Tín hiệu được phát ra từ hai phía
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã sẵn sàng gặp đồng cấp Iran. Ông Trump nói điều này khi đang ở Pháp. Trong cuộc họp báo cuối cùng, Tổng thống Mỹ đã nhận xét: “Nếu điều kiện phù hợp, tất nhiên tôi đồng ý (gặp), nhưng họ (Iran) phải là những đối tác tốt”.
Theo Tổng thống Mỹ, nếu Tehran tiếp tục chính sách đối ngoại của mình như vừa qua, “nó sẽ được đáp trả bởi một sức mạnh thực sự tàn bạo”. Tuy nhiên, ông Trump không loại trừ khả năng các cuộc đàm phán cấp cao có thể diễn ra trong tương lai gần. Khi được hỏi: Liệu có xem xét ý tưởng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về việc tổ chức một hội nghị thượng đỉnh trong những tuần tới, người đứng đầu Nhà Trắng đã trả lời bằng một câu khẳng định.
Nghịch lý thay, tuyên bố của ông Donald Trump nhận được sự chấp thuận gián tiếp từ Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Nhà lãnh đạo Iran tuyên bố rằng, ông không phải là người chống lại cuộc gặp (với Tổng thống Mỹ) nếu điều đó sẽ góp phần vào sự phát triển kinh tế của Cộng hòa Hồi giáo. Nhận xét về cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif với các nhà ngoại giao Pháp bên lề thượng đỉnh G-7 vào ngày 25/8, ông Rouhani cho rằng, tất cả các phương tiện phải được sử dụng để bảo vệ lợi ích quốc gia.
Những rào cản khó vượt qua
Theo các nguồn tin từ phe đối lập Iran, chuyến tham dự cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G-7 ở Biarritz (Pháp) của Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif không thể diễn ra nếu không có sự chấp thuận của Lãnh đạo tối cao Ali Khamenei. Tuy nhiên, hiện vẫn không rõ liệu ông Khamenei có đồng ý tổ chức các cuộc đàm phán giữa Tổng thống Mỹ và Tổng thống Iran hay không. Một cuộc đàm phán như vậy có thể diễn ra bên lề cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York vào tháng Chín tới.
Tuy nhiên, ông Zarif và Rouhani, những người được coi là thành viên cùng một phe cải cách ở Iran lại phát đi những tín hiệu hoàn toàn khác nhau. “Trong chuyến đi tới Biarritz, tôi đã nói rằng, cuộc gặp giữa Tổng thống Iran và Mỹ là không thể trước khi Hoa Kỳ trở lại định dạng 5 +1 (5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức) và tuân thủ thỏa thuận hạt nhân”, Ngoại trưởng Iran khẳng định và nhấn mạnh thêm: Cho đến khi điều này chưa xảy ra, các cuộc đàm phán song phương sẽ không được tiến hành.
“Quan điểm của chúng tôi rất rõ ràng: Hoa Kỳ đã phá hủy hiệp ước - kết quả của các cuộc đàm phán kéo dài giữa các nước, vì vậy việc thực hiện các thỏa thuận trong quá khứ là cần thiết” - ông Zarif nói.
Không có lý do để tin rằng ý tưởng đàm phán trực tiếp với lãnh đạo Iran sẽ được chào đón bằng một tràng vỗ tay ở Washington.
Bình luận về điều này trên kênh truyền hình Fox News, cựu thành viên đảng Cộng hòa và là cựu phát ngôn viên của Tổng thống George W. Bush, Ari Fleisher khẳng định: “Tôi không tin Iran. Tôi tin tưởng chính quyền Trump. Không ai đặt Iran vào vị trí của nó như chính quyền Trump. Nhưng tôi thấy thật đáng lo ngại khi Tổng thống Hoa Kỳ sẽ gặp Tổng thống Iran”.
“Tôi đã quyết định thay mặt Pháp mời Bộ trưởng Zarif. Và sau đó, trước khi thực hiện điều này, tôi đã thông báo cho Tổng thống Trump rằng tôi có một ý tưởng như vậy và nó không liên quan đến Hoa Kỳ trong việc này” - ông Macron bình luận về sự xuất hiện của Ngoại trưởng Iran ở Biarritz.
Các nhà phân tích cho rằng, tuyên bố của ông Trump không có gì mới. Rõ ràng Tổng thống Mỹ muốn buộc Iran phải đối thoại theo cách riêng của mình và chỉ cần định kỳ nhắc nhở người Iran về điều này sau một vòng áp lực khác đối với họ - ông Nikolai Kozhanov, Phó Giáo sư của Đại học Qatar giải thích.
“Do đó, để nói rằng đây là một cái gì đó đột phá và bất thường là không thể. Tổng thống Rouhani sẽ chấp nhận lời mời này? Tôi nghĩ là không. Hiện tại, các điều kiện do Hoa Kỳ đưa ra là không thể chấp nhận được đối với Iran. Thêm vào đó, ở trong nước, ông Rouhani thực sự cạn kiệt các khoản tài chính cho bất kỳ cuộc đàm phán nào với người Mỹ. Hơn nữa, câu hỏi có nên đàm phán với người Mỹ hay không phải được nhà lãnh đạo tối cao đưa ra” - Nikolai Kozhanov nhận định.
Cũng theo lời ông Kozhanov, Tehran đang trong tình trạng không hòa bình cũng không phải chiến tranh và chờ đợi cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo ở Mỹ với hy vọng có thể mang lại những thay đổi nhất định. Đối với các lực lượng bảo thủ Iran, họ sẽ không cho phép bất kỳ quá trình đàm phán nào nếu nó được ông Rouhani thực hiện.