(GD&TĐ) - Sau khi SGK điện tử Classbook ra mắt, nhiều ý kiến cho rằng hiện chưa thể phổ cập đến từng học sinh. Tuy nhiên, theo đánh giá của một số hiệu trưởng và các chuyên gia, SGK điện tử rất hữu ích với giáo viên, do đó nên trang bị cho thầy cô thiết bị mới này.
Học sinh THCS Thực nghiệm Hà Nội sử dụng thử Classbook trong một buổi học. Ảnh: Đ.T |
Dạy nhẹ nhàng - Học thích thú
Theo phân tích của PGS Văn Như Cương, SGK truyền thống chỉ có tác dụng để cho học sinh ghi nhớ, ôn tập, dựa vào đó, thầy giáo giảng bài. Mọi “thứ khác” phụ thuộc vào tài năng của nhà giáo. Còn với sách điện tử, có nhiều hỗ trợ, tích hợp được nhiều clip, hình ảnh sinh động giúp người thầy nhẹ nhàng hơn trong việc giảng dạy.
“Ví dụ trong sách văn học có bài đọc “Lão Hạc” thì SGK điện tử có cả đoạn phim nói về Lão Hạc, điều này SGK truyền thống hoặc giáo viên khó có thể làm được”, ông Cương nói.
Ngoài ra, theo ông Cương, sách điện tử còn giúp học sinh tiếp cận với một thư viện số hóa có nội dung phong phú, tính tương tác cao; qua đó, người học sẽ tiếp nhận các bài học trong sách giáo khoa một cách sống động và lý thú hơn. Từ đó khiến cho các giờ học trên lớp thú vị và giáo viên cũng nhẹ nhàng hơn trong việc giảng dạy.
Trao đổi với phóng viên về tính hữu ích của sách điện tử với giáo viên, cô Nguyễn Thu Dung - phụ trách Trung tâm ngoại ngữ Hili (Hà Nội) - cho biết: “Lần đầu tiên được giới thiệu về cuốn sách này mình đã thấy là mình nên mua vì nó hữu ích cho bản thân. Với tư cách là một giáo viên, mình có thể sử dụng SGK điện tử để lưu trữ tất cả tài liệu, sách giáo khoa cho giáo viên, bộ sách tham khảo đều có chung trong sản phẩm đó, tránh được việc mình phải mang vác rất nhiều loại sách đi, hoặc mình có thể xem, tra cứu bất cứ lúc nào rảnh rỗi. Chỉ 10 phút thôi cũng đã hữu ích lắm rồi”.
Sẽ khuyến khích giáo viên sử dụng nếu hữu ích
Mặc dù chưa sử dụng SGK điện tử, nhưng TS Nguyễn Thị Sơn - Hiệu trưởng trường THCS - THPT Duy Tân (TP Hồ Chí Minh) - cũng tỏ ra khá quan tâm tới SGK điện tử. Bà Sơn cho biêt, bà sẽ mua dùng thử sản phẩm này, nếu thấy thật sự hữu ích bà sẽ khuyến khích giáo viên và học sinh trường mình sử dụng.
Bà Sơn nói: “Theo đánh giá cảm quan, tôi nghĩ các em học sinh sẽ rất hứng thú với những hình ảnh, video…được tích hợp trong SGK điện tử. Điều này sẽ khiến giáo viên nhẹ nhàng hơn trong việc dạy học, vì các em sẽ tiếp thu nhanh hơn. Tôi sẽ mua thử một chiếc về sử dụng, nếu thấy thuận tiện và hữu ích tôi sẽ khuyến khích giáo viên và các em học sinh trong trường sử dụng”.
SGK điện tử: Xu thế của thời đại
Theo bà Nguyễn Thị Nghĩa – Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo, sự ra đời của SGK điện tử là hết sức cần thiết, phù hợp với chủ trương tăng cường giảng dạy, đào tạo và ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành giáo dục và phù hợp với xu thể thời đại.
“SGK điện tử là một thiết bị công nghệ thông tin hỗ trợ giáo dục, có nhiều tiện ích đối với giáo viên và học sinh, góp phần tích cực vào đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập hiện nay, nên nếu đưa vào nhà trường cũng là phù hợp với chủ trương trên của Bộ GD-ĐT”.
Theo đó, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đánh giá cao về những nội dung đa phương tiện, bổ sung các chức năng tương tác, tiện ích cho người dùng ở SGK điện tử. Tuy nhiên, hạn chế của SGK điện tử ở chỗ là các tính năng mở rộng này mới chỉ áp dụng cho một số môn học. Do đó, theo Thứ trưởng, NXB Giáo dục cần tiếp tục nghiên cứu và sản xuất SGK điện tử có khả năng tương tác tốt hơn.
Cũng đồng tình với những ưu việt của SGK điện tử, PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh nói: “Classbook là phương pháp học được khẳng định là tốt. Tôi ủng hộ việc sử dụng SGK điện tử, vì hiện nay, nước Mỹ, Pháp, Nhật, Hàn Quốc… đã sử dụng rộng rãi. Thậm chí ở Hàn Quốc người ta còn phát không sách cho học sinh”.
Theo vị PGS này, nếu được, nên khuyến khích sự giúp đỡ của nhà nước và các tổ chức, doanh nghiệp... để hỗ trợ cho học sinh.
Những tính năng được đánh giá là có tính tương tác, hỗ trợ nhiều cho người học và đặc biệt là khả năng tích hợp chương trình trong một chiếc máy nhỏ được kỳ vọng là sẽ không còn cảnh học sinh gù lưng với một đống sách vở đến trường. Tuy nhiên, việc trang bị cho giáo viên, học sinh hay không thì theo Thứ trưởng Nghĩa cần phải có thời gian thử nghiệm, nghiên cứu và đánh giá.
Nên trang bị SGK điện tử cho giáo viên Theo đề xuất của ông Ngô Trần Ái - Tổng Giám đốc NXB Giáo dục VN, Bộ GD&ĐT nên trang bị SGK điện tử cho tất cả các giáo viên. Ông Ái nói: “Hi vọng của những người làm SGK điện tử trước nhất sách phải đến được tay giáo viên. Đúng là sẽ có ý kiến cho rằng mức giá của sách chưa phù hợp để phổ cập đến từng học sinh. Song tôi nghĩ giáo viên cần được trang bị ngay thiết bị này. Vì nó thật sự hữu ích với thầy cô. Không quá khó nếu việc đầu tư cho thiết bị giáo dục mấy năm qua luôn ở mức nhiều ngàn tỉ đồng/năm dành một phần để trang bị Classbook cho thầy cô giáo”. |
PV