(GD&TĐ) - Tết Nguyên Đán Quý Tỵ 2013 đang đến gần, thời điểm này thị trường hàng hóa đã diễn ra khá sôi động. Tuy nhiên, đây cũng chính là thời điểm nhạy cảm dễ xảy ra tình trạng gian lận thương mại, bán hàng trái pháp luật. Do đó việc đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường vào thời điểm này là điều cần thiết hơn bao giờ hết.
Các giỏ quà tết được bày bán tại siêu thị Big C. (Ảnh: Minh Hằng) |
Tại Hà Nội, theo Sở Công thương, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên Đán, thành phố sẽ tập trung phân phối các sản phẩm thiết yếu tại 710 điểm bán hàng bình ổn giá và khoảng 1.500 đại lý, cửa hàng, bếp ăn khu công nghiệp, khu chế xuất; đồng thời, tổ chức 200 chuyến bán hàng lưu động phục vụ nông dân và công nhân. Các trung tâm thương mại, siêu thị như Metro, BigC, Co.op Mart, Intimex, Fivimart… dự trữ bán các loại hàng thiết yếu như gạo, thịt, trứng, thủy hải sản, thực phẩm chế biến, rau củ với tổng tiền hàng khoảng 2.300 tỉ đồng.
Trong những ngày này, tại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn TP. Hà Nội các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân đón Tết đã được bày bán tràn ngập với nhiều loại mẫu mã và chủng loại khác nhau, trong đó phải kể đến các sản phẩm bánh kẹo, mứt, giỏ quà tết, các loại rượu, các mặt hàng thực phẩm khô, quần áo, giầy dép và các đồ trang trí nhà cửa v.v…
Tuy nhiên theo các ngành chức năng, đây cũng chính là thời điểm nhạy cảm dễ xảy ra tình trạng gian lận thương mại như: bán hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và không có nhãn mác, hàng hết hạn sử dụng. Đặc biết đối với một số mặt hàng khô như: măng, miến, mộc nhĩ, các loại kẹo, mứt bán theo kiểu cân ký rất dễ bị gian thương trà trộn hàng tồn kho, hàng quá hạn sử dụng để bày bán trong dịp này.
Thực tế cho thấy, càng gần những ngày cận Tết, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ lại càng “nở rộ”. Tình trạng buôn bán hàng lậu, hàng cấm, hàng giả càng phức tạp, nhất là đối với một số mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm. Theo thống kê của Ban Chỉ đạo 127 Trung ương (Ban Chỉ đạo Chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại Trung ương), từ đầu tháng 12/2012, nạn vận chuyển hàng hóa nhập lậu vào nội địa gia tăng mạnh, trung bình mỗi ngày lực lượng chức năng đã bắt giữ hàng chục vụ buôn lậu lớn, nhỏ với đủ các loại hàng hóa Tết, nhiều vụ có giá trị hàng tỷ đồng.
Trước thực trạng trên, các ngành chức năng cần siết chặt công tác thanh tra, kiểm soát thị trường để nhân dân yên tâm đón Tết vui tươi, phấn khởi.
Liên quan đến vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện triển khai công tác phục vụ dịp Tết. Thủ tướng yêu cầu phải tăng cường kiểm soát, chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại;... tăng cường quản lý giá, thanh tra, kiểm tra việc chấp hàng các quy định về giá và xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định của pháp luật.
Ban Chỉ đạo 127 Trung ương chịu trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc UBND các cấp, các lực lượng chức năng trung ương và địa phương tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát đẩy mạnh chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại, các vi phạm về chất lượng, đo lường, an toàn thực phẩm, nhất là đối với các mặt hàng, trên các địa bàn, tuyến đường trọng điểm, các tỉnh biên giới; xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật.
“Để kiểm soát chặt chẽ hàng giả, hàng nhái ở thị trường nội địa, hiện Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), đã tăng cường lực lượng kiểm tra, kiểm soát thị trường thời điểm trước, trong và sau tết Quý Tỵ. Bên cạnh việc đẩy mạnh kiểm tra ở các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh tại các chợ bán buôn, bán lẻ, các cửa hàng, các điểm trung chuyển hàng hóa, cảng, ga hàng không, đường sắt... Cục cũng đã chỉ đạo tới các Chi cục trên cả nước tăng cường nắm tình hình địa bàn, phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm; tăng tần suất kiểm tra các điểm nóng kinh doanh trái phép, điểm nóng buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại…” - Ông Đỗ Thanh Lam- Cục phó Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết.
Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng cho biết, Bộ đã và đang tích cực phối hợp để tăng cường quản lý chất lượng hàng hóa, đặc biệt là chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo đủ nguồn cung thực phẩm dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng….
Cùng với sự vào cuộc của các ngành chức năng, người dân cũng cần nêu cao tinh thần đấu tranh, tố giác những hành vi gian lân thương mại, kinh doanh trái phép. Đồng thời nâng cao ý thức cảnh giác và kiên quyết tẩy chay đối với những hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Điều quan trọng là mỗi người dân hãy chính là “những người tiêu dùng thông thái”.
Dương Thủy