Sinh động những giờ học về cây dược liệu

GD&TĐ - Trang bị kiến thức về nguồn cây dược liệu, môi trường và kỹ năng nhận dạng các loại cây dược liệu, giá trị kinh tế, tác dụng của nguồn cây dược liệu, đến việc hướng dẫn phương pháp, kỹ thuật trồng, nuôi dưỡng, khai thác, bảo vệ nguồn giống các loại cây dược liệu… đó là những hoạt động giáo dục mà thầy trò Trường Phổ thông Dân tộc bán trú trung học cơ sở (PTDTBT THCS) Trà Don (xã Trà Don, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) triển khai thực hiện gần một năm nay, đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, góp phần bảo vệ, phát triển các nguồn cây dược liệu.

Sinh động những giờ học về cây dược liệu

Dạy học gắn với đời sống thực tiễn

Nói về chương trình Giáo dục kỹ năng mềm về trồng dược liệu dưới tán rừng cho học sinh mẫu giáo, tiểu học, THCS và THPT ở huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam), thầy Võ Đăng Thuận - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nam Trà My cho biết: “Nam Trà My được thiên nhiên ưu đãi với điều kiện khí hậu, địa hình, thổ nhưỡng và thủy văn phù hợp cho nhiều loài cây dược liệu quý nổi tiếng như Sâm Ngọc linh, Giảo cổ lam, Quế, Đẳng sâm, Sâm quy, Sa nhân tím, Sâm cau… Từ lâu, đồng bào dân tộc thiểu số Xê Đăng đã xem các loại cây dược liệu như là một loại thuốc “giấu”, là “bảo bối” dùng để trị bệnh tật và bồi bổ cơ thể mỗi khi đau ốm.

Về giá trị kinh tế, có thể nói các loại cây dược liệu hiện có ở vùng núi huyện Nam Trà My có giá trị kinh tế rất cao. Tuy nhiên, hiện nay người dân tộc thiểu số ở đây còn thiếu kiến thức, kỹ thuật chăm sóc, khai thác nguồn cây dược liệu. Với mong muốn giúp người dân địa phương bảo tồn, phát triển được nguồn cây dược liệu trong tương lai, tháng 9/2016, UBND huyện Nam Trà My đã có chủ trương xây dựng và phát triển các vườn dược liệu trong các trường học, chúng tôi nhận thấy rằng, đây là một chủ trương đúng đắn và có ý nghĩa hết sức thiết thực, nhằm trang bị cho con em học sinh địa phương ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường có kiến thức, kỹ thuật chăm sóc, nuôi trồng cây dược liệu, góp phần phát triển, bảo vệ nguồn cây dược liệu hiệu quả”.

Là đơn vị trường học chủ trì thực hiện chương trình “Giáo dục kĩ năng về trồng dược liệu dưới tán rừng cho học sinh mẫu giáo, tiểu học, THCS và THPT ở huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam)” tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ trong các đơn vị trường học trên địa bàn, thầy Võ Đăng Chín - Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Trà Don, cho hay: Chương trình Giáo dục kĩ năng mềm trồng dược liệu nhằm trang bị cho học sinh một hệ thống kiến thức về môi trường sống, cách nhận biết các loại cây dược liệu; giá trị kinh tế, tác dụng của nguồn cây dược liệu; kĩ thuật trồng, khai thác, chế biến một số loại cây dược liệu.

Sinh động các hoạt động giáo dục

Theo thầy Võ Đăng Chín, chương trình Giáo dục kĩ năng về trồng dược liệu dưới tán rừng cho học sinh được triển khai linh hoạt theo từng đối tượng, học sinh từng bậc học. Đối với trẻ mầm non, chương trình giáo dục được thực hiện theo phương pháp học qua trò chơi, “học mà chơi, chơi mà học”, học qua hình ảnh, kích thích sự tò mò, hiếu kỳ và khám phá của trẻ, kích thích khả năng tư duy của trẻ như trò chơi ghép chữ, ghép hình, đoán vật, cây dược liệu (Sâm Ngọc linh, Cây quế, Sâm nam, Giảo cổ lam, Sâm quy…).

Học sinh bậc tiểu học sẽ tham gia học tập thông qua các hoạt động giáo dục với những phương pháp quan sát, trò chơi, tìm hiểu, điều tra thảo luận… Qua những phương pháp dạy học này, giáo viên giúp học sinh nhận thức và có hành vi, thái độ đúng đắn về tác dụng và hiệu quả của cây dược liệu.

Còn đối với học sinh bậc trung học, các phương pháp giáo dục kĩ năng về trồng dược liệu được vận dụng nhiều phương pháp dạy học khác nhau, như: Phương pháp tham quan, điều tra, khảo sát, nghiên cứu thực địa; phương pháp thí nghiệm; phương pháp khai thác kinh nghiệm thực tế để giáo dục, phương pháp hoạt động thực tiễn, giải quyết vấn đề cộng đồng; phương pháp học tập theo dự án… nhằm tạo hứng thú, đồng thời rèn luyện tính tự lập, phương pháp giải quyết vấn đề, hạn chế việc học thụ động của học sinh.

Chương trình dạy học có thể thực hiện lồng ghép, nội khóa kết hợp với hoạt động ngoại khóa một cách linh hoạt, với mục tiêu cuối cùng là giúp học sinh biết được giá trị kinh tế của cây dược liệu trong đời sống hằng ngày, đặc điểm hình thái của các loại rừng trồng dược liệu, điều kiện, môi trường rừng để trồng cây dược liệu và quy trình trồng, chăm sóc cây dược liệu dưới tán rừng.

Thầy Võ Đăng Chín cho biết: Sau một năm triển khai thực hiện, đến nay, nhà trường đã tạo dựng được một khu vườn thực nghiệm về các nguồn cây dược liệu. Khu vườn hội tụ khá đầy đủ các loại cây dược liệu ở vùng núi Nam Trà My và một số địa phương lân cận.

Đây là nơi học tập, thực hành, trải nghiệm của học sinh và giáo viên khi tổ chức các hoạt động giáo dục kĩ năng về trồng dược liệu dưới tán rừng. Ngoài việc tổ chức dạy học tại khu vực vườn thực nghiệm, nhà trường còn đưa học sinh đi tham quan, học tập tại phiên chợ sâm núi Ngọc Linh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình) trong giờ dạy môn Khoa học tự nhiên.

Giúp dạy học hiệu quả môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, các nhà trường đã rút ra những kinh nghiệm để triển khai dạy học hiệu quả môn tích hợp, nhất là môn Khoa học tự nhiên.