(GD&TĐ)-Để có một chương trình tổng thể về giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên (HSSV), hiện tại Bộ GD&ĐT đang nghiên cứu, xây dựng Đề án Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV nằm trong nhóm các giải pháp thực hiện Chiến lược quốc gia về thanh niên giai đoạn 2011-2020 nhằm huy động các nguồn lực xã hội và phân công rõ trách nhiệm của các bộ, ngành và địa phương để thực hiện tốt công tác này.
Sinh viên rạng rỡ trong ngày tốt nghiệp. Ảnh: gdtd.vn |
Phần lớn HSSV hiện nay đều có ý thức tốt về tư tưởng chính trị, tích cực, chủ động trong các hoạt động học tập, rèn luyện tại nhà trường, gia đình và xã hội. Tuy nhiên, thực trạng về đạo đức, lối sống trong một bộ phận nhỏ HSSV vẫn còn nhiều vấn đề đáng lo ngại.
Tình trạng HSSV đánh nhau, vi phạm pháp luật có nhiều dấu hiệu ngày càng phức tạp cả về tính chất, mức độ lẫn sự nghiêm trọng của các vụ án. Ngoài việc vi phạm pháp luật hình sự, tình trạng HSSV vi phạm pháp luật hành chính, có những hành vi lệch chuẩn về đạo đức, lối sống như vi phạm Luật Giao thông đường bộ, uống rượu say đến mức bê tha, sống thử, nghiện game, sống hưởng thụ, lười lao động và học tập, không dám đấu tranh với biểu hiện sai trái, thơ ơ vô cảm, thiếu kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp,…cũng là vấn đề đáng báo động, gây lo lắng cho gia đình và xã hội.
Nhận thức được vai trò quan trọng trong việc giáo dục, hình thành nhân cách của thế hệ trẻ, trong thời gian qua, ngành Giáo dục đã có nhiều giải pháp đổi mới về nội dung, phương pháp giáo dục đạo đức, lối sống HSSV cả trong các môn học chính khóa và các hoạt động ngoài giờ lên lớp. Đồng thời đã chủ động phối hợp và huy động sức mạnh của toàn xã hội cùng tham gia giáo dục HSSV.
Sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội đã được thực hiện tương đối hiệu quả, giúp các em nâng cao khả năng tự nhận thức, tự giáo dục, tự rèn luyện mình. Bên cạnh đó, còn kịp thời phát hiện và điều chỉnh những hành vi biểu hiện lệch lạc về tư tưởng, đạo đức, lối sống của HSSV.
Một số giải pháp cụ thể đã và đang được Bộ GD&ĐT chỉ đạo thực hiện trong các nhà trường hiện nay có thể kể đến việc đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy các môn học chính khóa. Bộ GD&ĐT đã triển khai việc đánh giá nội dung, chương trình và hướng dẫn các nhà trường đẩy mạnh việc đổi mới phương pháp giảng dạy các môn học Đạo đức, Giáo dục công dân và môn Pháp luật cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Bộ đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong các nhà trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân” và triển khai thực hiện từ năm 2010. Từ học kỳ II năm học 2009 – 2010, Bộ GD&ĐT triển khai việc tích hợp giảng dạy nội dung “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” vào nhà trường từ cấp học mầm non, tiểu học, phổ thông đến các trường trung cấp chuyên nghiệp (đối với sinh viên các trường đại học, cao đẳng đã học thông qua giáo trình môn Tư tưởng Hồ Chí Minh).
Ngoài ra, việc tăng cường các hoạt động giáo dục ngoại khóa, ngoài giờ lên lớp cũng được tích cực triển khai. Theo đó, cùng với việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh thông qua các môn học chính khóa, Ngành Giáo dục rất chú trọng thực hiện công tác này thông qua các hoạt động ngoại khóa, ngoài giờ lên lớp. Bộ GD&ĐT đã ban hành và có hướng dẫn chi tiết thực hiện chương trình giáo dục ngoài giờ lên lớp, được thực hiện hàng năm phù hợp với trình độ của học sinh theo từng chủ đề, thời gian cụ thể. Hình thức tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp được các nhà trường thực hiện sinh động, phong phú như: tọa đàm, biểu diễn tiểu phẩm, đố vui,..., tạo không khí thi đua với các tập thể lớp và phát huy tính chủ động, tích cực của học sinh tham gia.
Song song với hai biện pháp trên, Phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” tiếp tục được đẩy mạnh. Phong trào thi đua nhằm xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện, phát huy tính tích cực của học sinh trong học tập, rèn luyện và chủ động tham gia các hoạt động xã hội; rèn luyện kỹ năng sống và định hướng nghề nghiệp cho học sinh; tăng cường giáo dục cho học sinh ý thức, thái độ học tập chủ động, nghiêm túc. Huy động và tạo điều kiện để có sự tham gia hoạt động đa dạng và phong phú của các tổ chức, cá nhân trong việc giáo dục văn hóa, truyền thống lịch sử, cách mạng cho học sinh.
Từ năm học 2010-2011, Bộ GD&ĐT đã hoàn thiện bộ tài liệu hướng dẫn “Giáo dục kỹ năng sống trong một số môn học và hoạt động giáo dục” và chỉ đạo giảng dạy tích hợp, lồng ghép trong các môn học chính khóa và các hoạt động ngoại khóa nhằm rèn luyện cho học sinh kỹ năng ứng xử hợp lý với các tình huống xảy ra trong cuộc sống, rèn luyện kỹ năng ứng xử văn hóa, chung sống thân thiện, phòng ngừa bạo lực và các tệ nạn xã hội. Bộ đã tổ chức tập huấn giáo viên cốt cán trên toàn quốc về việc sử dụng và triển khai bộ tài liệu trong các nhà trường. Hiện tại, Bộ GD&ĐT đang hoàn thiện bộ công cụ đánh giá và biên soạn tài liệu hướng dẫn giáo viên tổ chức thực hiện việc đánh giá về kỹ năng sống của học sinh.
Bộ GD&ĐT cũng đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành và các tổ chức đoàn thể trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự trường học và giáo dục toàn diện học sinh.
Ngày 20/11/2009, Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Công an ký kết Thông tư liên tịch số 34/2009/TTLT-BGDĐT-BCA hướng dẫn phối hợp giữa hai ngành trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; Phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh ban hành Nghị quyết liên tịch số 32/2008/NQLT/BGDĐT-TWĐ về tăng cường giáo dục toàn diện và đẩy mạnh các hoạt động Đoàn, Hội, Đội trong các nhà trường; Bộ GD&ĐT đã ban hành Chỉ thị số 71/2008/CT-BGDĐT về việc tăng cường phối hợp giữa nhà trường với gia đình và xã hội trong công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em, HSSV; Ký kết chương trình phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Khuyến học Việt Nam triển khai phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” giai đoạn 2008 -2013.
Hải Bình