Siết chặt bán lẻ xăng dầu ở vùng biên giới

Siết chặt bán lẻ xăng dầu ở vùng biên giới

(GD&TĐ)-Nhằm siết chặt quản lý bán xăng dầu tại khu vực biên giới, tránh buôn lậu diễn biến phức tạp như thời gian qua, Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư Hướng dẫn quản lý kinh doanh xăng dầu tại khu vực biên giới.

x
Quy định các đơn vị bán hàng phải bơm trực tiếp vào bình chứa chính, không bơm vào các dụng cụ chứa đựng khác nhằm hạn chế việc buôn lậu xăng dầu qua biên giới (ảnh MH)

Theo đó, thời gian bán xăng dầu của các cửa hàng bán lẻ tại khu vực biên giới được quy định từ 6 giờ đến 18 giờ hàng ngày. Trong trường hợp cần thiết, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có thể điều chỉnh thời gian bán xăng dầu để để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Thông tư quy định, trường hợp bán cho các đối tượng tiêu dùng có tổng giá trị thanh toán mỗi lần từ 200 nghìn đồng trở lên, cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại khu vực biên giới phải lập hóa đơn, ghi rõ tên, địa chỉ người mua xăng dầu.

Nếu khách hàng mua dưới 200 nghìn đồng, người bán không cần lập hóa đơn chứng từ; Lượng bán xăng, dầu tối đa cho mỗi phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, không được vượt quá 50 lít mỗi lần trong một ngày. Lượng tối đa cho đường thủy là 100 lít mỗi lần một ngày. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh được phép điều chỉnh tăng lượng bán xăng, dầu nhưng không quá 20% đối với từng loại phương tiện cụ thể và phải báo cáo với Bộ Công thương.

Khi bán lẻ xăng dầu cho phương tiện vãng lai nước ngoài, các đơn vị bán hàng phải bơm trực tiếp vào bình chứa chính, không bơm vào các dụng cụ chứa đựng khác, kể cả bình phụ chứa nhiên liệu gắn ở phương tiện. Các cửa hàng phải lập hóa đơn, ghi rõ biển kiểm soát của phương tiện. 

Thương nhân kinh doanh xăng dầu có cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại khu vực biên giới phải lập danh sách báo cáo Sở Công Thương. Trường hợp có sự thay đổi về cửa hàng bán lẻ về hình thức chủ sở hữu, nguồn xăng dầu cung ứng, ngừng kinh doanh dài hạn phải gửi báo cáo bổ sung về Sở Công Thương trong thời hạn 5 ngày kể từ thời điểm thay đổi.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/9/2011.

Theo báo cáo từ các cơ quan quản lý thị trường, Ban chỉ đạo 127, tuy  giá xăng dầu trong nước vừa được điều chỉnh tăng, nhưng hiện nay nạn xuất lậu xăng dầu ở khu vực biên giới Tây Nam giáp Campuchia vẫn diễn ra. Theo bà Đàm Thị Huyền - Phó TGĐ TCty Xăng dầu VN (Petrolimex) - từ cuối năm 2010, Trung Quốc đã có mặt bằng giá xăng dầu mới, Campuchia cũng có tới 3 – 4 lần điều chỉnh giá bán, trong khi giá xăng dầu nước ta phải giữ bình ổn, khiến mức chênh lệch ngày một lớn, là động lực thúc đẩy buôn lậu tại các vùng biên. Trước khi tăng giá bán lẻ trong nước, giá xăng dầu của nước ta thấp hơn khoảng  5.000 - 6.000 đồng/lít và hiện nay vẫn còn chênh lệch từ 2.000 - 3.000 đồng/lít.

Tình trạng xuất lậu xăng dầu diễn biến phức tạp, chủ yếu ở khu vực biên giới phía Tây Nam như Kiên Giang, An Giang, Long An, Tây Ninh, Đồng Tháp. Không chỉ xuất lậu bằng đường bộ, đường sông mà có đối tượng còn xuất lậu qua đường biển. Đối tượng tham gia xuất lậu xăng dầu chủ yếu là cư dân khu vực biên giới, với thủ đoạn giả người tiêu dùng mua xăng dầu vào can nhựa 5-10 lít, sau đó đổ vào can nhựa loại 30 lít hoặc túi nylon để vận chuyển sang biên giới bằng xe gắn máy, xe đạp thậm chí vác bộ sang bên kia biên giới.

Bên cạnh đó, một số tàu thuyền lợi dụng việc đánh bắt hải sản trên biển, chuyên chở hàng hóa qua biên giới cũng chở xăng dầu để xuất lậu. Một số thương nhân hai bên biên giới còn tổ chức thuê mướn cư dân biên giới vận chuyển xăng dầu qua biên giới với số tiền lãi từ 2.000 đồng - 3.000 đồng/lít. Mỗi ngày một người có thể vận chuyển từ 100 - 200 lít. 

Theo số liệu của Bộ Công Thương, số lượng xăng dầu bán ra trong 1 tháng của một cửa hàng khu vực biên giới khoảng 200.000 lít, tăng gấp 2 lần so với những tháng đầu năm do các hoạt động buôn lậu.

Thành Long

Hải Minh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ