Sẽ tăng quyền chủ động cho các trường trong xét tuyển

Sẽ tăng quyền chủ động cho các trường trong xét tuyển
Thí sinh làm bài thi ĐH kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2010. Ảnh: gdtd.vn
Thí sinh làm bài thi ĐH kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2010. Ảnh: gdtd.vn

Đó là một nội dung Bộ GD&ĐT trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Nguyễn Hồng Nhị (tỉnh Nghệ An).

Nội dung chất vấn:

1. Xã hội hóa giáo dục, huy động đóng góp của nhân dân để có nguồn lực đầu tư cho giáo dục là cần thiết, nhưng hiện nay chưa có chủ trương, văn bản để thực hiện công khai, minh bạch dẫn đến tình trạng lạm thu trong các nhà trường làm người dân bức xúc.

Để khắc phục tình trạng trên, Bộ đã, đang và sẽ tham mưu để Chính phủ có chủ trương giải quyết vấn đề trên như thế nào?

2. Tình hình tuyển mới đại học vừa qua chỉ đạt 6,8% (kế hoạch 12%). Thực tế có học sinh nhận được 4-5 giấy báo nhập học. Xin Bộ trưởng cho biết nguyên nhân của tình hình trên. Hướng khắc phục sắp tới ra sao?

Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau:

1. Để đảm bảo tính dân chủ, công khai, minh bạch trong việc quản lý và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân khi tham gia thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục, các Bộ đã có những văn bản hướng dẫn sau:

- Thông tư số 19/2005/TT-BTC ngày 11/3/2005 của Bộ Tài chính Hướng dẫn việc công khai tài chính đối với các quỹ có nguồn từ ngân sách nhà nước và các quỹ có nguồn từ các khoản đóng góp của nhân dân.

- Thông tư số 09/2009/TT-BGDĐT ngày 07/5/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân. Theo đó, hàng năm các trường phải công bố công khai việc thu, chi các nguồn kinh phí bao gồm cả nguồn thu của phụ huynh học sinh và nguồn xã hội hóa vào tháng 5, 9 và tháng 12 hàng năm ở nơi phụ huynh và học sinh có thể đọc dễ dàng được để người học và xã hội kiểm tra, giám sát, đánh giá.

Để tăng cường công tác quản lý, sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân khi tham gia thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục và chấn chỉnh tình trạng lạm thu ở các cơ sở giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn số 5956/BGDĐT-KHTC ngày 20/9/2010 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo việc kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục; Ngày 18/10/2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành công văn số 6890/BGDĐT-KHCT gửi các Sở Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn quản lý, sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện cho các cơ sở giáo dục và đào tạo. Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích các tổ chức, cá nhân có đóng góp tự đứng ra tổ chức thực hiện việc xây dựng, mua sắm, lắp đặt với sự thỏa thuận và hướng dẫn của nhà trường. Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo các cơ quan quản lý giáo dục ở địa phương kiểm tra tình hình thực hiện các hướng dẫn trên và sẽ kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm.

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với các địa phương để chỉ đạo, rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện theo tinh thần công văn số 6890/BGDĐT-KHTC ngày 18/10/2010.

2. Về vấn đề tuyển sinh đại học năm 2010

a) Về việc thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh đại học năm 2010

Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII, Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tấn, tỉnh Tiền Giang và Đại biểu Trịnh Tiến Long, tỉnh Bắc Kạn đã có ý kiến chất vấn Bộ Giáo dục và Đào tạo việc thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh đại học, cao đẳng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trả lời tại văn bản số 3152 và 3157/BGDĐT-VP ngày 04/6/2010 với nội dung:

Tuyển sinh đại học 4 năm qua, kết quả như sau:

2006

2007

2008

2009

Tổng cộng 4 năm

Chỉ tiêu Quốc hội duyệt về tuyển sinh ĐH,CĐ

(a)

268.389

366.660

427.105

502.461

1.564.615

Tuyển sinh thực tế (b)

284.979

354.194

439.064

481.866

1.560.103

b/a

106,3%

96,6%

102,8%

95,9%

99,71%

Qua bảng trên ta thấy: tỉ lệ tuyển sinh đại học, cao đẳng thực tế so với chỉ tiêu được Quốc hội duyệt (do Chính phủ trình Quốc hội) 4 năm qua theo xu hướng: Hai năm 2006 và 2008 vượt kế hoạch; Hai năm 2007 và 2009 không đạt chỉ tiêu kế hoạch; Tổng số sinh viên tuyển mới so với kế hoạch 4 năm đạt 99,71%.

Năm 2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xác định tuyển mới 514.496 chỉ tiêu (tăng 6,77% so với năm 2009).

Sau 3 đợt xét tuyển theo nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 và nguyện vọng 3, đến nay, các trường đại học, cao đẳng đang tổng hợp và báo cáo về Bộ số học sinh thực tế nhập học. Dự kiến đến giữa tháng 11/2010 sẽ có kết quả thực tuyển của các trường, từ đó sẽ xác định tuyển sinh năm 2010 đạt được bao nhiêu % so với kế hoạch xác định ban đầu.

Về nguyên nhân của việc không đạt chỉ tiêu kế hoạch tuyển sinh đại học, cao đẳng, xin được báo cáo như sau:

- Liên tục trong các năm vừa qua, từ 2006 đến 2010, chỉ tiêu tuyển sinh luôn liên tục tăng năm sau so với năm trước khoảng 10%. Trong khi đó, theo báo cáo điều tra dân số, thì dân số ở độ tuổi trung học phổ thông của nước ta những năm gần đây giữ ổn định, không tăng. Số học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông các năm 2007, 2008 và 2009 dao dộng trong khoảng 750 nghìn đến 850 nghìn; Do vậy, tốc độ tăng chỉ tiêu tuyển sinh của giai đoạn 2006-2010 là rất cao.

- Trong khi đó, những năm gần đây, trong hệ thống đào tạo của nước ta có thêm các trường trung cấp nghề, cao đẳng nghề, đã có tác dụng phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học phổ thông, giảm một phần sức ép vào các trường đại học, cao đẳng (và cả các trường trung cấp chuyên nghiệp).

- Bên cạnh đó, nhu cầu và nguyện vọng của học sinh dự thi đại học có sự phân hóa khá rõ: trong mấy năm gần đây học sinh chủ yếu thi vào các ngành Kinh tế, Tài chính-Ngân hàng, Kế toán, Quản trị kinh doanh; Trong khi đó, một số ngành nghề đào tạo như: Kĩ thuật, Công nghệ, Nông-Lâm không thu hút được sinh viên vào học.

- Mặt khác, chấp hành Nghị quyết giám sát của Quốc hội, để đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, Bộ GDĐT đã tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, thực hiện “3 công khai”; Các cơ sở không đảm bảo chất lượng thì không cho tuyển sinh và không giao chỉ tiêu tuyển sinh.

Do thực hiện “3 công khai”, trong đó có công khai điều kiện đảm bảo chất lượng, thí sinh và xã hội đã quan tâm nhiều hơn tới tình hình đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất của các nhà trường khi lựa chọn đăng ký vào học, do vậy, nhiều trường (chủ yếu trường ngoài công lập) không tuyển hết chỉ tiêu được xác định.

b) Về việc thí sinh có thể nhận 4-5 giấy báo nhập học

Như các năm gần đây, kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2010 hệ chính qui cũng được tổ chức theo 3 đợt thi: Đợt I: thi đại học khối A, V; Đợt II: thi đại học các khối B, C, D và các khối năng khiếu; Đợt III: thi cao đẳng.

Khi 1 thí sinh dự thi cả 3 đợt trên (thực tế rất ít), nếu không trúng tuyển nguyện vọng 1 vào trường đã dự thi, nhưng có kết quả thi đạt điểm sàn đại học, cao đẳng trở lên, thì sẽ nhận được tối đa là 6 Giấy chứng nhận kết quả thi đại học, cao đẳng (4 giấy đại học và 2 giấy cao đẳng) do trường tổ chức thi cấp. Thí sinh sử dụng các Giấy chứng nhận này để tham gia đăng kí xét tuyển NV2, NV3 vào các trường đại học, cao đẳng. Nếu có, thì tối đa thí sinh sẽ nhận được 6 giấy triệu tập trúng tuyển đại học, cao đẳng cho cả 2 đợt xét tuyển theo nguyện vọng 2 và 3.

Bên cạnh đó, trong thực tế, qua thông tin trên mạng, có được các kết quả của thí sinh dự thi, một số trường ngoài công lập đã gửi giấy thông báo cho thí sinh đủ điều kiện xét tuyển vào các trường, nhưng nếu thí sinh nhập học vẫn phải nộp Giấy chứng nhận kết quả thi.

Để tuyển sinh đạt chất lượng và đảm bảo chỉ tiêu, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ sửa Quy chế tuyển sinh theo hướng xác định rõ các nguyên tắc để đảm bảo chất lượng và tăng quyền chủ động cho các trường trong việc xét tuyển.

Bộ GD&ĐT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ