Hãng LG thì dự kiến sẽ sản xuất 100 nghìn điện thoại uốn gập vào quý 4. Lenovo trong năm nay cũng sẽ tham gia vào cuộc đua điện thoại dẻo.
Theo CNet, tháng Sáu năm ngoái, trong buổi lễ ra mắt điện thoại Moto Z và Phab 2 Pro, hãng Lenovo đã khiến mọi người ngồi trong khán phòng trầm trồ khi mời một phụ nữ lên biểu diễn điện thoại uốn gập có tên mã là CPlus.
Cầm điện thoại hình chữ nhật, cô gái ấn chặt vào cổ tay, CPlus ôm khít cổ tay cô gái như một chiếc vòng trang sức. Mặc dù CPlus chỉ là mẫu điện thoại thử nghiệm, nhưng nó cho chúng ta cái nhìn về điện thoại tương lai.
Ngày nay, điện thoại với thiết kế hình chữ nhật, phẳng và cứng đã trở nên nhàm chán. Những mẫu điện thoại có thể uốn cong, xoắn và gập lại được sẽ tạo ra luồng sinh khí mới cho ngành công nghiệp chế tạo, cho dù khi mới xuất hiện chúng có thể chạy chậm chạp và "yếu xìu" so với điện thoại hiện tại.
Tại sao chúng ta lại cần điện thoại uốn cong và gập lại được?
Lenovo giới thiệu điện thoại dẻo CPlus và máy tính bảng gập đôi
Điện thoại uốn gập được không còn xa vời. Đó là một thiết bị công nghệ hấp dẫn, nó đã cho chúng ta thấy được các kỹ sư và nhà thiết kế đã vượt qua ranh giới của sự sáng tạo như thế nào. Nhưng tính hữu dụng mới thực sự quyết định giá trị của điện thoại uốn gập.
Khi gập lại, điện thoại dẻo sẽ biến thành một thiết bị nhỏ hơn, có tính di động cao hơn. Chúng ta có thể đút túi và mang đi khắp nơi rất thuận tiện. Về cơ bản, điện thoại dẻo có thể tăng kích thước màn hình của bạn lên gấp đôi.
Hơn nữa, những thiết bị như thế này "sẽ được sản xuất dễ dàng như in báo". Đây là nhận định của Roel Vertegaal, Giám đốc phòng thí nghiệm Human Media thuộc Đại học Queen (Canada). Phòng thí nghiệm của Vertegaal đang tiến hành nghiên cứu các nguyên mẫu điện thoại dẻo. Ông Vertegaal cho rằng việc sản xuất một số linh kiện mang tính dẻo sẽ giúp giảm chi phí lắp ráp một chiếc điện thoại.
Điện thoại dẻo ngoài việc cung cấp cho người dùng một môi trường làm việc 3 chiều (thay vì màn hình phẳng một chiều), nó còn giúp chúng ta thay đổi cách thức cầm nắm và sử dụng. Chúng ta có thể vừa chơi game vừa duyệt web, hoặc bẻ vặn điện thoại để kích hoạt một tính năng. Ví dụ như bẻ vặn điện thoại để tạo ra những âm sắc khác nhau khi chơi piano trên điện thoại như video minh họa dưới đây.
Thương mại hóa điện thoại uốn gập và những khuyết điểm tiềm tàng
CPlus của Lenovo không phải mẫu điện thoại duy nhất tham gia vào thế giới uốn gập. Trên thực tế, những nguyên mẫu của điện thoại uốn gập đã được đề cập từ năm 2008, khi Samsung lần đầu giới thiệu tại một hội thảo.
Samsung đang chế tạo một nguyên mẫu điện thoại dẻo có tên mã là Galaxy X, khi mở ra có thể biến thành một máy tính bảng 7 inch. Dự kiến chiếc điện thoại này sẽ được ra mắt vào cuối năm 2017.
LG Electronics cũng được đồn rằng đang cung ứng linh kiện cho Apple, Google và Microsoft để ra mắt điện thoại uốn gập vào năm 2018.
Lenovo ngoài điện thoại dẻo còn chế tạo một mẫu máy tính bảng có thể gập đôi. Nó đã được Lenovo đem ra "khoe" với khán giả cùng với CPlus hồi tháng 6 năm ngoái.
Trong khi các nghiên cứu về điện thoại uốn gập đang dần nóng lên tại các phòng thí nghiệm của tư nhân và của các hãng chế tạo lớn, bạn đừng mong đợi chúng sẽ xuất hiện cùng một lượt. Các công ty có xu hướng đi từ từ và thận trọng với thiết kế hoàn toàn mới.
Ví dụ như mẫu điện thoại màn hình cong đầu tiên của Samsung, chiếc Galaxy Round. Mẫu điện thoại ý tưởng này đã không bao giờ được xuất khẩu ra ngoài Hàn Quốc.
Nhưng thiết kế của nó là tiền đề cho sự ra đời của những dòng điện thoại có cạnh cong ngày nay như Note Edge, S6 Edge, S7 Edge. Chiếc Xiaomi Mi Mix của Trung Quốc với màn hình gần như không có cạnh viền cũng là một mẫu điện thoại ý tưởng để rồi những công nghệ như vậy sẽ được phát triển cho các dòng điện thoại trong tương lai. Rất có thể điện thoại uốn gập của tương lai sẽ có những đặc điểm sau:
- Tốn rất nhiều chi phí để chế tạo (Vì thế giá thành sẽ rất đắt đỏ).
- Bán với số lượng ít.
- Bán thử nghiệm ở một đến hai thị trường nhằm thăm dò phản ứng người mua.
Điện thoại Galaxy Round của Samsung tạo tiền đề cho sự ra đời của dòng Edge
Một vấn đề khác cũng cần xem xét là những hư hỏng tự nhiên của sản phẩm khi bị uốn gập nhiều lần. Chris Schmandt, Trưởng nhóm nghiên cứu điện thoại di động thuộc Viện Công nghệ Massachusetts cho rằng "Tôi chẳng thấy có lý do gì để thích điện thoại bị bẻ gập hàng ngày. Trên thực tế tôi đã phải để điện thoại trong vỏ bảo vệ để tránh va đập khi sử dụng".
Có thể những chiếc điện thoại với khả năng uốn gập sẽ gây ảnh hưởng đến những linh kiện phần cứng bên trong nó. Điện thoại gập cũng sẽ khiến cho pin phải thu nhỏ kích thước, giảm thời lượng hoạt động. Các linh kiện cứng như bo mạch sẽ phải sử dụng một cấu hình khác, hoặc phải được thiết kế lại để chịu được sự uốn cong nhẹ.
Điện thoại dẻo sẽ trở thành dòng sản phẩm chủ đạo?
Nếu như điện thoại dẻo không tạo ra được một cú đấm mạnh trên thị trường, tại sao các công ty phải đổ tiền vào nghiên cứu phát triển nó? Có thể điện thoại dẻo không bao giờ trở thành một dòng điện thoại chủ đạo trên thị trường trong nhiều năm và thậm chí là mãi mãi?.
Sự thật là, chúng ta không thể đoán chính xác được xu hướng nào sẽ trở thành chủ đạo và dẫn dắt thị trường. Vì thế, vinh quang sẽ dành cho những người dẫn đầu đổi mới.
Các công ty có nhiều kinh nghiệm sẽ dành được lợi thế thị trường khi mà dòng thiết bị uốn gập bắt đầu cất cánh. Đúng như nhận xét của Wayne Lam, nhà phân tích của HIS Markit: "Samsung có thể hưởng lợi khi là hãng đầu tiên tung ra thị trường một thiết bị uốn gập. Samsung sẽ lại khuấy động thị trường và đặt sự thất bại của Note 7 về phía sau họ".
Điện thoại uốn gập cho chúng ta sự tò mò và thích thú khi theo dõi một công nghệ mới sẽ được các hãng phát triển như thế nào. Sẽ phải trải qua một quá trình thử nghiệm và gặp lỗi thì các hãng chế tạo mới có thể xác định được cái gì nên làm, cái gì không nên.
Đây là quá trình phát triển mà sẽ đem lại cho chúng ta một thiết bị mới mà chúng ta không thể sống thiếu nó. Giống như cách mà các nhà chế tạo đã thu nhỏ một máy tính để bàn để đem đến cho chúng ta chiếc điện thoại thông minh nhét vừa trong túi.