Singapore: Dạy thêm trực tuyến lên ngôi

Singapore: Dạy thêm trực tuyến lên ngôi

Được trang bị iPad, máy tính xách tay và màn hình lớn, hơn 40 giáo viên tại Trung tâm Toán & Khoa học Raymond vẫn tiếp tục giảng dạy trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát. Chia sẻ với truyền thông, Giám đốc điều hành trung tâm - ông Raymond Loh cho biết, phải đào tạo giáo viên sử dụng Zoom và đưa lớp học lên một nền tảng kỹ thuật số là nhiệm vụ không dễ dàng.

“Thành thật mà nói, đào tạo cho nhân viên là một việc, nhưng kiểm soát lớp học tốt là một vấn đề hoàn toàn khác. Và làm thế nào để chúng ta chắc chắn rằng, các lớp học diễn ra thuận lợi?”, ông Loh cho hay.

Ông Loh nói thêm rằng, trong khi nhiều GV và HS gặp khó khăn trong ngày đầu tiên của bài học trực tuyến, mọi thứ đã nhanh chóng được cải thiện và quá trình học tập diễn ra suôn sẻ. Trung tâm Raymond đã chuẩn bị cho việc đóng cửa ngay khi chính phủ Singapore nâng cảnh báo với Covid-19 lên báo động cam. Để thực hiện giảng dạy trực tuyến, Trung tâm Raymond đã mua khoảng 40 chiếc iPad cho mỗi giáo viên và in tài liệu cho hàng nghìn người học.

“Hầu hết các khách hàng của chúng tôi đều rất vui và cảm kích vì trung tâm luôn sẵn sàng cung cấp những bài học trực tuyến. Thậm chí, không ít khách hàng kêu gọi chúng tôi xem xét để trở thành doanh nghiệp giảng dạy trực tuyến. Bởi đối với những đứa trẻ lớn hơn, dường như lên mạng là một lựa chọn tốt thay vì phải đi đâu đó”, ông Loh nhận định.

Trước bối cảnh dịch bệnh có diễn biến phức tạp, hàng loạt lớp học thêm tại Singapore cũng được chuyển sang hình thức giảng dạy trực tuyến. Ông Saravanan Manorkorum và bà Amutha Saravanan - đồng sáng lập Công ty GD Da Vinci Group, đã số hóa nội dung dưới nhãn hiệu KlayKit của mình để bán tài liệu cho phụ huynh.

Trước đó, các nhân viên của công ty từng hợp tác với nhiều trường mầm non để trực tiếp giảng dạy cho HS, nhưng do Covid-19, KlayKit bắt đầu bán gói bài học trực tuyến cho phụ huynh.

“Chúng tôi bắt đầu số hóa các bài học và bán nó dưới dạng gói của thương hiệu KlayKit. Đây là một dịch vụ mà mọi người bắt đầu sử dụng”, bà Amutha chia sẻ và cho biết, nhiều trường mầm non ở Singapore đã bày tỏ sự hứng thú trong việc mua bộ dụng cụ cho HS trong thời gian học tập tại nhà. Theo hai nhà sáng lập của Da Vinci Group, phụ huynh có phản hồi rất tốt về hình thức đào tạo này.

Tuy nhiên, việc giảng dạy trực tuyến không dễ dàng đối với tất cả mọi người. Một số gia sư chia sẻ, họ gặp không ít khó khăn với phương pháp làm việc này. Wendy Ng (38 tuổi) - một gia sư tại Singapore, cho biết 1/2 số HS của cô đã tạm dừng học do dịch Covid-19.

“Tôi sử dụng Zoom để dạy kèm trực tuyến cho các HS. Một trong những khó khăn là không phải tất cả phụ huynh hay HS đều chấp nhận học trực tuyến. Việc thực hiện các bài học trên mạng cũng tốn thời gian hơn. Tôi đã mất khoảng 40% thu nhập so với thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát” - cô Wendy Ng chia sẻ.

Cô Wendy Ng cho biết thêm: “Bài tập được giao cho người học hoàn thành trước. Sau đó, họ gửi lại cho tôi để kiểm tra, và chúng tôi có thể cùng trao đổi trong quá trình học trực tuyến. Vì vậy, có rất nhiều nhiệm vụ phải làm trước khi bài học thực sự diễn ra. Việc giảng dạy thông qua cuộc gọi video khá khác biệt so với khi thực hiện trực tiếp. Chúng tôi có xu hướng hiểu nhầm nhau khá nhiều”.

Theo CNA

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ