Sẽ xem xét lại mô hình hoạt động của Viện NCGD

Sẽ xem xét lại mô hình hoạt động của Viện NCGD

(GD&TĐ) - Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT do Thứ trưởng Trần Quang Quý dẫn đầu, đã có buổi làm việc với lãnh đạo trường ĐHSP TP HCM, Viện Nghiên cứu Giáo dục (ĐHSP TP.HCM) nhằm nắm tình hình thực hiện Nghị định số 115/2005/NĐ-CP ngày 05/9/2005 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập.

Theo PGS. TS Ngô Minh Oanh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục (NCGD): Ngày 14/11/1975, Phân viện khoa học GD miền Nam được thành lập. Năm 1976, Phân viện này trở thành Phân viện của Viện KHGD VN. Ngày 21/3/1991, Phân viện được cải tổ thành Viện NCGD&ĐT phía Nam thuộc Bộ GD&ĐT. Năm 1997, Viện sáp nhập vào Đại học Quốc gia TP HCM. Tháng 11/1999, Viện sáp nhập vào ĐHSP TP HCM... Hiện nay, Viện có 31 cán bộ - nghiên cứu viên - nhân viên với 19 người có trình độ sau ĐH (2 PGS TS, 2 TS, 4 nghiên cứu sinh, 14 thạc sĩ), có 4 Trung tâm NCGD, 1 Trung tâm Đánh giá & kiểm định chất lượng GD...

Thực hiện Nghị định 115 của Chính phủ, Viện NCGD đã tích cực phát triển thử nghiệm, tăng cường hoạt động NCKH ứng dụng, đưa các hoạt động NCKH gắn liền với thực tế hiện nay, để tìm các nguồn thu, thực hiện từng bước tự chủ một phần đến đa phần về tài chính. Từ 2006-2012, Viện đã và đang thực hiện 67 đề tài NCKHGD cấp Bộ cấp tỉnh - thành và cấp trường, trong đó có các dự án liên kết với nước ngoài.

Thứ trưởng Trần Quang Quý phát biểu tại buổi làm việc
Thứ trưởng Trần Quang Quý phát biểu tại buổi làm việc

Sau 7 năm thực hiện Nghị định 115, Viện NCGD nhận thấy còn nhiều chỗ chưa thật phù hợp và không thể vận dụng được. Khó khăn lớn nhất là nguồn thu từ hoạt động NCGD không đáng kể, do đó rất khó đủ sức đảm bảo tự chủ hoàn toàn tài chính cho Viện. Thứ hai, nguồn ngân sách đầu tư cho một đề tài NCKH hay một dự án quá ít, không đủ để tích luỹ. Viện NCGD nằm trong Trường ĐH SP TP HCM nên chức năng và phạm vi hoạt động hạn hẹp, cơ sở vật chất của Viện đã xuống cấp lớn và thiếu thốn đủ thứ. Những CB giỏi ít muốn về Viện công tác lâu dài. Viện không được đào tạo sau đại học và cấp chứng chỉ, nên không có nguồn thu hỗ trợ cho NCKH...

Sau khi nghe các phát biểu quan trọng tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Quang Quý cho biết, Bộ GD&ĐT biểu dương những đóng góp quan trọng của Viện NCGD hơn 36 năm qua đối với ngành GD&ĐT các tỉnh - thành phía Nam và đối vối Trường ĐHSP TP HCM.

Đồng thời, Thứ trưởng nhận định, nhân lực trình độ cao hiện nay của Viện còn mỏng, việc quảng bá kết quả hoạt động của Viện chưa mạnh. Sự phối hợp hoạt động của ba Viện (Viện KHGD VN thuộc Bộ GD&ĐT Viện NCSP thuộc Trường ĐHSP Hà Nội và Viện NCGD thuộc Bộ GD&ĐT) còn yếu. Viện NCGD cần chủ động hơn nữa trong việc tham gia đấu thầu các đề tài NCKH. Đề nghị Viện tập trung NC tâm - sinh lý học sinh phổ thông, NC nội dung - phương pháp GD kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên phía Nam, nhất là việc đổi mới - nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên.

Bộ GD&ĐT sẽ xem xét lại mô hình hoạt động của Viện NCGD, đảm bảo để Viện có cơ chế tự chủ tốt nhất theo định hướng của Nghị định 115 mà Chính phủ đã cho phép. Thứ trưởng Trần Quang Quý kết luận: Trước mắt, Viện NCGD vẫn thuộc Trường ĐHSP TP HCM quản lý, được ngân sách cấp để duy trì hoạt động (năm 2011 là 2,7 tỷ đồng, năm 2012 là 3 tỷ đồng).

Nhìn chung, các cán bộ - nghiên cứu viên của Viện NCGD đều có mong muốn Viện được nâng tầm, mở rộng vị thế hoạt động của mình, trở thành Viện NCGD độc lập phía Nam thuộc Bộ GD&ĐT. Có như vậy mới xứng đáng với bề dày truyền thống hơn 36 năm, Viện NCGD là đơn vị lớn nhất phía Nam về NCKHGD, đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng ba và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Đinh Lê Yên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ