Theo thông tin từ NASA, đầu tháng 2/2016 đã có một sao băng với kích thước rất lớn nổ tại khu vực Đại Tây Dương, nhưng gần như không ai có thể nhận ra.
Cụ thể, quả cầu lửa khổng lồ đã rơi xuống bầu khí quyển của Trái đất vào ngày 6/2, và phát nổ ngoài khơi cách bờ biển Brazil 1000km. Ước tính, ngôi sao băng có đường kính lên tới 18m (sao băng thông thường chỉ nhỏ khoảng 1m).
Vụ nổ đã phát ra nguồn năng lượng tương đương 13.000 tấn thuốc nổ TNT. Để dễ so sánh, nguồn năng lượng này cũng giống như vụ nổ từ quả bom nguyên tử Little Boy do Mỹ ném xuống Hiroshima (Nhật) vào năm 1945 vậy.
Vụ nổ bom nguyên tử Little Boy tại Hiroshima năm 1945
Theo ghi nhận của NASA, đây là vụ nổ sao băng lớn nhất kể từ tháng 2/2013, khi sao băng rơi xuống Chelyabinsk (Nga) phát ra đương lượng nổ 500.000 tấn TNT, khiến hơn 1600 người bị thương.
Tuy nhiên các chuyên gia cho biết dư chấn của vụ nổ thực chất khá nhỏ. Phải đến hàng tuần sau đó, các thông tin về vụ nổ mới được lan rộng. Trên thực tế, sao băng đã phát nổ ngay trong không khí, tại độ cao 30.000m. Chính vì thế dù có phát nổ gần khu vực dân cư, hậu quả có lẽ chỉ là rung chuyển một vài căn nhà, vỡ một số ô cửa sổ, nhưng không gây hậu quả nghiêm trọng.
Tuy nhiên theo nhà thiên văn học Phil Plait, nếu như thiên thạch va chạm xuống mặt đất tại khu vực dân cư, hậu quả có thể rất thảm khốc, giống như trường hợp của Hiroshima. Và may mắn thay, điều này đã không xảy ra.
Plait cho biết: "Những vụ nổ trong không trung từ sao băng xảy ra khá nhiều lần trong năm. Hầu hết trong số đó đều rất nhỏ, không thể nhận biết".
Được biết, NASA hiện vẫn đang theo dõi 12.992 vật thể có quỹ đạo gần với quỹ đạo của Trái đất. Trong đó, có 1.607 được đánh giá là có khả năng hủy diệt. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có thiên thạch nào trong số này có nguy cơ va chạm với tinh cầu của chúng ta.
Nguồn: Daily Mail