Tại cuộc họp Hội đồng Kiến trúc – Quy hoạch TP Đà Nẵng sáng 27/3, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng (gọi tắt là Cảng Đà Nẵng) Nguyễn Hữu Sia đã làm một việc mà tự ông nhận thấy mình “dũng cảm”.
Đó là ông tuyên bố “nếu không làm được sẽ từ chức” khi Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ yêu cầu cam kết cụ thể về việc thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng cảng Tiên Sa giai đoạn 2 bằng nguồn vốn do Cảng Đà Nẵng tự huy động thay vì sử dụng vốn ODA của Nhật Bản.
Cùng ngày, ông Nguyễn Hữu Sia đã có cuộc trao đổi với PV Infonet về tuyên bố này:
Ông nghĩ gì về tuyên bố “sẽ từ chức” của ông sáng nay?
Ông Nguyễn Hữu Sia: Kể ra lúc đó tôi cũng hơi phấn khích một tí, nhưng cái tính của mình nó thế, làm được hay không thì phải nói rõ ràng, chứ không phải tôi bốc lên để được nổi tiếng. Tôi nói như vậy vì tôi sẽ làm, làm quyết tâm đó!
Hiện không ít dự án ở Việt Nam đang phải “hít thở” bằng vốn ODA, trong đó có vốn ODA của Nhật Bản. Đây là một kênh vay vốn ưu đãi để đầu tư phát triển. Tại sao Cảng Đà Nẵng lại từ chối nguồn vốn này?
Dự án nâng cấp, mở rộng cảng Tiên Sa giai đoạn 2 theo nguồn vốn ODA của Nhật Bản lên tới 2.000 tỉ đồng, gồm rất nhiều thứ. Nếu đầu tư theo dự án của họ thì thứ nhất là vốn quá lớn, thứ hai là tôi sợ vay ODA lắm. Trả nợ chết luôn. Bởi vì khi đồng Yên “đỏng đảnh” một cái thì mình chịu không nổi chênh lệch tỉ giá.
Thực hiện dự án bằng nguồn vốn ODA thì mình phải vay toàn bộ và cơ quan quản lý Nhà nước cấp trên làm chủ đầu tư. Bây giờ mình làm chủ đầu tư thì mình phải tiết kiệm hơn chứ. Còn làm theo 2 giai đoạn thì vẫn phải bảo đảm vấn đề kỹ thuật, nhưng vấn đề là phương pháp làm thì mình phải xem xét trong tổng thể cho phù hợp.
Vậy Cảng Đà Nẵng đầu tư theo kiểu gì?
Mình làm cuốn chiếu thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1 hơn 1.000 tỉ đồng. Cách làm của Việt Nam thì tất nhiên không bằng của Nhật được. Họ làm hoàn chỉnh một dự án sau khi nghiên cứu khả thi. Nhưng tôi lưu ý Nhật nghiên cứu khả thi cũng có khi trật chứ không phải trúng hết đâu.
Chẳng hạn nghiên cứu khả thi Hành lang Kinh tế Đông – Tây 1 (EWEC 1, nối từ vùng Đông Bắc Thái Lan qua Lào, vào Việt Nam ở cửa khẩu Lao Bảo và ra Biển Đông bằng cửa ngõ Cảng Đà Nẵng) là trật. Nhật nói rất nhiều cái đúng, nhưng cái đó không đúng. Nếu bám theo EWEC1 để đưa sản lượng hàng hóa về Cảng Đà Nẵng thì chắc chúng tôi chết chổng vó rồi!
Vì vậy mình phải căn cứ theo văn hóa, lịch sử, con người của mình, thị trường và tầm nhìn của mình kết hợp với cái hiện đại của Nhật để đưa ra luận chứng kinh tế kỹ thuật phù hợp. Chẳng hạn mình xây cầu cảng khác với họ một chút nhưng vẫn đảm bảo công năng bằng 90% của họ, chủ yếu là container.
Họ cũng container nhưng xây bãi từ lòng sông lên. Mình không có tiền nhiều nên lấy bãi Danalog làm bãi hậu cần. Có những cái chuyển biến nhanh nhẹn theo kiểu Việt Nam thì nó tiết kiệm hơn.
Điều dư luận quan tâm hiện nay là Cảng Đà Nẵng sẽ thu xếp nguồn vốn như thế nào để thực hiện dự án này?
Hiện chúng tôi đã thu xếp được 30% là vốn tự có của đơn vị (khoảng 300 tỉ). Như thế là giỏi rồi đó, bởi vì đầu tư mới thường là vốn vay và vốn huy động từ bên ngoài. 30% nữa là vốn vay, còn lại hơn 30% là từ thị trường vốn bên ngoài. Mình phải lên sàn chứ. Vừa rồi Cảng Đà Nẵng đã đăng ký chứng khoán rồi. Việc này được xúc tiến rất nhanh, bài bản.
Phải nói cổ phần hóa vừa rồi của Cảng Đà Nẵng rất thành công và lẽ ra nên làm sớm hơn. Cách đây 7 tháng, khi Cảng Đà Nẵng cổ phần hóa, giá sàn 11.4 không ai mua cả. Chính bọn tôi trong cuộc mà cũng không mua nhiều. Nhưng sau khi người ta coi tiềm năng, đánh giá thị trường, đánh giá năng lực… thì từ mức giá đưa ra là 11.4, đấu giá xong lên 15.6. Có cái gì lãi nhanh vậy không? Rõ ràng người ta nhìn vào, thấy tiềm năng của Cảng Đà Nẵng rất lớn.
25% vốn Nhà nước đưa ra cổ phần hóa bán cái vèo, xong hết rồi. Điều đó đã giúp tăng uy tín cho Cảng Đà Nẵng. Chắc chắn khi chúng tôi đưa thêm phần vốn Nhà nước ra thị trường chứng khoán thì sẽ rất “trúng”. Đây sẽ là nguồn lực góp phần để chúng tôi thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng cảng Tiên Sa giai đoạn 2.
Dự kiến khi nào sẽ kết thúc giai đoạn 1 của dự án nâng cấp, mở rộng cảng Tiên Sa giai đoạn 2 để đưa vào khai thác?
Ông Nguyễn Hữu Sia: Dự kiến cuối năm 2017 sẽ hoàn tất giai đoạn 1. Khi đó sẽ nâng công suất của cảng lên rất nhiều. Năm nay Cảng Đà Nẵng phấn đấu đạt 6,5 triệu tấn, trong đó hàng container đạt chừng 250.000 – 260.000TEUs, chiếm 60% tổng sản lượng. Đến năm 2020, hứa hẹn hàng container sẽ đạt 550.000 – 600.000TEUs, và đến năm 2025 đạt 800.000TEUs.
Xin cám ơn ông!