Sinh con thứ 3 thì có bị trừ hoặc kéo dài một năm thâm niên?

Sinh con thứ 3 thì có bị trừ hoặc kéo dài một năm thâm niên?

(GD&TĐ) -  Hỏi: Tháng 10 năm 2006 tôi trúng tuyển kỳ thi tuyển viên chức và được ký hợp đồng lần đầu 1 năm (tập sự), sau đó thì tôi được biên chế là giáo viên chính thức từ đó đến nay. Tháng 4 năm 2012, tôi có sinh con thứ 3 nên vừa qua khi xét thâm niên ưu đãi tôi vẫn chưa được hưởng. Khi tôi đem thắc mắc này hỏi kế toán và hiệu trưởng của nhà trường nhưng đều nhận được câu trả lời là: Phòng Nội vụ huyện yêu cầu tất cả các trường rà soát lại các giáo viên đã sinh con thứ 3, những giáo viên đã sinh con thứ 3 thì bị trừ 1 năm thâm niên, do vậy trường hợp của tôi cũng bị trừ 1 năm thâm niên nên chưa đủ năm để xét thâm niên. Vậy xin hỏi chuyên mục Hộp thư bạn đọc hai vấn đề sau: Trường hợp của tôi đã đủ điều kiện để xét hưởng thâm niên không? Những trường hợp sinh con thứ 3 thì có bị trừ hoặc kéo dài một năm thâm niên hay không? – Phùng Tiến Huy – Tân Xã, Thạch Thất, Hà Nội.

Ảnh minh họa (Mạnh Đức)
Ảnh minh họa (Mạnh Đức)

* Trả lời:

Theo Thông tư liên tịch số: 68/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH ngày 30/12/2011 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số  54/2011/NĐ-CP  ngày 04 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo, một trong những đối tượng được áp dụng là nhà giáo trong biên chế, đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và các trường, trung tâm, học viện thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được nhà nước cấp kinh phí hoạt động (bao gồm nguồn thu từ ngân sách nhà nước cấp và các nguồn thu sự nghiệp theo quy định của pháp luật).

Theo khoản 3, điều 2 Thông tư trên, mức phụ cấp thâm niên được tính như sau: Nhà giáo quy định tại Điều 1 Thông tư liên tịch này có thời gian giảng dạy, giáo dục được tính hưởng phụ cấp thâm niên theo quy định tại Khoản 1 Điều này đủ 5 năm (60 tháng) thì được hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); từ năm thứ sáu trở đi, mỗi năm (đủ 12 tháng) được tính thêm 1%.

Như vậy với hướng dẫn trên, kể từ ngày bạn được biên chế chính thức (không tính 1 năm tập sự) bạn trực tiếp tham gia giảng dạy đủ 5 năm (60 tháng) thì bạn đủ điều kiện để được xét hưởng phụ cấp thâm niên. Từ năm thứ sáu trở đi, mỗi năm (đủ 12 tháng) được tính thêm 1%. Ví dụ bạn trúng tuyển viên chức vào tháng 10 năm 2006, đến tháng 10 năm 2007 bạn mới chính thức có quyết định hết thời gian tập sự. Vậy đến tháng 10 năm 2012 bạn mới đủ 5 năm để xét hưởng phụ cấp thâm niên.

Vấn đề thứ hai mà bạn quan tâm đó là những trường hợp sinh con thứ 3 có bị trừ hoặc là kéo dài một năm thâm niên hay không? Ở Nghị định 54/2011/NĐ-CP về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo và Thông tư liên tịch 68/2011/TTLT – BGDĐT…hướng dẫn một số điều của Nghị định này không có điều khoản nào quy định những trường hợp sinh con thứ 3 sẽ bị trừ hoặc là kéo dài 1 năm thâm niên.

GD&TĐ Online

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ