(GD&TĐ) - Cách đây chưa lâu, quyết định không nhận người có bằng tại chức vào các cơ quan nhà nước của TP Đà Nẵng được coi là "dội gáo nước lạnh" vào hệ đào tạo tại chức và đi ngược lại quyền được học tập suốt đời của người dân.
Chuyện của Đà Nẵng tưởng đã quá sốc, nào ngờ Nam Định còn "nói không" với tất cả sinh viên tốt nghiệp các trường ĐH ngoài công lập. Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Nguyễn Văn Tuấn tuyên bố: Nam Định không chủ trương tuyển dụng công chức là những người tốt nghiệp ĐH dân lập, tư thục hay tại chức. Đợt thi tuyển công chức của Nam Định vừa diễn ra trong 2 ngày (16 và 17/10) không có tên 4 thí sinh (TS) tốt nghiệp ĐH ngoài công lập. Thậm chí, TS tốt nghiệp ĐH Lương Thế Vinh (trường của Nam Định) vào loại Khá cũng nằm trong "Danh sách những người không đủ điều kiện dự tuyển trong kỳ tuyển dụng công chức tỉnh Nam Định- năm 2011". Tất cả những thông tin này được công khai trên trang web của Sở Nội vụ Nam Định trước ngày thi gần 2 tháng.
(ảnh minh họa: Internet) |
Theo ông Trần Tất Tiệp, Giám đốc Sở Nội vụ Nam Định thì chủ trương tuyển dụng sinh viên hệ chính quy thành cán bộ công chức của tỉnh là dựa trên cơ sở Nghị quyết năm 2008 của Tỉnh ủy Nam Định về việc tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức vào làm việc ở các cơ quan hành chính, đoàn thể, chính trị xã hội. Như vậy, chủ trương không tuyển SV tốt nghiệp các trường ngoài công lập vào các cơ quan hành chính của Nam Định đã có từ trước và kỳ tuyển dụng vừa rồi là dịp để Nam Định chính thức tuyên bố công khai. Ông Tiệp khẳng định rằng Nam Định làm như vậy nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, nếu không sẽ chẳng thu hút được người tài học xong về địa phương công tác.
Quyết định của UBND tỉnh Nam Định được coi là hành động "nổ súng" vào hệ thống các trường ĐH ngoài công lập và tất nhiên, nó làm Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ ngoài công lập- GS Trần Hồng Quân hết sức bức xúc. Trong bối cảnh Hiệp hội đang dự thảo kiến nghị gửi Bộ GD-ĐT kéo dài thời gian tuyển sinh đến hết tháng 12 vì không tuyển đủ chỉ tiêu tuyển sinh, quyết định của Nam Định thực sự là đòn đánh chí mạng vào "khả năng sinh tồn" của khối các trường ĐH,CĐ ngoài công lập. Ông Quân cho rằng, nếu quyết định tuyển dụng này là của các doanh nghiệp thì không bình luận, nhưng đây lại là quyết định của cơ quan quản lý nhà nước thì quả là sai luật. Luật Giáo dục quy định mọi bằng cấp quốc gia đều được đối xử như nhau. Quyết định của Nam Định là quá coi trọng bằng cấp và ở góc độ nào đó là đi ngược lại chủ trương của Đảng về "Xây dựng xã hội học tập, bảo đảm cho tất cả công dân Việt Nam có cơ hội bình đẳng trong học tập, đào tạo...".
Chuyện “nói không” với hệ đào tạo dân lập, tư thục, tại chức của Nam Định đã tạo ra làn sóng tranh luận sôi nổi trong mấy ngày qua. Điều không thể phủ nhận rằng trong các cơ quan nhà nước tồn tại một nghịch cảnh: Người làm không hết việc, còn người chơi vẫn cứ chơi dài dài. Trong khi đó, số đông những người thuộc diện “ngồi chơi, xơi nước”, không sắp xếp được vào công việc gì mà vẫn phải trả lương đều đặn lại được đào tạo từ các hệ tại chức, chuyên tu... Tuy nhiên, phải thừa nhận không phải tất cả SV theo học các trường ĐH,CĐ ngoài công lập đều kém cỏi. Những năm gần đây, không ít các trường ĐH,CĐ ngoài công lập đã không ngừng cải thiện cơ sở vật chất, tăng cường đội ngũ giáo viên cơ hữu nhằm nâng cao chất lượng dạy và học. Phải thẳng thắn thừa nhận, chất lượng đào tạo ở một số trường ĐH,CĐ ngoài công lập không kém, nếu không muốn nói là hơn đứt so với chất lượng đào tạo ở các trường công lập mới mở tại các địa phương.
Vậy tại sao Nam Định không tổ chức thi tuyển với mọi đối tượng một cách bình đẳng để chọn ra những người có năng lực tốt nhất tham gia bộ máy công quyền?
Và nữa, sau Nam Định, tỉnh nào sẽ tiếp tục “nổ súng” vào khối các trường ĐH ngoài công lập?
Trong bối cảnh như vậy, các cơ quan chức năng sẽ xử lý như thế nào đối với các địa phương bị coi là phạm luật?
Thụy Anh