Vay được vốn ngân hàng nhờ quen biết?
TAND Cấp cao tại TP.HCM vừa đưa vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản và vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng xảy ra tại Agribank Bình Chánh ra xét xử.
5 bị cáo bị đưa ra xét xử gồm: Dương Thanh Cường (nguyên Tổng giám đốc công ty cổ phần Tập đoàn Bình Phát) bị truy tố, xét xử về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bốn bị cáo khác đều là cán bộ Agribank Bình Chánh là Nguyễn Văn Lợi (nguyên Phó giám đốc), Nguyễn Thị Thanh Nga (Phó phòng kế hoạch kinh doanh), Trần Thị Hoàng Yến (Phó phòng kế hoạch kinh doanh) và Hoàng Như Bích (Phó phòng kế hoạch kinh doanh) bị truy tố cùng về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Trước đó, TAND TP.HCM đã tuyên phạt Dương Thanh Cường tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 4 bị cáo còn lại trong vụ án là Lợi bị tuyên phạt 8 năm tù; Bích 7 năm tù; Nga 8 năm tù và Yến 7 năm tù cùng về cùng tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Phiên tòa phúc thẩm được mở theo kháng cáo của cả 5 bị cáo, trong đó Thanh Cường kháng cáo kêu oan; Bích kháng cáo toàn bộ bản án; 3 bị cáo còn lại kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Năm 2007, Dương Thanh Cường, lúc đó đang là Tổng giám đốc công ty cổ phần tập đoàn Bình Phát, có mối quan hệ quen biết với ông Lý Văn Chức, Giám đốc Agribank Bình Chánh.
Lợi dụng mối quan hệ này và thấy việc thực hiện quy trình thẩm định, ký duyệt cho vay vốn của lãnh đạo, cán bộ Agribank Bình Chánh sơ sài, không kiểm tra, thẩm định nên Cường thành lập ra nhiều công ty con, cho người thân đứng tên nhưng không hoạt động kinh doanh chỉ nhằm mục đích vay tiền của các ngân hàng để mua, đầu tư bất động sản, trả các nợ cũ và tiêu xài cá nhân.
Từ năm 2007 – 2009, Cường đã sử dụng pháp nhân của hai công ty gồm công ty Cổ phần phát triển đầu tư xây dựng Tân Đại Phát (gọi tắt là công ty Tân Đại Phát) và công ty TNHH sản xuất xây dựng thương mại Thanh Phát (gọi tắt là công Thanh Phát) do mình lập ra để lập hồ sơ khống vay vốn của Agribank Bình Chánh.
Để có tài sản thế chấp vay vốn, Cường nâng khống giá trị lô đất tại tỉnh Lâm Đồng do mình mua từ 3 tỷ lên 47 tỷ đồng, làm giả hàng loạt giấy tờ, như các giấy chứng nhận góp vốn, lập khống chứng từ chi trả tiền, lập khống dự án xây dựng khách sạn 5 sao để vay 19,25 tỷ đồng của Agribank Bình Chánh.
Sau khi giải ngân, Agribank Bình Chánh yêu cầu Dương Thanh Cường và công ty Tân Đại Phát hoàn thiện thụ tục phê duyệt dự án khách sạn 5 sao của cơ quan có thẩm quyền nhưng Cường và công ty Tân Đại Phát không làm được.
Khi sự việc bị phanh phui, ngân hàng đã cấn trừ tài sản thế chấp là lô đất mà Cường thế chấp vay vốn có gia trị hơn 3 tỷ đồng, hiện Cường còn nợ Agribank Bình Chánh hơn 15 tỷ đồng.
Đối với các bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nga, Trần Thị Hoàng Yến, Hoàng Như Bích và Nguyễn Văn Lợi được sự chỉ đạo của Giám đốc Lý Văn Chức đã không thực hiện đúng quy trình thẩm định tài sản, thẩm định hồ sơ vay vốn, kiểm tra đánh giá doanh nghiệp… mà ký duyệt cho công ty Tân Đại Phát và công ty Thanh Phát vay 19,25 tỷ đồng, gây thiệt hại tính đến ngày khởi tố vụ án (25/6/2013) là hơn 27,3 tỷ đồng (trong đó gốc là hơn 12,8 tỷ đồng, lãi hơn 14,4 tỷ đồng).
Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm. |
Nhân viên đổ lỗi cho sếp đã chết!
Trả lời thẩm vấn tại phiên tòa, cả bốn bị cáo nguyên là cán bộ Agribank Bình Chánh đều cho rằng, dù biết hai công ty Tân Đại Phát và công ty Thanh Phát không đủ điều kiện vay vốn nhưng vẫn ký duyệt các giấy tờ để giải ngân vì “nể” Giám đốc Lý Văn Chức.
Bị cáo Nguyễn Văn Lợi, nguyên Phó giám đốc Agribank Bình Chánh cho rằng, sau khi xem xét hồ sơ, Lợi có lên tận Đà Lạt để thẩm định giá trị của mảnh đất mà Dương Thanh Cường thế chấp để vay vốn, nhưng việc đi thực tế này cũng chỉ là hình thức, vì mọi chuyện đã có Giám đốc Chức quyết định.
Sau giờ nghị án, HĐXX nhận định, Thanh Cường đã tự ý nâng khống giá trị lô đất làm tài sản thế chấp để vay được số tiền lớn. Vì dự án xây khách sạn 5 sao là dự án khống, chưa được các cơ quan chức năng phê duyệt nhưng Thanh Cường vẫn lập hồ sơ vay vốn. Nên hợp đồng vay vốn giữa công ty Tân Đại Phát và Agribank Bình chánh là hợp đồng không hợp pháp.
Hành vi của Thanh Cường được cấu thành khi Thanh Cường nhận tiền giải ngân từ Agribank Bình Chánh. Đối với bốn cán bộ ngân hàng, dù biết dự án của Thanh Cường chưa được cấp phép nhưng vẫn phê duyệt cho vay.
Các bị cáo cũng thừa nhận việc xét duyệt cho vay là sai nguyên tắc nên cấp tòa sơ thẩm tuyên các bị cáo có tội là có căn cứ.
Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo không đưa ra được tình tiết nào mới nên HĐXX đã bác kháng cáo, giữ nguyên mức án mà tòa sơ thẩm đã tuyên.