Say tàu xe là nỗi ám ảnh của rất nhiều người khi phải di chuyển một quãng đường dài bằng ô tô, đặc biệt là những người về quê xa.
Ám ảnh mỗi khi lên ô tô
Hầu hết những người bị say xe đều gặp phải triệu chứng chóng mặt, buồn nôn, sau đó nôn ói, người lả đi, nằm li bì trên xe ô tô.
Bạn Nguyễn Quỳnh Mai (27 tuổi, quê Yên Bái) cho biết, nhà ở cách trung tâm Hà Nội gần 200km nên mỗi lần nghĩ đến chuyến xe về quê lại cảm thấy hãi hùng.
“Mỗi lần về nhà, tôi phải gọi điện trước cho nhà xe đặt ghế đầu để tránh say xe. Nhưng ngồi đầu cũng không ăn thua, cầm cự được 1/3 quãng đường là hoa mắt chóng mặt, buồn nôn”, Mai chia sẻ.
Nói về cảm giác say xe, Mai tâm sự: "Khi bước lên ô tô, mùi đặc trưng của ô tô đã khiến tôi khó chịu và cảm thấy chóng mặt. Khi xe di chuyển cảm thấy mất thăng bằng, trong người thấy nôn nao. Khi lái xe đi qua các đoạn cua, dốc hay mỗi lần phanh đều cảm giác chao đảo".
Say xe làm con người mệt mỏi với các chuyến đi.
Cũng chung hoàn cảnh với Mai, chị Trần Thị Hoa ở Nam Định rất sợ đi các phương tiện giao thông. Dù đi bằng tàu hỏa, ô tô, máy bay, chị đều bị say, nôn thốc nôn tháo, choáng váng kéo dài nhiều ngày sau đó.
"Tết sắp đến cũng là lúc tôi lo nhất vì xe vừa đông lại có nhiều hàng hóa nên đủ các loại mùi, mùi mồ hôi, mùi hàng hóa, mùi xe ô tô... Chỉ riêng nghĩ đến những mùi đó, tôi đã thấy buồn nôn chứ chưa nói đến việc đi xe nữa", chị Hoa cho hay.
Say tàu xe có thể phụ thuộc vào tâm lý
Một số người đi lại bằng ô tô nhiều cho hay, để tránh bị say xe phải chú ý ăn uống đầy đủ trước khi lên xe, không để bụng đói. Hoặc dùng các phương pháp dân gian như đắp miếng vỏ cam, quýt lên mũi tránh ngửi thấy mùi xăng, điều hòa trên ô tô.
Bác sĩ Lý Trần Tình, nguyên Giám đốc bệnh viện Tâm thần Hà Nội cho biết , say tàu xe là vấn đề nhiều người gặp phải khi di chuyển bằng ô tô, tàu hỏa, máy bay…
Theo bác sĩ Tình, khi bị say tàu xe sẽ có một số triệu chứng cơ bản như: chóng mặt, buồn nôn, nôn mửa, đau đầu và mệt mỏi.
Giải thích về nguyên nhân của triệu chứng say tàu xe, bác sĩ Tình nói: “Đầu tiên là do cơ địa của từng người, có người khỏe mạnh thì không say, người nào hay ốm, yếu, đau đầu rất dễ say tàu xe, đặc biệt là say ô tô".
Theo bác sĩ Tình, nguyên nhân gây say tàu xe cũng có thể do tâm lý. Khi lên ô tô với tâm trạng thoải mái, tinh thần phấn chấn, có thể hạn chế việc say tàu xe. Còn với những người chưa lên ô tô đã lo sợ, buồn nôn và ám ảnh bởi những lần say xe trước đó, rất dễ bị say xe.
Một nguyên nhân nữa mà bác sĩ Tình nói đến là do hàng ngày quen đi lại trên mặt đất bằng phẳng. Khi di chuyển bằng các phương tiện giao thông ngày Tết hay nghỉ lễ, có những thay đổi về phương hướng và tốc độ vận động sẽ gây ra kích thích không tốt cho cơ quan tiền đình ở tai, dẫn đến choáng váng, buồn nôn và nôn.
Theo bác sĩ Tình, để hạn chế việc say tàu xe, mọi người có thể sử dụng một số biện pháp dân gian như dán gừng vào sau tai, ấn vào một số huyệt trên cơ thể, dùng bánh mỳ, vỏ quýt để ngửi.
Ngoài ra những người bị say tàu xe có thể uống thuốc chống say xe, dùng miếng dán mua tại các hiệu thuốc Tây. Tuy nhiên, các bạn cần lưu ý khi mua cần phải có dược sĩ bán và kê đơn để tránh bị dị ứng thuốc.