Sau Tết Nguyên đán: Đền chùa quá tải

GD&TĐ - Sau đợt nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 9 ngày, các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp đã đi làm trở lại. Dư âm của Tết vẫn chưa hết, tình trạng công sở vắng vẻ sau buổi sáng khá phổ biến, trong khi đình, chùa, khu danh lam thắng cảnh luôn đông nghẹt.

Tình trạng quá tải như thế này quá quen thuộc trong những ngày đầu năm ở các đền, chùa
Tình trạng quá tải như thế này quá quen thuộc trong những ngày đầu năm ở các đền, chùa

Công sở mở rồi đóng

Theo quy định của Nhà nước, Tết Nguyên đán Kỷ Hợi được nghỉ 9 ngày từ 2/2 đến 10/2 (tức 28 tháng Chạp đến hết ngày 6 tháng Giêng âm lịch). Ngày mùng 7 tháng Giêng là ngày làm việc đầu tiên của các cơ quan Nhà nước. Tuy nhiên, năm nào cũng vậy, sau Tết một số cơ quan, đơn vị thường vắng vẻ, hoặc có nơi tuy mở cửa nhưng cũng chỉ có vài ba người. Không ít cán bộ, viên chức đi muộn về sớm… vẫn là chuyện thường.

Hoặc nếu những người có mặt đúng giờ quy định của cơ quan, đơn vị mình thì cũng chỉ mang tính “đánh trống ghi tên”, rồi túm năm tụm ba để bàn tán chuyện ăn Tết ra sao, chơi Tết như thế nào… rồi “chuồn” đi chơi hoặc rủ về nhà nhau chúc Tết, nhậu nhẹt hoặc đi lễ chùa.

Mỗi năm, Việt Nam có gần 9.000 lễ hội, trong đó chủ yếu là lễ hội dân gian. Nếu chia đều cho 365 ngày trong năm, mỗi ngày trung bình Việt Nam sẽ có khoảng 24 lễ hội. Hiếm có quốc gia nào trên thế giới có nhiều lễ hội đến như vậy.

Chị Chu Ánh Nguyệt - nhân viên văn phòng một công ty có trụ sở trên đường Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: Năm nào mà chả vậy, trong ngày đi làm đầu tiên sau buổi gặp mặt đầu xuân, họp để các sếp mừng tuổi xong, mọi người thường tranh thủ gặp gỡ, chúc tụng nhau cho thoải mái. Thậm chí, sau buổi gặp gỡ đầu năm lãnh đạo cơ quan cũng tranh thủ đi chúc Tết, gặp gỡ bạn bè, đối tác nên mọi người cứ thoải mái, vô tư đi chơi, đi lễ mà không sợ bị… soi.

“Không chỉ có cơ quan tôi, mà hầu như các công ty, đơn vị hành chính đều phải ngoài rằm tháng Giêng, không khí làm việc mới bắt đầu vào guồng. Còn những ngày trước đó mọi người đi đền, chùa để lấy may mắn. Số còn lại đến cơ quan cũng chỉ để cho có lệ, chứ cứ mắt trước mắt sau rồi “chuồn”. Đây chính là lý do vì sao cứ những ngày đầu năm đình, đền, chùa luôn đông nghẹt người, trong khi đó các công sở thì lại rất hiu hắt” – chị Nguyệt nói.

Đền, chùa quá tải

Khác hẳn cảnh vắng vẻ nơi công sở, trong những ngày đi làm đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết hầu như các đền, chùa như Phủ Tây Hồ, chùa Trấn Quốc, chùa Phúc Khánh, chùa Hà, chùa Hương, Bồ Đề, Quán Sứ, Đền Voi Phục (Hà Nội); Yên Tử, Ba Vàng (Quảng Ninh); Tây Thiên (Vĩnh Phúc); Bái Đình (Ninh Bình); Bà Chúa Kho (Bắc Ninh)… luôn trong tình trạng quá tải, đông nghẹt người đến cúng lễ cầu may cho mình, gia đình và người thân.

Thời điểm này, tuy đã hết kỳ nghỉ Tết được vài ngày, nhưng tại hầu hết các đền, chùa người đi lễ đông như trẩy hội. Ông Bùi Văn Dũng – sinh sống gần 70 năm ở gần chùa Phúc Khánh (phường Thịnh Quang, Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Như đã thành thông lệ, cứ đầu năm nhiều người dâng sao giải hạn, nên phải đăng ký trước với nhà chùa, nhà đền cho kịp thời gian. Từ cách đi xe, ăn mặc của họ có thể nhận thấy rất nhiều là công chức, tranh thủ giờ hành chính để đi chùa lấy lộc, cầu bình an… Đặc biệt, cứ vào ngày lễ cầu an và giải hạn thì chùa Phúc Khánh luôn đông nghẹt người, thậm chí tắc nghẽn kéo dài trong nhiều giờ ở đoạn đường Láng Hạ, Láng, Tây Sơn, Thái Thịnh…”.

Nói về thói quen đi lễ đầu năm, ông Dũng cho rằng, với tâm lý dâng lễ vật đầu năm càng to lên thánh thần thì sẽ xin được nhiều lộc cho cả năm, không ít người nghĩ, phải đến tận nơi cúng lễ, khấn vái nhiều thì thánh thần mới nhìn được mặt, nhớ được tên mà phù hộ được phát tài, phát lộc, cũng như việc làm ăn sẽ xuôi chèo mát mái...

“Không ít người đến với cửa Phật đâu phải xuất phát từ cái tâm trong sáng. Họ sắm sửa lễ lạt thật to đến chỉ hòng cầu tài, cầu lộc, cầu danh. Nhiều người tuy kinh tế còn khó khăn, nhưng hàng ngày cũng đi hết đền này, chùa nọ để cầu khấn, bỏ bê công việc gia đình, con cái, làm ăn dẫn tới gia đình lục đục, vợ chồng ly tán…” – ông Dũng nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ