Sau ly hôn có nên cho con về chơi nhà nội?

Tôi và chồng cũ có một con trai năm nay ba tuổi. Tôi đơn phương ly hôn cách đây hơn một năm vì chồng cũ lăng nhăng. Chưa đầy một năm sau, anh đã lấy cô bồ đó.

Ảnh: wordpress.com
Ảnh: wordpress.com

Khi ly hôn, tôi đã nghĩ sẽ không thù hận, sẽ tạo điều kiện để bên nội và bố của bé quan tâm đến bé. Suốt thời gian qua, dù tôi đã nhiều lần gạt bỏ tự ái để nói với bố bé chăm gọi điện cho bé, nhưng hàng mấy tháng trời anh ấy mới gọi được một cuộc. Anh ta cũng không đóng tiền nuôi bé. Chúng tôi không nói chuyện được bình thường dù đã cố gắng.

Nhà nội của bé ở xa chỗ mẹ con tôi gần 200 km, đi xe khoảng 4-5 tiếng nên tôi không thường xuyên cho con về. Từ bé cháu chỉ biết đến mẹ. Tuy nhiên ông nội rất quan tâm đến cháu. Tuần nào cũng đúng tối thứ bảy, ông gọi nói chuyện với cháu, gọi từ khi cháu mới chỉ biết "ạ" đến giờ đã biết nói, biết tự trả lời điện thoại.

Khi chồng cũ chưa tái hôn, tôi có cho con về nội nhưng giờ tôi thấy không tiện. Ông nội bảo nhớ cháu, muốn đưa cháu về chơi mấy ngày. Tôi chưa biết quyết định thế nào. Bố cháu không quan tâm đến cháu, luôn xa cách. Giá như bố gần gũi với cháu hơn thì tôi không lo lắng. Giờ cho cháu về đó, đột nhiên xa mẹ một tuần liền, liệu cháu có thích nghi được không? Tôi muốn nhấn mạnh rằng sau ly hôn đến giờ tôi chưa từng ngăn cấm, chia rẽ cháu với nhà nội, với bố cháu, chỉ có điều ở xa nên tôi không cho về. Mong nhận được góp ý của quý chuyên gia. Tôi xin chân thành cảm ơn. (Ngọc)

Trả lời

Người ta đều được sinh ra trong di truyền của bố mẹ, xét về huyết thống thì đó là bên nội và bên ngoại. Khi ly hôn, trẻ em là người bị thiệt thòi nhiều nhất. Bố mẹ khi ly hôn có thể là sự giải phóng cho nhau nhưng trách nhiệm với các con là vấn đề thuộc về đạo đức làm cha làm mẹ. Việc để các con liên hệ tốt với bên nội, bên ngoại vừa là đạo lý vừa là tình người.

Câu chuyện của bạn liên quan đến “có một con trai năm nay 3 tuổi” và “bạn đơn phương ly hôn cách đây hơn một năm”. Bạn có suy nghĩ “sẽ không thù hận, sẽ tạo điều kiện để bên nội và bố của bé quan tâm đến bé”. Cuộc sống có khi không như ý mình, chồng cũ là người thiếu trách nhiệm “không gọi điện thăm con”, “không đóng tiền nuôi con”. Có điều may là “ông nội rất quan tâm đến cháu. Tuần nào cũng gọi điện tối thứ bảy, ông gọi nói chuyện với cháu”. Như vậy, ông nội thực sự thương cháu.

“Khi chồng cũ chưa tái hôn, bạn có cho con về” tức là bố của cháu đang ở nhà với ông nội? Đây là vấn đề rất quan trọng nhưng trong thư bạn không nói đến. Nếu bố của cháu bé đang ở với ông nội và tái hôn cũng đang ở đó thì bạn không nên đưa cháu về, vì như vậy bạn sẽ gặp người vợ của anh ta mà có thể xảy ra những sự phức tạp. Nếu bố của cháu ở nơi khác thì bạn có thể đưa cháu bé về thăm ông nội.

Việc đưa cháu bé về ở chơi với ông nội ít ngày cũng là cả vấn đề, vì nếu bạn không ở đấy thì không yên tâm, nếu đưa về để cháu ở lại với ông nội thì việc chăm sóc cháu sẽ thế nào... đây là vấn đề phải tính. Bạn đã thấy “bố cháu không quan tâm đến cháu, luôn xa cách” thì không thể trông cậy vào bố cháu được. Việc chăm sóc cháu bé là vấn đề quan trọng trong lúc này. Bạn đưa cháu về với đoạn đường xa như vậy thì sức khỏe của cháu có ảnh hưởng gì không? Còn vấn đề phí tổn, đi lại như vậy thì bạn có tiền không...?

Tất cả đều là những vấn đề rất cụ thể chứ không chỉ tình cảm đơn thuần, mà là tiền và sức khỏe của cháu bé. Đây là những vấn đề bạn cần trao đổi với ông nội cháu để ông hiểu sự thật, đề phòng ông nội cho rằng “bạn ngăn cấm, chia rẽ cháu với bên nội, với bố cháu”. Bạn cũng nên nói với ông nội cả việc bố cháu không gửi tiền nuôi cháu để ông nội có trách nhiệm nhắc nhở.

Bạn nên nói “nếu có điều kiện mời ông nội lên thăm cháu, còn đưa về lúc này thì con bận việc và cháu còn bé không đi xa được, nội thông cảm”. Cần giữ sức khỏe cho cháu và nuôi dạy cháu là quan trọng.

Chúc sự khôn ngoan.

Theo VnExpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ