Sau 5 năm đổi mới, giáo dục ĐH có cơ hội phát triển đột phá

GD&TĐ - Sáng 24/7, tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, diễn ra Hội nghị sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của BCH T.Ư Đảng khóa XI về Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu CNH - HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

Toàn cảnh Hội nghị
Toàn cảnh Hội nghị

Dự Hội nghị có Đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ GD&ĐT do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc làm Trưởng đoàn; về phía Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có PGS.TS Hoàng Minh Sơn – Hiệu trưởng, Bí thư Đảng ủy cùng các cán bộ lãnh đạo trong Ban Giám hiệu, phòng, khoa, Viện của nhà trường.

Báo cáo Đoàn công tác, PGS. TS Hoàng Minh Sơn trình bày việc thực hiện 9 nhiệm vụ và giải pháp được nêu trong Nghị quyết 29 – NQ/TW trong 5 năm qua tại trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

PGS.TS Hoàng Minh Sơn báo cáo tại Hội nghị
 PGS.TS Hoàng Minh Sơn báo cáo tại Hội nghị

Đánh giá chung, lãnh đạo trường ĐH Bách Khoa Hà Nội cho biết quá trình thực hiện Nghị quyết đã có những tác động tích cực tới tất cả các lĩnh vực hoạt động của trường: Sự đổi mới trong nhận thức đã tạo động lực thúc đẩy nhà trường thực hiện hàng loạt đổi mới trong cơ cấu tổ chức và quản lý, đổi mới các hoạt động đào tạo và nghiên cứu, chủ động đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, thực hiện các giải pháp để thu hút cán bộ giỏi, thu hút người học và thu hút nguồn lực của xã hội...

Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương đổi mới chính sách đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã tích cực tìm kiếm, khai thác và triển khai hiệu quả các dự án hợp tác quốc tế với nguồn vốn của nước ngoài nhằm phát triển đội ngũ cán bộ và đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ giảng dạy và nghiên cứu.

Phân tích các mặt còn hạn chế, PGS.TS Hoàng Minh Sơn cho biết các nguồn thu của trường còn rất hạn hẹp so với yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, năng lực nghiên cứu khoa học và nhu cầu đầu tư phát triển để có khả năng cạnh tranh với các trường trong khu vực, đặc biệt đối với một trường kỹ thuật và công nghệ đòi hỏi chi phí cho đào tạo, thực hành, thí nghiệm và nghiên cứu rất lớn.

Các đại biểu dự Hội nghị
 Các đại biểu dự Hội nghị

Mức thu nhập của cán bộ, nhất là cán bộ trẻ còn thấp so với nhiều cơ quan, doanh nghiệp bên ngoài, chưa tạo động lực mạnh cho cán bộ chuyên tâm với công việc giảng dạy và nghiên cứu cũng như thu hút cán bộ giỏi về làm việc. Một số dự án đầu tư xây dựng các phòng thí nghiệm nghiên cứu quan trọng và chương trình đào tạo chất lượng cao của trường không được tiếp tục hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Nhà nước...

Hội nghị đã thảo luận các vấn đề: Cơ chế đặt hàng khoa học để nghiên cứu khoa học; đầu tư cơ sở vật chất cho trường đại học; trách nhiệm của các Bộ/ngành khi thực hiện Nghị quyết 29; các điều kiện để thực hiện tự chủ khi không có Bộ chủ quản như đổi mới cơ chế tài chính, tự chủ về nhân sự, tự chủ về học thuật…; tỷ lệ tốt nghiệp của SV Trường ĐH Bách khoa; cơ chế trường ĐH gắn kết với doanh nghiệp để đầu tư về tài chính…

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại Hội nghị
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại Hội nghị 

Thay mặt Đoàn công tác, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đánh giá cao báo cáo của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29, nhà trường luôn là một trong những trường đại học nhóm đầu trong thí điểm các chủ trương mới với những kết quả tích cực.

“CNH, HĐH đất nước sẽ không thể thành công nếu không có các trường ĐH đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ... Từ những kết quả sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29 tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, tôi nhìn thấy giáo dục đại học đang có một cơ hội phát triển lớn. Phát huy những thành quả đạt được, quyết tâm đổi mới cùng với cơ chế chính sách đột  phá, đúng đắn, kịp thời, nhà trường sẽ có những quả ngọt trong tương lai.” – Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ