Theo Tờ trình của Chính phủ, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm chỉ sửa đổi, bổ sung những nội dung quan trọng để giải quyết các vấn đề bức thiết nhất, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, nhằm phát triển thị trường này ổn định; đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho đối tượng thi hành luật. Dự thảo Luật bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về việc cho phép cung cấp dịch vụ qua biên giới; phân loại nghiệp vụ bảo hiểm thành 3 loại hình gồm: nhân thọ, hưu trí tự nguyện và phi nhân thọ, chăm sóc sức khỏe; sửa đổi theo hướng cho phép áp dụng Luật Kinh doanh bảo hiểm khi có quy định của Luật khác về cùng một nội dung liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Bảo hiểm là một ngành kinh doanh đặc thù cần được luật hóa rõ ràng. |
Thẩm tra sơ bộ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền nêu rõ: về cơ bản các quy định của Luật hiện hành đang phù hợp với những yêu cầu của hoạt động kinh doanh bảo hiểm, tạo điều kiện cho phát triển nhanh cả về số lượng và quy mô của doanh nghiệp. Tuy nhiên, do hoạt động cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới có liên quan đến việc chuyển tiền tệ từ trong nước ra nước ngoài thông qua thanh toán phí bảo hiểm, cũng như dòng tiền từ nước ngoài vào Việt Nam thông qua thanh toán bồi thường tổn thất, nên Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị: Chính phủ cần sớm xây dựng các điều kiện cung cấp dịch vụ này để tránh thất thoát ngoại tệ và thất thu thuế. Hiện nay nhiều Tổng công ty, Tập đoàn kinh tế thành lập các công ty bảo hiểm và thực hiện kinh doanh bảo hiểm nội bộ doanh nghiệp đã làm giảm tính cạnh tranh hoặc gây ra hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh. Do vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị cần bổ sung các quy định về việc hình thành, hoạt động của loại hình doanh nghiệp bảo hiểm này.
Các Ủy viên UBTVQH cơ bản tán thành với nhiều nội dung được chỉnh sửa, bổ sung trong dự thảo Luật. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị Ban soạn thảo làm rõ: Vì sao chỉ sửa đổi 15 nội dung, nhưng lại có đến 4 nội dung quan trọng được giao Chính phủ hướng dẫn thi hành? Trong khi đó, để hạn chế tình trạng doanh nghiệp bảo hiểm lẩn tránh trách nhiệm với người mua như hiện nay, các nội dung này cần được quy định cụ thể ngay trong Luật.
Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng cho rằng, nội dung nào có thể quy định cụ thể cần cố gắng đưa vào dự thảo Luật, chỉ trong trường hợp bất đắc dĩ mới giao Chính phủ ban hành hướng dẫn thi hành. Một số Ủy viên UBTVQH đề nghị, Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu để quy định cụ thể tiêu chí, định mức, tỷ lệ tái bảo hiểm khi được nhượng lại; các loại hình bảo hiểm; điều kiện cấp phép… nhằm vừa giúp thị trường bảo hiểm phát triển ổn định, vừa bảo vệ quyền lợi của người dân.
Nhiều Ủy viên UBTVQH đề nghị, Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu để bổ sung quy định về thành lập, sử dụng và cơ chế an toàn cho Quỹ bảo vệ cho người mua bảo hiểm. Bởi nếu doanh nghiệp phá sản thì quỹ này sẽ được sử dụng theo quy định của Luật Phá sản, khó có thể bảo vệ quyền lợi của người mua bảo hiểm. Như vậy, để bảo vệ quyền lợi cho người mua bảo hiểm thì cần có một cơ quan khác thực hiện trách nhiệm này, không thể trông chờ vào ý thức của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm. Hơn nữa, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba cho rằng, thời gian qua, nhiều Luật đã ban hành đều có quy định về việc thành lập quỹ, nhưng đến nay hiệu quả sử dụng, tính khả thi hay có khó khăn gì cho doanh nghiệp khi phải lập thêm các quỹ trích lập từ doanh thu đều chưa được tổng kết.
Quang Anh