Sau 16 năm chờ đợi, gia đình cố xạ thủ Trần Oanh sắp nhận tin vui
Theo trao đổi, từ năm 2000 gia đình có nhận được thông tin cố xạ thủ Trần Oanh được Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) công nhận là "Vận động viên xuất sắc nhất thế kỷ 20 của Việt Nam" cùng với nữ vận động viên Thúy Hiền, nhưng sau 16 năm hỏi han, yêu cầu, vợ và các con ông Trần Oanh vẫn chưa thể một lần nhìn thấy tấm giấy này.
Truy cập vào trang web chính thức của Ủy ban Olympic Việt Nam, dễ dàng tìm được thông tin cố xạ thủ Trần Oanh, với phần "Danh hiệu được phong" ghi rõ: "Năm 2000, ông được Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) công nhận là Vận động viên xuất sắc nhất thế kỷ 20 của Việt Nam theo đề xuất của Ủy ban Thể dục Thể thao Việt Nam.
Thông tin về cố xạ thủ Trần Oanh trên trang web chính thức của Ủy ban Olympic Việt Nam.
Tuy nhiên, khi truy cập vào trang web chính thức của IOC, cũng như tìm kiếm trên mạng Internet thì hoàn toàn không có bất cứ thông tin nào xác nhận việc ông Trần Oanh và Thúy Hiền được IOC công nhận danh hiệu này.
Trao đổi với ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam giao đoạn năm 2000, ông Minh cho hay: "Tôi hoàn toàn không biết tý thông tin gì về việc này".
Tìm hiểu thông tin từ ông Hoàng Vĩnh Giang, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban Olympic Việt Nam, sự việc sáng tỏ hơn đôi chút: "Tôi vẫn nhớ năm đấy (2000), Ủy ban Olympic Việt Nam nhận được công văn của IOC yêu cầu đề cử hai vận động viên - một nam, một nữ cho danh hiệu Vận động viên xuất sắc nhất thế kỷ 20 của Việt Nam.
Ông Trần Oanh và Thúy Hiền được chọn thông qua sự bình chọn của cả tập thể, cơ quan, chứ không phải do ai đó tự ý chọn ra. Sau đó hồ sơ của hai vận động viên này được gửi lên IOC.
Tuy nhiên sau đấy IOC có gửi công văn chính thức xác nhận trả lời hay không thì tôi không được biết".
Về chuyện này, vận động viên Thúy Hiền xác nhận: "Hiền có nghe rằng mình được bình chọn là vận động viên xuất sắc của Việt Nam thế kỷ 20, nhưng chỉ là nghe thế thôi, chứ chưa hề được trao chính thức".
Những ngày gần đây, sức khỏe của bà Cao Thị Xang - quả phụ của cố xạ thủ Trần Oanh không được tốt. Đã 80 tuổi và mang trong mình căn bệnh suy thận cấp, bà phải nhập viện để điều trị. Tuổi cao, xa quê và đau yếu, bà Xang vẫn từng ngày mong có được tấm giấy chứng nhận của chồng để đặt lên bàn thờ ông cho thỏa lòng mong mỏi.
Bà Cao Thị Xang vẫn hàng ngày mong mỏi tấm giấy chứng nhận của chồng để đặt lên bàn thờ cho ông.
Anh Đức, con trai cả của ông cũng không khỏi nghẹn ngào: "Lúc nghe tin bố được công nhận, cả nhà rất phấn khởi, vui mừng. Cuối cùng bố tôi cũng được vinh danh đúng như những gì ông làm được. Thế nhưng niềm vui đến nay vẫn chưa trọn vẹn. Chúng tôi đã đợi 16 năm nay, nhưng bằng chứng nhận vẫn chưa được trao cho bố".
Theo thông tin chúng tôi được biết từ chị Nguyễn Thị Nhung, Trưởng đoàn bắn súng Việt Nam dự Olympic vừa rồi thì thời gian tới, xạ thủ đoạt HCV Olympic Rio 2016 Hoàng Xuân Vinh sẽ thu xếp về thăm nhà huyền thoại Trần Oanh và trích một phần tiền thưởng của mình biếu người vợ của bậc tiền nhân.
Liên hệ với Chánh văn phòng Ủy ban Olympic Việt Nam Lý Đức Tú, ông Tú cho biết, tuy thời điểm đó ông chưa công tác tại Ủy ban, nhưng cũng đã nắm được sự việc và đã chỉ đạo các bộ phận liên quan rà soát lại, nhằm giải quyết thỏa đáng nhu cầu chính đáng của gia đình cố xạ thủ Trần Oanh.
Tuy nhiên, vì sự việc diễn ra đã từ khá lâu, nên có khả năng công văn từ IOC đã bị thất lạc hoặc hủy hoại (do in từ máy fax), hoặc đã được chuyển sang cho Liên đoàn bắn súng Việt Nam, dẫn đến việc tìm kiếm, xác định sẽ khá khó khăn.
Phần mộ của cố xạ thủ Trần Oanh tại xã Hải Yến (Tĩnh Gia, Thanh Hóa).
Ở thời điểm hiện tại, nhân sự của Ủy ban Olympic đang phải căng ra để phục vụ Đại hội thể thao biển châu Á (diễn ra tại Đà Nẵng từ ngày 23/9 đến ngày 5/10/2016 - PV) nên theo ông Lý Đức Tú, Ủy ban sẽ tập trung rà soát gấp ngay sau khi Đại hội kết thúc.
Cũng theo ông Tú, trong trường hợp giấy chứng nhận từ IOC bị thất lạc, Ủy ban Olympic Việt Nam sẽ có đề xuất lên Ủy ban TDTT Việt Nam để tổ chức cấp lại giấy chứng nhận, đồng thời tổ chức lễ vinh danh cho cố xạ thủ Trần Oanh, với sự hiện diện của đại diện gia đình.
Năm 2016 là một năm đại cát với thể thao Việt Nam, với những thành công mà Việt Nam chưa bao giờ đạt được, mong rằng với truyền thống "uống nước nhớ nguồn", sự vinh danh dành cho cố xạ thủ Trần Oanh - một huyền thoại bị lãng quên của thể thao Việt Nam sớm được thực hiện, để người thân yên lòng, xã hội ghi nhận và ghi nhớ.
Bà Cao Thị Xang, quả phụ của cố xạ thủ Trần Oanh bày tỏ.
Cố xạ thủ Trần Oanh sinh năm 1927. Tháng 7/1962, ông cùng đồng đội đại diện cho Việt Nam tham dự Giải bắn súng quân đội các nước XHCN tại Plezen (Tiệp Khắc cũ). Tại đây, ông đoạt huy chương vàng với 587 điểm, vượt kỷ lục thế giới lúc đó do đại úy McKlein (Mỹ) lập tại giải VĐTG.
Năm 1966, cố xạ thủ Trần Oanh lại một lần nữa lập công lớn với chức vô địch môn súng ngắn bắn chậm cùng thành tích 574 điểm tại Đại hội thể thao GANEFO châu Á lần thứ nhất.
Năm 1974, ông nghỉ hưu về quê tại Tĩnh Gia (Thanh Hóa), sống những năm cuối đời tại đây và qua đời tháng 8/1986 trong cảnh bần hàn.