(GD&TĐ)- Sáng nay (10/12), tại Hà Nội, thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã dự và phát biểu khai mạc hội thảo “Đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông- Kinh nghiệm quốc tế và vận dụng vào điều kiện ở Việt Nam”. Đây là hoạt động của dự án xây dựng chương trình giáo dục phổ thông trong Biên bản ghi nhớ giữa Việt Nam và Đan Mạch.
Hội thảo có sự góp mặt của nhiều nhà khoa học giáo dục, nhà nghiên cứu uy tín trong nước và nước ngoài. Hội thảo sẽ diễn ra trong 3 ngày (từ 10 đến 13/12) để các đại biểu thảo luận, đóng góp các ý kiến trong các nhóm thảo luận và đưa ra cho đoàn chủ tịch trong phiên thảo luận cuối cùng.
hội thảo “Đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông- Kinh nghiệm quốc tế và vận dụng vào điều kiện ở Việt Nam”. Ảnh, gdtd.vn |
Tại hội thảo, các nhà khoa học giáo dục Việt Nam chia sẻ các nghiên cứu về; mục tiêu, chuẩn đầu ra của giáo dục phổ thông và của từng cấp học; năng lực và cách thức xác định các năng lực chung cốt lõi của học sinh; xây dựng kế hoạch dạy học, xác định các lĩnh vực/môn học và thời lượng cho mỗi lĩnh vực/môn học; phương án thực hiện dạy học tích hợp và dạy học phân hóa; phương pháp và hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển năng lực của học sinh; nội dung và hình thức kiểm tra đánh giá kết quả học tập; hình thức thử nghiệm, tiêu chí đánh giá chương trình, SGK; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên đáp ứng yêu cầu phát triển chương trình giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển năng lực học sinh… Các nghiên cứu này đã được các nhà khoa học giáo dục của Việt Nam nghiên cứu dựa trên kinh nghiệm của các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới và các nước trong khu vực có nền giáo dục có nhiều thành tựu.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn vinh Hiển nhận định: Để thực hiện tốt việc đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông cần có nguồn lực. Hiện ngành giáo dục đang thiếu nhiều nguồn lực để thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông như: đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học… Do vậy muốn xây dựng chương trình SGK mới phải xuất phát từ thực tiễn của Việt Nam và kinh nghiệm của các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới để học hỏi. Làm thế nào đó để chương trình dạy học của Việt Nam có tính khả thi, đáp ứng được nhu cầu dạy và học ở nhiều vùng miền khác nhau của đất nước theo định hướng: không chỉ quan tâm đến trang bị kiến thức kĩ năng mà còn quan tâm đến việc sau đó học sinh làm được cái gì, học sinh có ứng dụng được những kiến thức kĩ năng đã học vào trong cuộc sống và ngay vào trong quá trình học tập hay không.
Bá Hải