Siết chặt quản lý, giám sát bảo hiểm xe máy

Siết chặt quản lý, giám sát bảo hiểm xe máy

Bảo hiểm xe máy góp phần đảm bảo an sinh xã hội

Theo Bộ Tài chính, bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới ra đời được đánh giá là một trong những giải pháp hữu hiệu thực hiện mục tiêu hỗ trợ một phần tài chính giúp cho chủ xe và người bị tai nạn khắc phục thiệt hại, ổn định cuộc sống khi không may xảy ra tai nạn giao thông, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Từ năm 1988, Chính phủ đã quy định loại hình bảo hiểm này là loại hình bảo hiểm bắt buộc. Theo số liệu báo cáo, sau 10 năm thực hiện Nghị định số 103/2008/NĐ-CP, chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đã giải quyết bồi thường bảo hiểm cho 593.658 vụ tai nạn giao thông, trung bình 9 triệu đồng/vụ trong đó có 101.214 vụ tai nạn xe máy, trung bình 5 triệu đồng/vụ.

Thực hiện chi 21,6 tỷ đồng cho tuyên truyền, giáo dục nhận thức của chủ xe và cộng đồng về an toàn giao thông. Hỗ trợ trên 90 tỷ đồng xây dựng 75 công trình đề phòng, hạn chế tổn thất như hệ thống biển báo giao thông, đường tránh, công trình hộ lan.

Hướng tới đơn giản hoá thủ tục bồi thường bảo hiểm

Kết quả thực hiện thời gian qua cũng cho thấy bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới vẫn còn những tồn tại, vướng mắc cả về chính sách và công tác tổ chức, triển khai thực hiện. 

Về khía cạnh hạn chế, ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) ghi nhận những phản ảnh gần đây của dư luận, nhất là tình trạng bán bảo hiểm xe máy không đúng quy định pháp luật (đại lý giảm giá, chiết khấu 30% cho khách hàng, thời hạn bảo hiểm xe máy 2 năm, công ty bảo hiểm từ chối bồi thường đối với bảo hiểm “vỉa hè”, bảo hiểm xe máy bán với giá 20.000 đồng/năm). Bên cạnh đó, hồ sơ bồi thường bảo hiểm còn có những khó khăn.

Ngay khi nhận được phản ánh của dư luận, Bộ Tài chính đã có văn bản (Công văn số 189/QLBH-PNT ngày 20/5/2020) yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm chủ động kiểm tra, rà soát việc triển khai bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới trong toàn hệ thống, đảm bảo thực hiện đúng theo quy định pháp luật.

Trường hợp có bằng chứng chứng minh doanh nghiệp bảo hiểm cho phép đại lý giảm giá các sản phẩm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ bị xem xét, xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 33 Nghị định số 103/2008/NĐ-CP ngày 16/9/2008 của Chính phủ.

Theo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, quy định hiện hành đã được xây dựng theo hướng quy định rõ các loại tài liệu cần phải thu thập để chứng minh rõ mức độ trách nhiệm dân sự (lỗi, mức độ thiệt hại) của chủ xe cơ giới đối với bên thứ ba nhằm đảm bảo quyền lợi của tất cả các bên, bao gồm chủ xe và doanh nghiệp bảo hiểm, hạn chế gian lận bảo hiểm và trục lợi chính sách. 

Tuy nhiên, để giảm bớt gánh nặng thủ tục cho chủ xe, người lái xe, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm cho phối hợp với chủ xe cơ giới, nạn nhân và các bên liên quan để thu thập hồ sơ bồi thường bảo hiểm; đặc biệt việc thu thập các tài liệu liên quan đến tai nạn giao thông từ các cơ quan có thẩm quyền (cảnh sát giao thông, cảnh sát điều tra) là trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm.

Hiện nay, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 103/2008/NĐ-CP. Theo đó đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về hồ sơ bồi thường bảo hiểm theo hướng giảm nhẹ gánh nặng thủ tục cho chủ xe, lái xe, tăng tính chủ động và trách nhiệm của các doanh nghiệp bảo hiểm trong việc thu thập hồ sơ bồi thường, rút ngắn thời gian tạm ứng bồi thường; mở rộng phạm vi và mức chi hỗ trợ bồi thường nhân đạo từ Quỹ bảo hiểm xe cơ giới….

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ