Sát hại tướng Suleimani, chính sách Trung Đông của Mỹ suy yếu

Sát hại tướng Suleimani, chính sách Trung Đông của Mỹ suy yếu

“Thùng thuốc súng” Trung Đông

Tình hình Trung Đông đang chờ chực bùng nổ sau vụ Mỹ không kích sân bay Baghdad ở Iraq giết chết tướng Iran Qasem Soleimani. Hàng chục nghìn người Iran đã xuống đường hôm 6/1 ở thủ đô Tehran dự đám tang tướng ông.

Với người dân Iran, tướng Solemani được nhìn nhận như một người anh hùng, nhân vật số hai của Iraq sau lãnh đạo tối cao Khamenei. Con gái tướng Soleimani là Zeinab Soleimani cảnh báo rằng, Mỹ đang đối mặt với “những ngày đen tối” vì vụ sát hại này.

Khi đến thăm người thân tướng Soleimani ở Tehran, Tổng thống Iran Rouhani nói: “Người Mỹ không nhận ra họ đã mắc sai lầm khủng khiếp thế nào”, và đe dọa sẽ trả đũa Mỹ.

Trước ngày đám tang, hôm 5/1, Iran tuyên bố rút khỏi các ràng buộc của thỏa thuận hạt nhân 2015. Thỏa thuận này hạn chế các năng lực hạt nhân của Iran để đổi lấy việc bãi bỏ trừng phạt kinh tế.

Sau cảnh báo từ Iran, ông Trump nói rằng Mỹ sẽ đáp trả trong trường hợp Mỹ bị trả đũa xung quanh cái chết của ông Soleimani, “có lẽ là theo cách không cân xứng”. Ông nói rằng Mỹ sẵn sàng không kích 52 vị trí của Iran - gồm cả các mục tiêu văn hóa, và sẽ “tấn công rất nhanh, rất nặng nề” nếu Tehran tấn công người Mỹ hoặc các tài sản của Mỹ.

Điều này khiến người ta lo ngại vì tấn công mục tiêu văn hóa là điều bị cấm theo Công ước Geneva và quy định của Bộ Quốc phòng Mỹ về can dự chiến tranh.

Việc giết tướng Soleimani dường như còn làm người Iran đoàn kết hơn sau nhiều tháng biểu tình bạo lực phản đối chính phủ của họ. Bloomberg dẫn lời giáo sư chuyên về quan hệ quốc tế Fawaz Gerges tại Trường Kinh tế London nói: “Điều đó đã đoàn kết hầu hết các lực lượng chính trị ở Iraq chống Mỹ. Nó đem lại cho Iran một không gian dễ thở ở Iraq”.

Từ phía Iraq, hậu quả vụ không kích với Mỹ cũng có thể thấy rõ khi trong ngày 5/1, các nghị sĩ Iraq thông qua một nghị quyết không ràng buộc đình hoãn hoạt động của lực lượng liên quân chống Nhà nước Hồi giáo (IS) và kêu gọi quân đội nước ngoài rời khỏi Iraq. Lực lượng Mỹ vài năm trước đã được mời trở lại Iraq để giúp chống IS.

Đáp lại, Tổng thống Trump đe dọa sẽ đáp trả Iraq bằng các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nếu quân Mỹ phải rời nơi đây. “Chúng tôi có một căn cứ không quân đắt đỏ khác thường ở đó. Nó tốn hàng tỉ USD để xây nên. Chúng tôi không rời đi nếu họ không trả tiền cho chúng tôi” - ông nói với các phóng viên.

Cuộc chiến chống IS bị ảnh hưởng ngay lập tức. Liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu ở Iraq cho biết, họ tạm ngừng các hoạt động nhằm vào tổ chức khủng bố này để tập trung vào bảo vệ các căn cứ gần đây bị tấn công.

Đồng minh không hậu thuẫn

Nội bộ nước Mỹ vẫn đầy tranh cãi sau vụ không kích sát hại tướng Soleimani. Tờ Tehran Times dẫn lời Giáo sư Paul Pillar, nhà phân tích tình báo của CIA trong 28 năm, nói rằng, vị thế chính trị nội bộ của ông Trump quyết định hầu hết mọi thứ ông làm, kể cả chính sách đối ngoại và an ninh.

Có thể vụ sát hại tướng Soleimani là nhằm làm sao lãng sự chú ý việc luận tội nhằm vào ông, và lợi dụng sự thù ghét Iraq thường được nhắc đến trong các cuộc tranh luận chính trị ở Mỹ.

Trong khi phe Cộng hòa ca ngợi vụ không kích nhằm “chống khủng bố” thì phe Dân chủ đặt câu hỏi, liệu có đúng tướng Soleimani là “mối đe dọa tức thời” hay không, và liệu ông Trump có chiến lược hoặc kế hoạch lớn hơn để giải quyết khủng hoảng sau vụ không kích.

Bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện, đã gửi thư đến các thành viên Hạ viện thông báo một cuộc bỏ phiếu vào cuối tuần này về nghị quyết giới hạn quyền lực của ông Trump trong các hành động quân sự tiềm năng liên quan đến Iran.

Về ngoại giao, Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo đã có hàng chục cuộc điện đàm với những người đồng cấp nước ngoài, từ Trung Quốc đến Saudi Arabia để thuyết phục họ về vụ tấn công, đồng thời xuất hiện trên các kênh truyền thông lớn của Mỹ ngày 5/1.

Ông nói chính quyền đã có thông tin tình báo liên quan đến quyết định giết tướng Soleimani, và bất kỳ hành động nào của Mỹ chống lại Tehran cũng là “hợp pháp”.

Cho dù các nỗ lực của Ngoại trưởng Pompeo, vẫn ít thấy các dấu hiệu hậu thuẫn từ những đồng minh chủ chốt của Mỹ, ngoại trừ Israel. Còn các đồng minh NATO dự định tổ chức cuộc họp vào 6/1 để thảo luận về căng thẳng đang gia tăng trong khu vực.

Quả thật giờ đây người ta lo ngại nhiều nhất là tình hình sẽ leo thang tới mức nào. Giáo sư Paul Pillar nhận định, Iran sẽ trả đũa mạnh mẽ. Về lâu dài, chính sách Trung Đông của Mỹ đang đi ngược lại tất cả những gì ông Trump hứa trước đây.

Lính Mỹ sẽ không thể rời Iraq sớm như ông Trump đã cam kết. Với việc ông quyết định triển khai 3.500 lính Mỹ tới Kuwait hôm 5/1, giờ đây lực lượng Mỹ ở Trung Đông đã lên tới 17.000 chỉ từ tháng 5/2019, suy yếu cam kết của ông rằng sẽ đưa nước Mỹ khỏi “những cuộc chiến bất tận”.

“Hiếm khi thấy một hành động chiến thuật đơn lẻ nào lại đưa lại nhiều hậu quả tiêu cực tiềm năng về chiến lược như vậy cho Mỹ” - David Miller, nhà nghiên cứu cấp cao của tổ chức tư vấn Carnegie Endowment for International Peace. “Chỉ với một quyết định đơn lẻ, chúng ta đã làm suy yếu 17 năm một sứ mệnh của Mỹ”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đối tượng Nguyễn Minh Trường thời điểm bị bắt giữ và tang vật.

Triệt phá 'lô cốt' ma túy

GD&TĐ - “Bà trùm” chia nhỏ ma túy, giao cho “chân rết” là những “quái xế” vận chuyển bằng xe máy với tốc độ cao nhằm hạn chế giám sát của lực lượng chức năng.