Sẽ còn 4 - 5 cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến Việt Nam

GD&TĐ - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn (KTTV) Trung ương, ngày 11/7, dải hội tụ nhiệt đới nối với vùng áp thấp lúc 1 giờ sáng có vị trí ở khoảng 17,5 - 18,5 độ vĩ Bắc; 110,5 - 111,5 độ kinh Đông, nằm ở ngay trên vùng biển phía bắc quần đảo Hoàng Sa.

Năm 2018 sẽ tiếp tục ghi dấu ấn về sự thất thường của mưa bão
Năm 2018 sẽ tiếp tục ghi dấu ấn về sự thất thường của mưa bão

Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp chưa có dấu hiệu mạnh lên và có xu hướng dịch chuyển chậm về phía Tây. Cảnh báo, trong khoảng ngày 12 - 13/7, dải hội tụ nhiệt đới tiếp tục hoạt động mạnh, vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, di chuyển hướng về phía Vịnh Bắc Bộ.

Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới nối với vùng thấp kết hợp với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên trong ngày và đêm nay, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa); khu vực giữa và Nam biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan tiếp tục có mưa dông mạnh. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.

Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới kết hợp với gió mùa Tây Nam tiếp tục hoạt động mạnh nên từ nay đến ngày 12/7, ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và dông mạnh. Trong cơn dông có khả năng xảy ra tố, lốc và gió giật mạnh.

Trước đó, vào ngày 10/7, khi thông tin về tình hình thời tiết 6 tháng cuối năm, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương, cho biết, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) trên khu vực Biển Đông ít hơn năm 2016 và 2017 cả về số lượng và cường độ. 6 tháng cuối năm, nước ta chịu ảnh hưởng từ 12 - 13 cơn bão, trong đó có 4-5 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền.

Theo dự báo, hiện tượng ENSO nhiều khả năng sẽ chuyển sang trạng thái trung tính từ khoảng tháng 6 và duy trì trạng thái này cho đến hết năm 2018. Sẽ có khoảng 12 -13 cơn bão và ATNĐ hoạt động trên Biển Đông và khoảng 4 - 5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Thời kỳ đầu mùa, bão và ATNĐ có xu hướng xuất hiện nhiều hơn so với TBNN ở khu vực phía Bắc Biển Đông và xu hướng sẽ dịch dần về phía nam Biển Đông trong những tháng cuối năm 2018. Bão và ATNĐ có khả năng ảnh hưởng nhiều hơn tới khu vực Trung Bộ. Các thiên tai KTTV khác vẫn có khả năng diễn biến phức tạp, khó lường.

Để sẵn sàng chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra và giảm thiểu thiệt hại, định hướng công tác 6 tháng cuối năm 2018 Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phân công cụ thể trách nhiệm và sự phối hợp giữa các đơn vị trong Bộ.

Cụ thể, đầu tư phát triển công nghệ quan trắc, ứng dụng công nghệ dự báo hiện đại nhằm nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai, đặc biệt là các thiên tai xuất hiện nhanh, quy mô vừa và nhỏ. Đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, nhất là trong công tác quan trắc, cảnh báo sớm; xây dựng các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống quan trắc, giám sát, cung cấp dịch vụ về KTTV…

Bên cạnh đó, chỉ đạo, hướng dẫn triển khai, kiểm tra, giám sát thực hiện các Bộ cũng sẽ chú trọng đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cành báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam”, làm cơ sở cho việc quy hoạch sắp xếp ổn định dân cư, sơ tán, di dời dân cư khỏi vùng thiên tai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thái Nguyên khai mạc Mùa du lịch năm 2024.

Thái Nguyên khai mạc năm du lịch 2024

GD&TĐ - Ngày 25/4, tại Khu du lịch Hồ Núi Cốc, UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức Khai mạc du lịch năm 2024 với chủ đề “Từ trải nghiệm tới trái tim”.