(GD&TĐ) - Giá sàn mua cá tra nguyên liệu định hướng do Hội Nghề cá Việt Nam (VINAFIS) chủ trì phối hợp với Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) và các hội nghề nghiệp có liên quan xây dựng đề xuất và công bố sau khi được Ban Chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng đồng bằng sông Cửu Long chấp thuận.
Đây là nội dung nằm trong dự thảo Nghị định về sản xuất và tiêu thụ cá tra đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và sẽ trình Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới.
Giá sàn thu mua cá nguyên liệu đảm bảo người nuôi có lợi nhuận 5% |
Theo đó, giá sàn mua cá tra nguyên liệu định hướng được xây dựng dựa trên các yếu tố chi phí đầu vào, bao gồm: giống, thức ăn, thuốc, chế phẩm, nhân công, các khoản thuế, phí và các chi phí hợp lý khác trong quá trình nuôi cá và tối thiểu 5% lợi nhuận của người nuôi.
Trong trường hợp giá mua cá tra nguyên liệu trên thị trường bằng hoặc cao hơn giá sàn cá tra nguyên liệu định hướng, Nhà nước không can thiệp. Tuy nhiên, khi giá mua cá tra nguyên liệu trên thị trường thấp hơn giá sàn cá tra định hướng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Hội ngành nghề có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp điều tiết cụ thể để duy trì giá mua cá tra nguyên liệu trên thị trường không thấp hơn giá sàn mua cá tra định hướng.
Theo ông Nguyễn Việt Thắng, chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam (VINAFISH), mức lợi nhuận tối thiếu 5% chưa giúp người nuôi cá tra tiếp tục đầu tư trong vụ tiếp theo, đặc biệt trong bối cảnh lãi suất ngân hàng ở mức 18-20% như hiện nay. Tuy nhiên, lợi nhuận này sẽ giúp người nuôi vẫn duy trì được khả năng tái sản xuất để tránh trường hợp người nuôi cá treo ao trong thời gian qua vì lỗ vốn.
Về điều kiện nuôi cá tra, dự thảo nêu rõ: Cơ sở nuôi cá tra phải nằm trong quy hoạch chi tiết được UBND tỉnh phê duyệt hoặc chấp thuận; Các cơ sở này phải áp dụng Quy chuẩn thực hành nuôi cá tra tốt (VIETGAP) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành; khuyến khích các cơ sở nuôi cá tra áp dụng các chứng chỉ thực hành nuôi tiên tiến như Globall GAP, ASC, SQF...; Đối với các cơ sở nuôi tập trung có quy mô diện tích mặt nước từ 01 ha (một) trở lên phải có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với nhà máy chế biến; đối với cơ sở nuôi có quy mô diện tích mặt nước từ 03ha (ba) phải có cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật và nhân viên đảm bảo các yêu cầu về trình độ nghiệp vụ, chuyên môn về nuôi trồng thủy sản.
Ngoài ra, các cơ sở nuôi cá tra có quy mô từ 1ha trở lên phải đăng ký sản lượng cá tra nuôi với cơ quan thẩm quyền tại địa phương là: Chi cục Nuôi trồng thủy sản/thủy sản hoặc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nơi không có Chi cục Nuôi trồng thủy sản/thủy sản).
Thành Công