Sinh động với giờ học môn Sinh

GD&TĐ - Được xem tranh ảnh, bảng đối chiếu và nghe đọc thơ… nhưng không phải là giờ học môn Văn mà là những tiết dạy môn Sinh lớp 9, theo phương pháp tích hợp liên môn ở Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ, quận 7, TPHCM.

Cô Nguyễn Thị Ngọc Xuân đang phân loại, giới thiệu đặc điểm các “đạo cụ” học sinh mang đến phục vụ cho tiết học
Cô Nguyễn Thị Ngọc Xuân đang phân loại, giới thiệu đặc điểm các “đạo cụ” học sinh mang đến phục vụ cho tiết học

Thơ họa bước vào môn khoa học tự nhiên

“Em không nghe rừng thu/ Lá thu rơi xào xạc/ Con nai vàng ngơ ngác/ Đạp trên lá vàng khô”, những câu thơ ngập tràn âm thanh và màu sắc thiên nhiên đã đi vào bài giảng môn Sinh của cô Nguyễn Thị Ngọc Xuân - GV Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ (quận 7, TPHCM).

Đoạn thơ của Lưu Trọng Lư là cách minh họa dễ cảm nhận về một số hiện tượng thường biến trong thiên nhiên. Mùa thu khoác lên cánh rừng một màu vàng của lá rồi sau đó lá vàng rơi theo chiều gió khi mùa đông về. Đó là mối quan hệ giữa thời tiết và thực vật, thực vật thay đổi khi thời tiết thay đổi.

Rõ ràng cửa sổ văn chương đã mở ra cho các em một cánh cửa tri thức mới mẻ về bộ môn Sinh, tự nhiên và nhẹ nhàng chứ không hề máy móc khiên cưỡng. Đoạn thơ là tiền đề để các em nhập tâm kiến thức chính được chuyển tải trong bài học theo móc xích tích hợp liên môn.

Đoạn thơ còn đưa ra một thông điệp là sự thay đổi của các mùa không chỉ là chất xúc tác cho những cảnh quan xinh đẹp mà còn là nguồn cảm hứng trong thi ca. Cũng từ tiền đề đó, GV còn yêu cầu HS tìm thêm những “nhân chứng” thơ miêu tả mùa thu trong chùm 3 bài thơ thu của Nguyễn Khuyến, hay bài Bắt gặp mùa thu của Nguyễn Bính.

Tiếp đó, HS lại bước vào một không gian đầy sắc màu từ những bức hình minh họa cho quá trình thường biến ở động vật nhằm thích nghi với môi trường sống. Như sự thay đổi màu sắc của tắc kè hoa, hình ảnh ngụy trang của bướm, ngựa trời, kỳ nhông...

Nếu trước đây chỉ có vài tấm hình đen trắng minh họa nghèo nàn trong SGK thì giờ đây, theo phương pháp liên môn tích hợp, những tấm hình về đề tài thường biến được trải rộng trong bài học để HS mặc sức vừa quan sát vừa chiêm ngưỡng như trong giờ Mỹ thuật.

Phương pháp so sánh trong toán học cũng được áp dụng khi GV đưa ra các cặp tranh về những loại rau thường biến do tác động của môi trường. Cây rau dừa nước nếu mọc ở trên cạn thì thân lá nhỏ xíu, gầy còm, còn nếu được sinh ra trong ao hồ thì thân lá lớn hơn, một số rễ sẽ “hô biến” thành phao để dễ dàng nổi lềnh bềnh trên mặt nước.

Đó cũng là phép thử tương phản giữa hai gốc su hào - một bên củ to do trồng đúng kỹ thuật, còn một bên củ teo tóp vì sâu bệnh. Hai loại cây này cũng biến thành “chuột bạch” để đưa ra thí nghiệm giống như biểu đồ so sánh trong giờ Địa lý. "Trăm nghe không bằng một thấy", thay vì kênh chữ chằng chịt hay ngôn ngữ độc thoại dài dòng quen thuộc trên bục giảng thì ở đây kiến thức dễ dàng đi vào tâm trí HS bằng phương tiện chuyển tải đầy màu sắc.

HS lớp 9TC3 trong tiết Sinh học với bài Thường biến
 HS lớp 9TC3 trong tiết Sinh học với bài Thường biến

Các môn học bắt tay nhau

Ở phần mở màn của tiết Sinh học, GV giới thiệu một số ví dụ tiêu biểu về thường biến qua sự thay đổi của các loại thực vật quen thuộc trong đời sống hàng ngày, như cây mạ, cây đậu xanh, cây cải, củ khoai tây.

Điều bất ngờ hơn là có rất nhiều đạo cụ do HS mang từ nhà đến đã hỗ trợ thêm tính trực quan cho tiết học. Đó là đám lúa được gieo trong bát nhựa nhưng thiếu ánh sáng, hay cây cải được trồng ngoài hiên nhà có đủ nắng và gió được quang hợp đầy đủ. Đây là “gooolge map” để các em hiểu một cách trực tiếp, tường tận, thường biến là những biến đổi kiểu hình phát sinh trong đời sống cá thể dưới ảnh hưởng trực tiếp của môi trường.

Tiết Sinh này không chỉ cải tiến về cách học cá nhân mà cách học theo nhóm cũng có đường đi mới thông qua thảo luận, xây dựng bản đồ tư duy, thuyết trình nhóm. Không khí lớp học như được giãn nở thêm trong sự gắn kết, tương tác, hỗ trợ của 4 nhóm. Bài học về tính trạng chất lượng và tính trạng số lượng khắc sâu một cách tự nhiên.

Nhiều HS còn hiểu sâu thêm về điều kiện cho năng suất cao phải hội tụ yếu tố giống tốt (kiểu gen) và kỹ thuật canh tác (điều kiện môi trường). Giống tốt nhưng chăm sóc kém hoặc ngược lại thì năng suất vẫn không cao. Đó là cơ hội cho câu tục ngữ: “Nhất nước nhì phân tam cần từ giống” hay “Tháng chạp là tháng trồng khoai/ Tháng giêng trồng đậu tháng hai trồng cà” được lên tiếng trong thời gian cuối của tiết học.

Sự biến đổi kiểu hình thường biến không phải là vô hạn mà có giới hạn nhất định, vì nếu vượt quá giới hạn thì sinh vật không biến đổi theo được nữa và tất nhiên sẽ bị diệt vong. Đây chính là bài học liên quan đến thời sự cho trình trạng ô nhiễm môi trường đáng báo động hiện nay trên toàn cầu.

Bài học muốn nhắn gửi, từ trang sách này, chúng ta phải có hành động thiết thực góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu, hay nói cách khác là phải có ý thức bảo vệ tốt môi trường sống. Sử dụng năng lượng sạch, trồng nhiều cây xanh, không chặt phá rừng là lời kêu gọi khẩn thiết được lồng vào bài học một cách nhẹ nhàng mà vô cùng thấm thía. Nhờ bắt tay nhau một cách chặt chẽ và hài hòa mà các môn học đã trở thành phương tiện đắc lực giúp cho tiết học Thường biến của môn Sinh hoàn thành xuất sắc bổn phận truyền thụ tri thức cho học sinh. 

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ