Siết chặt điều kiện tham gia bất động sản

Siết chặt điều kiện tham gia bất động sản

(GD&TĐ)-Bộ Xây dựng cho biết sẽ nâng cao hơn nữa điều kiện doanh nghiệp tham gia bất động sản, tập trung vào doanh nghiệp lớn, có tiềm năng và chuyên môn cao.

Hiện tại pháp luật mới chỉ quy định DN tham gia thị trường BĐS  cần có vốn pháp định 6 tỷ đồng (ảnh MH)
Hiện tại pháp luật mới chỉ quy định DN tham gia thị trường BĐS  cần có vốn pháp định 6 tỷ đồng (ảnh MH)

Theo đó, thời gian tới, Nhà nước sẽ hoàn thiện hệ thống luật pháp về nhà ở nói chung. Trong đó, bao gồm tất cả các bộ luật từ Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Bất động sản, các nghị định, quy định về trình tự thủ tục, vấn đề cải cách hành chính...

Hiện Luật Đất đai đang chuẩn bị sửa, đã có ban soạn thảo và có lộ trình sửa đổi luật. Các luật liên quan như Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư Nước ngoài…sẽ được điều chỉnh hàng loạt theo hướng hoàn thiện hơn nữa.

Cụ thể, luật sẽ điều chỉnh theo hướng nâng cao hơn nữa điều kiện tham gia vào thị trường bất động sản của các doanh nghiệp.

Hiện các doanh nghiệp tham gia vào thị trường bất động sản gần như không có điều kiện mà đây là thị trường tham gia có điều kiện. Chúng ta mới chỉ quy định sơ sài, vốn pháp định 6 tỷ đồng cũng có thể tham gia. Sắp tới luật sẽ nâng cao hơn nữa điều kiện tham gia thị trường bất động sản để tập trung vào các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp có tiềm năng và chuyên môn cao. Đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết.

Bên cạnh việc đề xuất quy định chặt chẽ điều kiện tham gia thị trường BĐS, tại hội thảo quốc tế đánh giá tác động của thị trường bất động sản (BĐS) lên thị trường tài chính Việt Nam ngày hôm qua (18/8), đại diện các cơ quan quản lý cho rằng Chính phủ bắt đầu có những động thái nới tín dụng BĐS để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, thông điệp đầu tiên là Chính phủ đã dùng từ “giảm tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng BĐS”, thay vì “giảm dư nợ tín dụng BĐS” và đồng ý đưa BĐS ra khỏi lĩnh vực phi sản xuất, tuy vẫn thuộc lĩnh vực được kiểm soát tín dụng.

Minh Duy

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ