu hơn sự nguy hiểm, khốn khó nơi mảnh đất này.
Cây cầu phao, con đường đi lại vào mùa nắng trong mấy năm qua của người dân Đông Bình giờ chỉ còn lại một đoạn nhỏ dính vào hai thân trụ giữ |
Sống trong sợ hãi và lời khẩn cầu không phúc đáp...
Bão số 11 tan, 5 ngày sau những chuyến đò ngang chở khách từ ốc đảo Đông Bình sang bờ bên kia mới được phép mở lại. Chúng tôi về Đông Bình trên những chuyến đò đầu tiên, mang theo những niềm vui và cả những âu lo chưa dứt của những người dân nơi đây.
Con đò chòng chành bơi giữa màn mưa lớn, chất trên nó sức nặng của hơn 20 con người và khoảng gần 20 chiếc xe cả xe đạp lẫn xe máy. Đò thì thô sơ, cũ kỹ nhưng không còn cách nào khác vì nếu không hoạt động, người dân Đông Bình sẽ không còn con đường nào để ra khỏi nơi mình cư ngụ.
Những mái nhà bị tốc chưa lợp lại, những mảnh vườn tan hoang, những gương mặt nông dân đầy vẻ lo lắng, thất thần và đầy sự khẩn cầu là những gì mà chúng tôi nhìn thấy và cảm nhận được ngay khi đặt chân lên thôn Đông Bình.
Với hầu hết tổng số hộ dân đều bị tốc mái nhà, trong đó có 1 nhà sập hoàn toàn, trận bão kinh hoàng vừa qua đã làm khó khăn của người dân nơi đây đã nhiều càng nhiều hơn, đã chất chồng lại càng chồng chất hơn.
Dẫn chúng tôi đi quanh một vòng thôn Đông Bình, Trưởng thôn Võ Đức Cương xuýt xoa khi thấy những ngôi nhà dân chưa thể lợp lại vì không đủ tiền, nhưng cuối cùng, điều cốt yếu, ông vẫn trở lại câu chuyện cây cầu mơ ước và những lời khẩn cầu của người dân.
Theo ông Cương, đã nhiều lần ông và các lãnh đạo thôn tiền nhiệm cũng như tất cả người dân đã kiến nghị lên các cơ quan hữu trách xã, huyện, tỉnh và Trung ương. Nhưng một chữ, một tiếng hồi âm cũng không có. Chính quyền các cấp cao hơn dường quên nguyện vọng của 331 hộ dân nơi đây.
Tiếp lời ông Cương, ông Nguyễn Văn Phú - Trưởng ban công tác mặt trận thôn Đồng Bình - bức xúc: "Các anh có biết không, chưa có cây cầu ngày nào là đời sống, tính mạng người dân thôn ni luôn luôn bất an. Mùa nắng mấy năm có cây cầu phao cũng đỡ đỡ chút.
Trận bão vừa rồi thì cây cầu phao cũng bị cắt vĩnh viễn và không biết bao giờ mới làm lại được. Nhưng mùa mưa thì phải đi ghe, đi đò 100% trong điều kiện hết sức thiếu thốn và nguy hiểm. Học sinh, công nhân đi học đi làm phải dậy từ 4 rưỡi sáng, rồi lục đục chuẩn bị ra chờ đò sang sông. Bệnh tật, sinh đẻ bất thường ngay trong đêm thì coi như phó mặc cho trời. Bởi lúc ấy làm gì có đò để đi bệnh viện. Mà nếu có được đò, thì sợ cũng không còn kịp nữa...".
Đôi mắt ông Phú ầng ậng nước khi kể cho chúng tôi nghe câu chuyện đau lòng về đám tang của cụ Phạm Thị Trĩ (92 tuổi). Cụ mất cách đây đúng 7 ngày nhưng sáng nay gia đình mới đưa đi chôn được. Bởi trong suốt những ngày qua, trời vừa bão xong, chính quyền và người dân đều không dám mạo hiểm đi đò ra khỏi ốc đảo này.
Cho đến khi trời yên sóng nhẹ thì thân xác cụ cũng đã bốc mùi. Con cháu nghẹn ngào tiếc thương không kịp đưa thi hài đi chôn đúng ngày như dự định vì không có một cây cầu, không có một con đường để ra bên ngoài, nhất là khi trời bão, lụt.
Đó là chưa kể đến kinh tế. Nhu yếu phẩm mang vào đến đây cũng đã bị tăng lên một giá. Trong khi chiếu - mặt hàng duy nhất đem lại lợi ích kinh tế cho nơi đây - khi bán đi lại bị ép giá và còn phải trả tiền đò.
Ấy, cũng chỉ vì một lý do duy nhất là không có một lối đi nào khác ngoài đò. Cũng chính vì thế, hầu hết các hộ dân ở Đông Bình đều được xếp ở dạng nghèo hoặc cận nghèo. Hiếm hoi lắm, trên toàn thôn mới xuất hiện một ngôi nhà khang trang. Còn lại, đa phần là lụp xụp, xiêu vẹo, cũ kỹ...
Rất khó khăn để di chuyển người và xe từ đò lên thôn Đông Bình |
"Dân tụi tui sẽ làm liều..."
Ông Võ Đức Cương đột nhiên nói thế ngay trong câu chuyện với chúng tôi. Ông bảo rằng sự chờ đợi của người dân nơi đây đã vượt ra ngoài giới hạn, trong khi chính quyền các cấp cao hơn thôn vẫn cứ thờ ơ theo kiểu sống chết mặc bay. Những tiếng kêu cầu cứu của nhân dân Đông Bình dường như vô giá trị.
Biết bao phận người phải long đong, khốn đốn vì không thể vượt ra ngoài mênh mông sóng nước vùng này. Nhiều công nhân đã bị mất việc chỉ vì nhiều lần không kịp giờ làm do trễ đò hoặc đò gặp sự cố. Nhiều học sinh đã phải bỏ học giữa chừng vì gia đình quá nghèo mà con đường đến trường tiếp tục không có một cây cầu nâng bước theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Trước và sau cơn bão số 11, nhân dân thôn Đông Bình đã bàn bạc hội ý và đi đến thống nhất rằng, sẽ mở một con đường vượt biển nước. Họ sẽ góp tiền, thậm chí đi các nơi xin tiền để thuê người đổ đất, đổ cát nối thành một con đường độc đạo từ ốc đảo Đông Bình ra ngoài. Dự tính, chi phí cho cả con đường ấy khoảng không dưới 1 tỷ rưỡi.
Thật sự, với tất cả 331 hộ dân nơi đây cộng lại, số tiền ấy là quá lớn. Nhưng họ nhất định không đánh cược tương lai con cái, mạng sống của gia đình mình để chờ đợi nữa. Người sống khổ đã đành, người chết cũng sẽ khổ nhiều hơn nữa. Rồi tiếp tục nếu cứ duy trì tình hình này, không sớm thì muộn sẽ xảy ra nhiều trường hợp chết nước, chết do bệnh không kịp chuyển vào bệnh viện. Và đó là điều không một ai trên ốc đảo này muốn.
Nhất là trong cơn bão lớn nhất từ trước đến nay vừa qua, kèm theo nước dâng cao, dân Đông Bình đã đứng cận kề với ranh giới sinh tử. Họ hiểu hơn bao giờ hết sự chờ đợi, kêu cứu bây giờ cũng chỉ là vô ích. Không còn cách nào khác ngoài việc tự mình cứu lấy chính mình. Éo le một nỗi là Nhà nước, chính quyền im lặng khi họ kêu cầu...
Để đời sống và tính mạng 331 hộ dân thôn Đông Bình được phát triển ổn định, rất mong sự quan tâm sâu sắc hơn nữa từ chính quyền huyện Duy Xuyên cũng như tỉnh Quảng Nam. Từng ấy con người đang sống trong sợ hãi, đang khẩn thiết kêu cầu từng ngày trên cuộc sống, trên sinh mạng của mình. Hơn lúc nào hết, một cây cầu nối vùng ốc đảo với đất liền xã Duy Vinh (Duy Xuyên) sẽ là niềm động viên khích lệ rất lớn đối với nhân dân nơi đây.
Xuân Vân