Sẽ sớm thành lập tổ tư vấn tâm lí trong tất cả các trường học

GD&TĐ - Việc xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện và phòng chống bạo lực học đường là mối quan tâm hàng đầu của các trường học, cơ sở giáo dục trong năm học mới 2019-2020.

Học sinh Trường THCS Chu Văn An (Hà Nội) đến phòng tham vấn tâm lý đọc sách kỹ năng sống.
Học sinh Trường THCS Chu Văn An (Hà Nội) đến phòng tham vấn tâm lý đọc sách kỹ năng sống.

Trong đó, nếu làm tốt công tác tư vấn tâm lí sẽ góp phần hạn chế những vấn đề, vụ việc tiêu cực gây nhức nhối xã hội như bạo lực học đường, hay hệ lụy xảy ra khi học sinh ứng xử không chuẩn mực.

Quy định cụ thể về tổ tâm lí học đường

Ông Bùi Văn Linh - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục chính trị và Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT) cho biết: Để triển khai Nghị định 80 của Chính phủ Quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường, Bộ GD&ĐT đã ban hành 2 văn bản quan trọng là Thông tư 31 hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho HS trong trường phổ thông và Thông tư 33 hướng dẫn công tác xã hội trong trường học.

Trong thông tư 31 đã quy định nhà trường có Tổ tư vấn, hỗ trợ HS và bố trí cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm để thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho HS. Thành phần/ Tổ tư vấn, hỗ trợ HS gồm đại diện lãnh đạo nhà trường cũng các cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn tâm lý, nhân viên y tế trường học, cán bộ, giáo viên phụ trách công tác Đoàn, Đội, đại diện CMHS và một số HS là cán bộ lớp, cán bộ Đoàn, Đội.

Mục đích của tổ tư vấn tâm lí là phòng ngừa hỗ trợ can thiệp khi cần thiết đối với HSSV đang gặp khó khăn về tâm lí trong học tập và cuộc sống để tìm hướng giải quyết, giảm thiểu các tác động tiêu cực có thể xảy ra. Tiếp theo là hỗ trợ HSSV rèn luyện kĩ năng sống, tăng cường ý chí, niềm tin, bản lĩnh, thái độ ứng xử phù hợp trong các mối quan hệ XH, rèn luyện  sức khỏe thể chất tinh thần, xây dựng và hoàn thiện nhân cách.

Thông tư 31 cũng quy định các trường bố trí không gian riêng, phòng riêng để tư vấn cho các em, dùng các biện pháp hình thức khác nhau để tư vấn. Ví dụ đăng trên mạng hoặc trên các chuyên trang các vấn đề chung cho HS như phương pháp học tập, làm sao để cải thiện kết quả học tập... Còn những vấn đề tư vấn riêng tư các em sẽ đến gặp gỡ các chuyên gia, các thầy cô tư vấn.

Khi thông tư được ban hành, Bộ GD&ĐT đã giao cho các đơn vị chức năng để xây dựng chương trình bồi dưỡng cho giáo viên tư vấn tâm lí. Hiện nay lãnh đạo Bộ đã kí ban hành phê duyệt chương trình bồi dưỡng này. Bộ cũng đã rà soát cấp phép giao nhiệm vụ cho 20 cơ sở GD đại học có chuyên ngành về tâm lí giáo dục bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên tại các tỉnh cấp chứng chỉ theo đúng quy định của Bộ.

Trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với các NXB để biên soạn, thẩm định các bộ sách thực hành tâm lí dành cho cấp tiểu học, THCS. Hiện nay đã hoàn thiện được các tài liệu từ lớp 1 đến lớp 9.  Đến tháng 8/2019 đã có 33/63 tỉnh đã tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên tư vấn tâm lí và cấp chứng chỉ. Ngoài việc bồi dưỡng để cấp chứng chỉ, Bộ phối hợp với các tổ chức quốc tế bồi dưỡng thường xuyên nâng cao nghiệp vụ cho các thầy cô tham gia công tác tư vấn tâm lí.

Cùng với thông tư 31, Bộ đã ban hành Thông tư 16 hướng dẫn khung vị trí việc làm, trong đó quy định Tư vấn tâm lí là nhiệm vụ kiêm nhiệm của giáo viên, quy định thời lượng, định mức giờ của tổ tư vân tâm lí đấy. Theo đó mỗi giờ tư vấn sẽ được quy đổi thành từ 3 đến 8 tiết dạy để tính cho các thầy cô tham gia, phụ thuộc vào quy mô của trường, vùng miền. Có thể nói đây là bước đi dài trong việc chuyên nghiệp hóa công tác tư vấn tâm lí.

Học sinh rất cần được tư vấn tâm lí
Học sinh rất cần được tư vấn tâm lí

Cơ bản các trường đã thành lập tổ tư vấn tâm lí

Theo phân tích nghiên cứu của các tổ chức tư vấn tâm lí học đường quốc tế về mặt khoa học thì việc tổ chức hoạt động tư vấn có 3 chức năng: hỗ trợ, phòng ngừa và can thiệp.

Hỗ trợ phòng ngừa là cho số đông HS khi trang bị các kĩ năng sống để vượt qua khó khăn. Can thiệp thì thường có một bộ phận ít, ví dụ như các em trầm cảm tự kỉ hoặc có vấn đề về xung đột trong bạn bè, số đấy chiếm khoảng 3-4%. Thực tế có thể trường này ít trường kia nhiều.

Ông Bùi Văn Linh nhấn mạnh: Có thể đánh giá, Thông tư 31 đi vào cuộc sống rất nhanh, đảm bảo nội dung ở tất cả các nội dung, từ tổ chức bộ máy, chế độ chính sách, xây dựng tài liệu, sự tham gia của các trường đại học trong việc xây dựng tài liệu, bồi dưỡng tập huấn cho các thầy cô giáo. Ngoài ra còn kể đến sự tham gia của các tổ chức quốc tế cung cấp các kinh nghiệm để làm hiệu quả hơn công tác tư vấn tâm lí cho các trường.

Phần này công tác tư vấn tâm lí sẽ liên hệ với các chuyên gia được đào tạo bài bản tại các trung tâm ngoài xã hội kể cả các bệnh viện chuyên ngành về thần kinh để phối hợp cùng gia đình hỗ trợ can thiệp.

Những trường hợp cá biệt như vậy thì có ca theo dõi và có sự đồng thuận phối hợp với gia đình. Đây là nội dung giúp đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần của HS tốt hơn giúp họ hoàn thiện được nhiệm vụ học tập trong quá trình học tập tại các trường.

Việc thành lập tổ tư vấn tâm lí ở các trường hiện nay ở tất cả các tỉnh đã nhận được sự quan tâm rất lớn của các Sở, các Phòng đã chỉ đạo. Thống kê chưa đầy đủ hiện nay cơ bản các trường đã thành lập được tổ tư vấn tâm lí.

Tuy nhiên, việc triển khai thành lập các tổ tư vấn tâm lí cũng gặp nhiều khó khăn, trong đó có điều kiện phòng ốc thiếu thốn. Bộ cũng đã mở ra 2 hướng để khắc phục, đó là có phòng tư vấn riêng hoặc không gian tư vấn riêng. Không gian có thể nằm trong phòng. Chỗ nào có điều kiện thì sẽ bố trí một phòng riêng, bố trí lịch để tiếp đón vào đầy đủ các giờ trong ngày.

Việc thành lập tổ tư vấn tâm lí sẽ trang bị tốt kĩ năng sống cho HS, kịp thời nắm bắt những khó khăn của HS, giúp cho các nhà trường sẽ kịp thời xử lí. Những mâu thuẫn của HS được giải quyết kịp thời sẽ giúp giảm thiểu việc xảy ra BLHĐ. Đây là hướng đi mạnh mẽ của Bộ nhằm góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng chống BLHĐ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ